Đầu tư tiền tỷ chế biến sâu hải sản vùng bãi ngang Nghi Xuân

(Baohatinh.vn) - Sau khi đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, Tổ hợp tác kinh doanh và chế biến hải sản Vân Huy (thôn Yên Ngư, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh) đã thành công với 2 dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Đầu tư tiền tỷ chế biến sâu hải sản vùng bãi ngang Nghi Xuân

Công nhân Tổ hợp tác kinh doanh và chế biến hải sản Vân Huy đóng gói 2 sản phẩm cá trỏng (phải) và cá ngần (trái) chuẩn bị xuất xưởng.

12 năm kinh doanh hàng thủy hải sản ở địa phương, đại lý của chị Trần Thị Vân là địa chỉ thu mua uy tín của ngư dân các xã vùng bãi ngang ven biển Nghi Xuân, đặc biệt là ngư dân xã Xuân Yên - nơi sở hữu hơn 200 tàu thuyền đánh bắt hải sản các loại

Quá trình kinh doanh hải sản khô, chị Vân luôn lựa chọn những sản phẩm đầu vào có chất lượng, dù giá thành có cao hơn nhưng bù lại, sản phẩm của chị làm ra đến đâu được thương lái đến nhà thu mua hết. Cao điểm có ngày chị Vân bán ra gần 500 kg cá trỏng khô và cá ngần.

Đầu tư tiền tỷ chế biến sâu hải sản vùng bãi ngang Nghi Xuân

Các gói sản phẩm được cân điện tử để đảm bảo trọng lượng đều như nhau.

Để các sản phẩm ổn định chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thương trường, hơn ai hết, chị Vân biết cần phải xây dựng thương hiệu, sản xuất theo chuỗi cho các sản phẩm.

“Năm 2019, tôi đầu tư 1,3 tỷ đồng mua 2 container lạnh (800 triệu đồng), lắp đặt nhà kính, thuê nhân công và các điều kiện khác để thành lập Tổ hợp tác (THT) kinh doanh và chế biến hải sản Vân Huy với 2 dòng sản phẩm chính là cá trỏng và cá ngần sấy khô”, chị Trần Thị Vân - Tổ trưởng THT chia sẻ.

Đầu tư tiền tỷ chế biến sâu hải sản vùng bãi ngang Nghi Xuân

.Công đoạn hút chân không cho sản phẩm cá ngần

Quy trình sản xuất cá trỏng tuy đơn giản nhưng đòi hỏi người chế biến phải rất cẩn thận. Để sản phẩm thơm, ngon, chất lượng, yếu tố tiên quyết là phải lựa chọn nguyên liệu thật tươi.

Theo chị Vân, cá trỏng sau khi thu mua về được rửa sạch, ngâm trong đá lạnh khoảng 10 phút để loại bớt vị mặn rồi đem phơi nắng trong khoảng thời gian 1 ngày. Tiếp đó, cá trỏng được đưa vào lò sấy khô trong khoảng 30 phút và đóng gói thành phẩm với trọng lượng từ 0,2kg, 0,5kg và 1kg gam. Cá trỏng Xuân Yên có hương vị thơm ngon nên rất được ưa chuộng.

Đầu tư tiền tỷ chế biến sâu hải sản vùng bãi ngang Nghi Xuân

Sản phẩm không sử dụng hoá chất bảo quản nên đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Tượng tự như cá trỏng, cá ngần sau khi chọn lựa được rửa sạch, rải đều trên khay nhựa rồi phơi nắng 10 - 24 tiếng hoặc phơi trong nhà màng. Sau đó, cá được cho vào lò sấy khoảng 10 phút và đóng gói, hút chân không.

Được biết, trong quá trình chế biến các sản phẩm này, cơ sở sản xuất không bỏ chất phụ gia để đảm bảo hương vị tự nhiên và tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, sản phẩm có thời gian sử dụng chỉ trong vòng 6 tháng.

Đầu tư tiền tỷ chế biến sâu hải sản vùng bãi ngang Nghi Xuân

Nhờ có nhà màng, cá trỏng, cá ngần vẫn được sơ chế bảo đảm ngay cả trong mùa mưa.

Bền bỉ với tiêu chí sản xuất “sạch”, nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống quê hương, cá trỏng khô, cá ngần của cơ sở luôn giữ hương vị thơm, ngon, màu sắc bắt mắt và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tính bình quân, mỗi tháng, tổ hợp tác sản xuất 1,5 tấn cá trỏng khô trị giá 300 triệu đồng và 1 tấn cá ngần trị giá 400 triệu đồng.

Điều đáng vui hơn, ngày 14/1/2022, sản phẩm cá trỏng và cá ngần của cơ sở được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Đầu tư tiền tỷ chế biến sâu hải sản vùng bãi ngang Nghi Xuân

Tổ trưởng THT Trần Thị Vân bên các dòng sản phẩm OCOP

Nói về những dự định sắp tới, chị Trần Thị Vân cho biết: “Dự kiến năm nay, THT tiếp tục cho ra dòng sản phẩm thứ 3 tham dự chương trình OCOP - đó là mực khô - nhằm đa dạng hơn sản phẩm, phục vụ nhu cầu khách hàng, đồng thời tăng cao nhận diện thương hiệu của tổ hợp tác trên thị trường”.

Ông Trần Anh Khoa - Chủ tịch UBND xã Xuân Yên cho biết: “Sản lượng đánh bắt hải sản hằng năm ở Xuân Yên đạt từ 350 - 400 tấn, trong đó chủ yếu là cá trích, cá ve, cá trỏng và cá ngần. Đây là một trong những thuận lợi để THT kinh doanh và chế biến hải sản Vân Huy hoạt động ổn định với nguồn nguyên liệu dồi dào. Sự mạnh dạn trong việc chế biến sâu của tổ hợp tác cũng nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế đối với sản phẩm hải sản địa phương. Hiện nay, tổ hợp tác đang tạo công ăn việc làm cho 7 người là bà con trong xã với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng”.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Chủ đề Sản phẩm mới

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.