Đoàn công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh kiểm tra công tác phòng chống bão thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Đức Thọ
Quang Vĩnh là một trong những xã chịu nhiều tác động của thiên tai, bão lũ. Do địa hình thấp trũng nên khi xảy ra mưa lũ, địa phương này đều bị ngập úng sâu, làm thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân. Bởi vậy, chuẩn bị công tác “4 tại chỗ” được xem là phương án tối ưu nhất để chủ động xử lý, kịp thời khắc phục sự cố do mưa lũ gây ra.
Ông Phan Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh cho biết: Phương án “4 tại chỗ” chính là việc chủ động nhân lực, vật lực và phương tiện, lương thực. Hiện tại, xã đã ký hợp đồng với 5 chủ xe tải, 1 xe khách, 2 máy đào, 10 sà lan và hàng chục thuyền máy để huy động khi cần thiết. Ngoài ra, địa phương dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men… kịp thời phục vụ cứu hộ, cứu nạn.
10/24 ngôi nhà tránh lũ cho các hộ dân làng chài thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh đã xây dựng xong tầng 1, phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2022.
Đặc biệt, địa phương đang tập trung đôn đốc các nhà thầu triển khai xây dựng khẩn trương nhà ở tránh lũ cho 24 hộ dân làng chài thôn Tiền Phong. Hiện nay, 10 nhà đã hoàn thiện tầng 1, đang tiếp tục xây dựng tầng 2; 14 nhà đang hoàn thiện phần móng, phấn đấu trước mùa mưa bão năm 2022 cơ bản hoàn thành để đón các hộ dân làng chài vào sinh sống.
Đoàn công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra tình trạng sụt lún, xuất hiện vết nứt tại Rú Dầu, xã Hòa Lạc.
Hiện nay, xã Đức Lạng có 40 hộ dân ở thôn Vĩnh Yên nằm trên tuyến đường trục thôn bị mưa lũ cuốn trôi vào năm 2020, có nguy cơ sạt lở đất vườn và nhà ở nghiêm trọng. Trước mùa mưa bão năm nay, địa phương đã chủ động phương án di dời dân đến nơi an toàn.
Cùng đó là đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến cáo các hộ dân sống gần những khu vực đồi núi dễ có nguy cơ sạt lở đất nâng cao cảnh giác, tuân thủ phương châm “chủ động phòng tránh”. Khi trên địa bàn có những trận mưa kéo dài, địa phương sẽ triển khai kịch bản di dời dân ra khỏi khu vực mất an toàn.
Tuyến đường trục thôn đi vào thôn Vĩnh Yên (xã Đức Lạng) bắt đầu có dấu hiệu sạt lở...
Ông Trần Đình Chiểu - Chủ tịch UBND xã Đức Lạng cho biết: “Mưa lũ năm 2020, tuyến đường vào thôn Vĩnh Yên bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn gần 300m, gây nguy cơ mất nhà cửa cho 40 hộ dân trong thôn sống dọc bờ sông Ngàn Sâu. Sau lũ, địa phương đã đắp tạm đất để cho ngươi dân đi lại nhưng do không có nguồn kinh phí để xây dựng kè chống sạt lở nên cứ đến mùa mưa lũ là đoạn đường này lại bị nước lũ cuốn trôi. Nguyện vọng lớn nhất của chính quyền địa phương cũng như người dân thôn Vĩnh Yên, xã Đức Lạng là được đầu tư xây kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, có như vậy, người dân nơi đây mới an tâm mỗi khi mùa mưa lũ đến”.
Được biết, năm 2021, UBND huyện Đức Thọ đã trích ngân sách chi gần 2 tỷ đồng để đào đắp và làm mới đoạn đường này nhưng do không đủ kinh phí để xây dựng kè chống sạt lở, do đó, cứ đến mùa mưa lũ, đoạn đường này lại bị nước lũ cuốn trôi.
... trở thành một trong những điểm xung yếu nhất trong mùa mưa lũ năm nay ở huyện Đức Thọ.
Ông Phan Văn Xuân - người dân sống cạnh khu vực sạt lở ở thôn Vĩnh Yên cho hay: “Trước đây, ngoài bờ sông Ngàn Sâu có một hàng tre cổ thụ bảo vệ cho tuyến đường nhưng trận lũ hồi tháng 10/2020 đã cuốn trôi hàng tre và gây sạt lở vào phần cơ đường. Theo đó, cứ đến mùa mưa lũ lại tiếp tục sạt lở. Chúng tôi rất lo lắng vì phần sạt lở đã “ăn” gần đến tận nhà rồi”.
Gần khu vực sạt lở trên tuyến đường thôn Vĩnh Yên có hàng chục hộ dân đang sinh sống.
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho hay, bắt đầu từ tháng 4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) của huyện đã thành lập đoàn, tổ chức kiểm tra tại các địa phương. Hiện nay, các xã đã kiện toàn lại các ban chỉ huy PCTT-TKCN theo quy định, đồng thời tổ chức ký hợp đồng về vật tư, phương tiện để phục vụ cho công tác “4 tại chỗ” từ hộ gia đình đến thôn, xã một cách cụ thể, sát thực.
“Nắm chắc các điểm xung yếu, vùng trọng điểm, trước mắt, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; củng cố, nâng cao năng lực và chất lượng hệ thống cảnh báo, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành phòng chống lũ quét, sạt lở đất và tìm kiếm cứu nạn hiệu quả” - ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm.
Thời điểm này, hầu hết các địa phương, đơn vị ở Đức Thọ đều đã chủ động xây dựng phương án phòng chống lụt bão. Dự báo thời tiết năm nay sẽ có nhiều bất lợi, mưa lũ xuất hiện nhiều hơn, do đó, chính quyền các cấp xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là, nhất là với những khu vực ngoài đê thường xuyên bị ngập sâu, khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở cao.