Gia đình ông Nguyễn Viết Xuân - thôn Tân Tiến, xã Kỳ Nam được xem là hộ trồng mai cảnh lớn nhất xã. Bắt đầu trồng cây mai cảnh từ năm 2017, từ 10 - 15 gốc mai cảnh trong vườn, đến nay, gia đình ông Nguyễn Viết Xuân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng mai lên 1.000 cây, đưa lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Ông Nguyễn Viết Xuân chăm sóc vườn mai cảnh của gia đình.
Ông Xuân cho biết: “Kể từ khi tham gia trồng mai đến nay, đây là năm thứ 2 gia đình nhận được sự hỗ trợ từ Nghị quyết 111 của thị xã. Có sự tiếp sức của chính sách mới, năm 2021, tôi mạnh dạn mở rộng thêm gần 1 ha trồng mai cảnh để có nguồn cây gối đầu cho dịp tết từng năm, nhờ đó, thu nhập của gia đình 2 năm gần đây đều đạt 300-400 triệu đồng/năm…”.
Toàn xã Kỳ Nam hiện có hơn 100 hộ trồng cây mai cảnh và đang được hưởng được các chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 111. Ảnh tư liệu.
Theo Nghị quyết 111, “các tổ chức, trồng cây mai cảnh với số lượng 100 cây trở lên, đường kính 1cm trở lên, trồng tập trung trên cùng diện tích, được hỗ trợ 1 lần kinh phí với mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/cây, tối đa không quá 25 triệu đồng/cá nhân, tổ chức; trồng từ 200 cây trở lên có đường kính từ 0,5cm đến dưới 1cm, trồng tập trung trên một diện tích thì được hỗ trợ 30 nghìn đồng/cây, tối đa không quá 15 triệu đồng/cá nhân, tổ chức”.
Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay, tại Kỳ Nam, đã có gần 50 hộ dân đã nhận được tiền hỗ trợ, hơn 50 hộ còn lại đã được rà soát, đang chờ nghiệm thu để giải ngân nguồn tiền.
Không chỉ tăng thu nhập cho các hộ gia đình, việc phát triển vườn mai cảnh cũng giúp xã Kỳ Nam xây dựng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong ảnh: Hộ trồng mai Nguyễn Kim Nam ở thôn Tân Tiến chăm sóc vườn mai.
Ông Nguyễn Văn Chuổng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam chia sẻ: “Nhờ có chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 111 mà nhiều hộ dân tại xã Kỳ Nam đã mạnh dạn đầu tư để xây dựng mô hình cây mai cảnh, tăng thu nhập cho các hộ gia đình lên từ 50 - 400 triệu/năm, qua đó, giúp xã hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, đặc biệt các tiêu chí vườn mẫu, thu nhập…”.
Không chỉ hỗ trợ phát triển trồng mai, Nghị quyết 111 còn hỗ trợ các mô hình sản xuất lúa, lạc, cây ăn quả, cây dược liệu; mô hình nuôi các loại gia súc, gia cầm, nuôi tôm; hỗ trợ chương trình OCOP, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Xã Kỳ Hà có 15 hộ được hưởng chính sách hỗ trợ về nuôi tôm theo Nghị quyết 111.
Với thế mạnh về phát triển nuôi trồng các loại thuỷ sản, xã Kỳ Hà là địa phương được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách của HĐND thị xã. Qua xét duyệt, toàn xã Kỳ Hà có 15 hộ dân được hưởng chính sách về nuôi tôm. Với mức hỗ trợ từ 30 - 100 triệu đồng/tổ chức, cá nhân tuỳ theo diện tích nuôi trồng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư để nuôi tôm thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Tiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: “Khi triển khai Nghị quyết 111, xã đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân chuyển hướng nuôi tôm từ quảng canh sang thâm canh, vỗ bờ để tăng năng suất, chất lượng. Các hộ nhận hỗ trợ từ chính sách đều đang tích cực nuôi trồng, nhiều hộ đã tăng thêm diện tích...”.
Được biết, sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 111, các địa phương trên địa bàn thị xã đã xây dựng được 6 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao, 4 sao, gồm: sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo Hưng Hà Vân đạt 3 sao, nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa Hưng Hà Vân (phường Hưng Trí) đạt 4 sao, sản phẩm nước mắm Khoàn Minh (xã Kỳ Ninh) đạt 3 sao, nước mắm Diện Xuân (xã Kỳ Ninh) đạt 3 sao, nước mắm nhỉ Nhất Ninh (xã Kỳ Ninh) đạt 4 sao và tép moi khô Luận Nghiệp (Kỳ Ninh) đạt 3 sao OCOP.
Mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Hưng Hà Vân đã đạt chuẩn 4 sao OCOP.
Đến nay, trên địa bàn thị xã có hơn 200 mô hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, vườn mẫu đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: mô hình nuôi bò vỗ béo của anh Thái Văn Hạnh ở xã Kỳ Hoa cho thu nhập 200 triệu đồng/năm, mô hình nuôi tôm thâm canh của ông Nguyễn Văn Lộc (xã Kỳ Hà) có thu nhập 150 triệu đồng năm, mô hình trồng mai cảnh của ông Bùi Văn Khơn (xã Kỳ Nam) thu nhập 250 triệu đồng/năm...
Thành công và hiệu quả của các mô hình chính là động lực để người dân vững tin vào các chủ trương, chính sách của Nhà nước, từ đó, mạnh dạn thay đổi tư duy, dám nghĩ, dám làm để hiện thực hóa những khát vọng đổi thay, làm giàu trên chính quê hương.
Các chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 111 đã thực sự mang lại hiệu quả giúp cho các bà con nông dân tại thị xã Kỳ Anh hình thành nhiều mô hình sản xuất kinh tế đa dạng, cho hiệu quả cao. Thời gian tới, thị xã sẽ chỉ đạo các phòng, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, sâu rộng về chính sách ưu đãi từ nghị quyết để người dân và các địa phương được tiếp cận gần hơn với nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng mô hình, phát triển kinh tế, xây dựng các tiêu chí về nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn...