Video: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đánh giá hiệu quả chương trình OCOP
Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn
Quảng Ninh là tỉnh đi đầu triển khai chương trình OCOP (năm 2013). Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình (2013 - 2016), đã có 180 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất được thành lập, đăng ký tham gia với trên 210 sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ được cấp nhãn mác OCOP, trong đó có 99 sản phẩm của chương trình đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao.
Kết quả đạt được của chương trình là thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn, góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho Nhân dân, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Năm 2017, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tỉnh Quảng Ninh...
...trong triển khai chương trình OCOP. (Ảnh tư liệu).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, từ những kết quả ấn tượng của Quảng Ninh, năm 2017, đoàn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã có chuyến tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại tỉnh này.
Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, Hà Tĩnh xem đây là nhiệm vụ quan trọng, phải được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, và đã cụ thể hóa bằng triển khai xây dựng đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Sau khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm nem chua Ý Bình (Hương Sơn) đã có sự thay đổi toàn diện về chất lượng, mẫu mã, phương thức bán hàng….đạt chuẩn OCOP 3 sao và đạt doanh số gấp 5 lần so với trước.
“Sau gần 3 năm triển khai, Chương trình OCOP của Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, góp phần tạo chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế vùng nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Cụ thể, toàn tỉnh đã hình thành trên 300 ý tưởng sản phẩm và trong đó có 152 sản phẩm đánh giá phân hạng đạt 3 sao, 7 sản phẩm đạt 4 sao.
Hầu hết các sản phẩm sau phân hạng đều tăng nhanh về doanh số bán hàng. Các sản phẩm trước khi tham gia OCOP đạt 341,5 tỷ đồng, sau khi tham gia OCOP (năm 2020) đạt 477 tỷ đồng.
Một số sản phẩm có doanh số tăng 3 - 5 lần so với trước (Nước mắm: Phú Khương, Nhất Ninh, Luận Nghiệp ở Kỳ Anh và TX Kỳ Anh; các sảm phẩm nhung hươu: Hiền Ngọc, Hương Luật, Chiến Sơn ở Hương Sơn). Người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã hiểu biết, yên tâm lựa chọn sử dụng sản phẩm OCOP Hà Tĩnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết.
Sản phẩm nước mắm Phú Khương (Kỳ Anh) đạt chuẩn OCOP 3 sao và đạt doanh số gấp 3 lần so với trước.
Bên cạnh hiệu quả về mặt kinh tế, khi tham gia chương trình OCOP nhận thức, ý thức tổ chức sản xuất của người dân được nâng lên. Người sản xuất đã biết đặt vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu; biết nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm theo thị hiếu của người tiêu dùng và tín hiệu thị trường. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị các cấp đã nhận thức đúng đắn về vai trò và ý nghĩa của chương trình.
Đồng bộ từ chính sách đến xúc tiến thương mại
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cùng các sở, ngành liên quan kiểm tra, thẩm định cơ sở sản xuất có sản phẩm tham gia OCOP tại huyện Lộc Hà. (Ảnh tư liệu)
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, để đạt kết quả này, Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, các cơ sở sản xuất.
Ngay từ đầu thực hiện chương trình, tỉnh đã dành một sự ưu tiên đáng kể cho công tác tuyên truyền, tập huấn, với nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình đồng bộ ngay từ khâu ban đầu, lập phương án sản xuất kinh doanh, đến khâu cuối cùng là xúc tiến thương mại.
Cuối tháng 10/2020, Công ty CP CED Central (TP Hà Tĩnh) đã đưa các sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3-4 sao: cam, đồ gỗ mỹ nghệ và nhung hươu tham gia gian hàng Tuần hàng “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” tại Hà Nội.
Trong 2 năm 2019 - 2020, tỉnh đã bố trí ngân sách gần 60 tỷ đồng cho chương trình OCOP. Đồng thời, các địa phương đã ưu tiên bố trí đất đai cho các cơ sở có sản phẩm tiềm năng, có năng lực, muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, để hình thành những cơ sở OCOP khang trang, đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất và có thể gắn với điểm tham quan, du lịch.
Cùng với ban hành cơ chế chính sách, Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và hình thành hệ thống phân phối sản phẩm OCOP. Hiện, trên địa bàn đã có 16 cửa hàng giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Tỉnh đã ban hành quy chế quản lý cửa hàng để hình thành kênh tiêu thụ riêng cho sản phẩm OCOP, tránh việc lợi dụng thương hiệu OCOP để bán hàng kém chất lượng, hàng không phải OCOP.
Hiện, trên địa bàn đã có 16 cửa hàng giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết: Trong giai đoạn tới, Hà Tĩnh tiếp tục xác định Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM; là giải pháp quan trọng để xây dựng thành công tỉnh NTM giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển Chương trình OCOP, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm chất lượng, nâng tầm giá trị để đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.