Sản xuất thép năm 2021 của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đạt 5,4 triệu tấn.
Cũng như các ngành, lĩnh vực khác, ngành công nghiệp Hà Tĩnh đã trải qua một năm đầy khó khăn khi chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19. Thế nhưng, nhờ sự linh hoạt và chủ động triển khai các giải pháp, Hà Tĩnh đã tạo nên những đột phá mới trong khôi phục, duy trì hoạt động SXKD của các doanh nghiệp, đưa ngành công nghiệp tăng trưởng ấn tượng.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng chia sẻ: Các đợt dịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình SXKD. Mặc dù vậy, sản xuất công nghiệp năm 2021 nhanh chóng phục hồi và phát triển, chỉ số sản xuất tăng gần 17% so với năm 2020. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 như: sản xuất thép đạt 5,4 triệu tấn, tăng 22,8%; sản xuất bia đạt 59 triệu lít, tăng 11%; sợi đạt 7.200 tấn, tăng 11 %; điện thương phẩm đạt 1,2 tỷ kWh, tăng 8,8%.
Ca làm việc tại Trung tâm điều hành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Đóng góp vào mức tăng trưởng của ngành công nghiệp năm 2021 phải kể đến vai trò động lực của lĩnh vực chế biến, chế tạo với tỷ trọng chiếm gần 60% toàn ngành. Đặc biệt, chủ lực của ngành chế biến, chế tạo cũng như công nghiệp Hà Tĩnh nói chung là hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh với sản lượng thép năm 2021 đạt 5,4 triệu tấn.
Tạo dấu ấn với lĩnh vực công nghiệp trong năm 2021 còn có sự góp mặt của Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh…
Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh hiện có gần 2.300 lao động.
Bà Phan Thị Thanh Giang - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh chia sẻ: “Năm 2021, công ty vận hành 37 dây chuyền sản xuất may găng tay, quần áo thể thao xuất khẩu trong 3 nhà xưởng. Để đảm bảo “mục tiêu kép”, công ty tuyệt đối tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch trong quá trình sản xuất. Trong năm vừa qua, công ty cũng đã tích cực triển khai công tác tuyển dụng lao động. Hiện chúng tôi đang đảm bảo việc làm cho gần 2.300 lao động, tăng khoảng 2,3 lần so với năm 2020. Nhờ đẩy mạnh SXKD, đảm bảo tiến độ, thời hạn giao hàng cho đối tác, năm 2021, doanh thu của công ty đạt 98 tỷ đồng”.
Cùng với chỉ số sản xuất tăng, ngành công nghiệp cũng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư về công nghiệp được khởi công và đi vào hoạt động như: Nhà máy Sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát Hà Tĩnh (giai đoạn 1) tại Khu kinh tế Vũng Áng; dự án nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH MTV VBE Hà Tĩnh tại CCN Khe Cò (Hương Sơn); dự án Nhà máy phủ ván và ván sàn từ MDF tại CCN Xuân Lĩnh (Nghi Xuân)…
Nhà máy Sản xuất gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt chuyên cung cấp gỗ công nghiệp ra thị trường.
Cũng trong năm 2021, hàng loạt dự án công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thủ tục để xây dựng hoặc chuẩn bị đi vào hoạt động như: Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh tại CCN Cổng Khánh 2 (TX Hồng Lĩnh); Nhà máy Sản xuất formaldehyde và keo dùng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, nhựa, giấy và da tại CCN Xuân Lĩnh; giai đoạn 2 Nhà máy Sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát Hà Tĩnh tại Khu kinh tế Vũng Áng; Nhà máy Sợi Nghệ Tĩnh tại CCN Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh)…
Đặc biệt, dự án Nhà máy Sản xuất Pin VinES do Tập đoàn Vingroup đầu tư được khởi công xây dựng vào tháng 12/2021 đã đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp Hà Tĩnh. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 4.000 tỷ đồng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng nguyên lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh và chủ đầu tư nhấn nút khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất Pin VinES (tháng 12/2021).
Với 2 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp và 23 CCN có hàng trăm dự án đầu tư lớn, ngành công nghiệp đang là trụ cột kinh tế của tỉnh. Trong đó, Khu kinh tế Vũng Áng tiếp tục khẳng định vai trò động lực, đóng góp hơn 56% tổng thu ngân sách và chiếm khoảng 90% giá trị sản xuất công nghiệp.
Có thể thấy, những tín hiệu đáng mừng trong lĩnh vực công nghiệp đã từng bước góp phần cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Đó là xác định công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng là 1 trong 4 trụ cột làm trọng điểm phát triển kinh tế tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng tỷ lệ lấp đầy CCN và phấn đấu đến năm 2025, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm gần 57% trong cơ cấu kinh tế.
Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech (Đức Thọ) tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Theo Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng, để đưa lĩnh vực công nghiệp phát triển trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm mà ngành tập trung là tích cực thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và ngành công nghiệp sau thép; khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tạo những sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường khu vực.
Cùng đó, tạo điều kiện để công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp phát triển; tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các doanh nghiệp rà soát các vấn đề liên quan công tác quản lý, phát triển CCN, tiến độ triển khai một số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN; đẩy nhanh tiến độ các dự án triển khai trên địa bàn, phát huy công suất các nhà máy sản xuất thép, bia, sợi, dệt may…
Với những giải pháp cụ thể, mang tính chiến lược, ngành công nghiệp Hà Tĩnh đang hứa hẹn những bước chuyển mình mạnh mẽ, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của tỉnh trong năm mới.