Công nghiệp Hà Tĩnh kỳ vọng tăng trưởng từ ngành chế biến, chế tạo

(Baohatinh.vn) - Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được kỳ vọng khởi sắc hơn trong quý II khi có 88,37% doanh nghiệp trong ngành dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh khả quan. 

Công nghiệp Hà Tĩnh kỳ vọng tăng trưởng từ ngành chế biến, chế tạo

Ngành dệt và may mặc dù đã có sự phục hồi so với quý IV/2022 nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực “then chốt”, đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh. Theo thông tin từ Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp chế biến, chế tạo với hơn 19.000 lao động hoạt động trong các ngành như: chế biến thực phẩm, dệt may, sản xuất kim loại, đồ uống, dược liệu, giấy, gỗ….

Trong quý I/2023, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo gặp khó khăn, hoạt động kém hiệu quả hơn so với quý trước do vẫn còn gặp nhiều rào cản trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát của Cục Thống kê Hà Tĩnh, trong quý I/2023, có 51,16% doanh nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt lên và giữ ổn định so với quý IV/2022 (trong đó 13,95% đánh giá sản xuất, kinh doanh tốt lên và 37,21% đánh giá ổn định). Bên cạnh đó, 48,84% doanh nghiệp còn lại đánh giá tình hình sản xuất khó khăn hơn quý trước.

Công nghiệp Hà Tĩnh kỳ vọng tăng trưởng từ ngành chế biến, chế tạo

Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh đang tập trung thu mua nguyên liệu để phục vụ sản xuất trong quý II.

Ông Trần Hoài Nam - Trưởng phòng Thống kê kinh tế, Cục Thống kê tỉnh cho biết: “Theo khảo sát trong quý I, với 13 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thì 5 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất là: nhu cầu thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, lãi suất vay vốn cao, khó khăn về tài chính, thiếu nguyên vật liệu”.

Theo ông Nguyễn Hùng Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh, trong quý I, công ty gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu do không phải là mùa cao điểm đánh bắt. Cùng đó, từ năm 2023, để đưa được sản phẩm thủy sản vào thị trường Nhật Bản, yêu cầu phải có giấy chứng nhận khai thác nên công ty chỉ sử dụng được nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, đang vào mùa đánh bắt mực, công ty đang tập trung thu gom mua nguyên liệu để phục vụ sản xuất trong quý II.

Công nghiệp Hà Tĩnh kỳ vọng tăng trưởng từ ngành chế biến, chế tạo

Quý II/2023, ngành sản xuất đồ uống là một trong những ngành được dự báo sẽ sản xuất tốt hơn và giữ ổn định so với quý I.

Tuy nhiên, một dấu hiệu khả quan, theo kết quả khảo sát điều tra của Cục Thống kê cũng cho thấy doanh nghiệp chế biến, chế tạo nhận định xu hướng tình hình sản xuất, kinh doanh quý II/2023 sẽ tốt hơn so với quý I.

“Cục Thống kê đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, có sức ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo. Khảo sát phản ánh nhận định của doanh nghiệp về tổng quan chung hoạt động sản xuất, kinh doanh; biến động của các yếu tố đầu vào (số lượng đơn đặt hàng, lao động, chi phí sản xuất, công suất sử dụng máy móc, thiết bị); dự kiến kết quả đầu ra (khối lượng sản xuất, giá bán bình quân của một sản phẩm) và biến động tồn kho (tồn kho thành phẩm, tồn kho nguyên vật liệu). Theo đó, kết quả có 88,37% doanh nghiệp nhận định sản xuất, kinh doanh quý II sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý I (có 58,14% dự báo tốt lên và 30,23% dự báo giữ ổn định); chỉ có 11,63% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất vẫn tiếp tục gặp khó khăn hơn quý trước" - ông Trần Hoài Nam - Trưởng phòng Thống kê kinh tế, Cục Thống kê tỉnh thông tin thêm.

Các ngành dự báo sản xuất quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2023 gồm: sản xuất đồ uống; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất kim loại.

Công nghiệp Hà Tĩnh kỳ vọng tăng trưởng từ ngành chế biến, chế tạo

Phần lớn các doanh nghiệp đều nhận định trong quý II thị trường và đơn đặt hàng ổn định hơn.

Nhìn chung, các doanh nghiệp dự báo vẫn còn những khó khăn như: chi phí sản xuất cao, sản phẩm và nguyên vật liệu tồn kho lớn nhưng đa số doanh nghiệp nhận định trong quý II sẽ tăng sản lượng sản xuất, thị trường và đơn đặt hàng ổn định hơn. Do đó, hoàn toàn có thể kỳ vọng hoạt động của doanh nghiệp thuận lợi và hiệu quả hơn quý đầu năm, góp phần thực hiện mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng trên 11% so với năm 2022.

Thời gian tới, Sở Công thương cũng sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình, đôn đốc hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển công nghiệp nông thôn; tăng cường xúc tiến thương mại để phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp của tỉnh; tích cực thu hút các dự án đầu tư vào các khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp...

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Hai năm liền đứng đầu về chỉ số DDCI, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng cho thấy TX Hồng Lĩnh đang vững bước trên hành trình trở thành đô thị hạt nhân phía Bắc Hà Tĩnh.
Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chỉ còn hơn 6 tháng trước mốc thời gian hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh nên thời gian này, các chủ đầu tư tăng cường chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.