Doanh nghiệp Hà Tĩnh “gượng dậy” sau trận lũ lịch sử

(Baohatinh.vn) - Trận lũ lịch sử vừa đây khiến máy móc, hàng hóa của nhiều doanh nghiệp ở Hà Tĩnh bị hư hỏng nặng. Vượt lên khó khăn, các đơn vị đang nỗ lực khắc phục hậu quả để đưa hoạt động sản xuất kinh doanh sớm trở lại trạng thái bình thường.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh “gượng dậy” sau trận lũ lịch sử

Đồng chí Nguyễn Đình Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh kiểm tra, động viên Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) sau mưa lũ.

Nằm trên địa bàn thị trấn Cẩm Xuyên, Xí nghiệp Khai thác và Chế biến khoáng sản Mitraco (thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) bị ngập sâu sau đợt mưa lũ vừa qua. Hơn 120 tấn bột Zircon siêu mịn của xí nghiệp bị ngâm nước không thể sử dụng, khoảng 200 tấn phải sản xuất lại.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh “gượng dậy” sau trận lũ lịch sử

Xí nghiệp Khai thác và Chế biến khoáng sản Mitraco ngập nặng trong đợt lũ vừa qua.

Hơn thế, nhà máy bị ngập sâu 1m nên máy móc bị hỏng nặng, phải chờ chuyên gia từ Tây Ban Nha về sửa chữa. Ước tính tổng thiệt hại của xí nghiệp trong đợt mưa lũ vừa rồi khoảng 4 - 5 tỷ đồng.

Sau khi nước rút, xí nghiệp đã huy động lực lượng dọn dẹp toàn bộ khuôn viên, sửa chữa một số hạng mục để tái sản xuất ngay.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh “gượng dậy” sau trận lũ lịch sử

Hơn 120 tấn sản phẩm bột Zircon siêu mịn của Xí nghiệp Khai thác và Chế biến khoáng sản Mitraco.

Ông Nguyễn Anh Thắng – Trưởng phòng Kinh tế, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh cho biết: "Xí nghiệp Khai thác và Chế biến khoáng sản Mitraco nằm ở tâm lũ, thiệt hại nặng nhất trong các đơn vị thành viên của tổng công ty. Ngoài ra, Quốc lộ 12A nứt gãy, sụt lún nên thạch cao của Công ty TNHH Việt - Lào (Vilaco) không vận chuyển được, thiệt hại do dừng đội xe vận chuyển hơn 1 tỷ đồng, nguy cơ không có hàng giao cho khách dẫn đến mất thị trường.

Cùng đó, Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt không có hàng qua cảng do mưa lũ, tàu không vào được nên tạm dừng hoạt động... Thiệt hại của đơn vị trong đợt lũ lụt còn kéo đến hết năm 2020, con số dự kiến là 20 tỷ đồng”.

Do ảnh hưởng lũ lụt, nhà xưởng, thiết bị, nguyên liệu sản xuất và hàng may mặc sẵn của Công ty CP Sản xuất đầu tư & Thương mại TAAD Hà Tĩnh đã bị nước lũ nhấn chìm lâu ngày, hư hỏng nặng. Trong đó, có hơn 120.000 sản phẩm áo quần may mặc sẵn, trị giá hàng chục tỷ đồng đang chờ chuyển giao cho đối tác đã bị nước lũ cuốn trôi.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh “gượng dậy” sau trận lũ lịch sử

Nguyên liệu sản xuất, hàng hóa may mặc sẵn của Công ty CP Sản xuất đầu tư & Thương mại TAAD Hà Tĩnh bị hư hỏng nặng.

Ngay sau khi nước lũ bắt đầu rút, công ty đã nỗ lực thu gom, phân loại hàng bị ướt và xử lý vệ sinh môi trường để sớm trở lại sản xuất.

Ngoài thiệt hại thiết bị, hàng hóa, tới đây, công ty còn phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng nhập khẩu lại vật tư sản xuất để có hàng giao cho đối tác.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh “gượng dậy” sau trận lũ lịch sử

Khi nước lũ chưa rút hết, cán bộ, công nhân viên Công ty CP Dược Hà Tĩnh đã tới làm vệ sinh để sớm trở lại hoạt động.

Những ngày này, Công ty CP Dược Hà Tĩnh cũng đang nỗ lực sửa chữa các hệ thống dây chuyền bị hỏng do ngập nước. Dù chưa thể thống kê con số thiệt hại, song trận mưa lũ vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến công ty.

Ông Lê Quốc Khánh – Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh cho hay: Công ty đã chủ động triển khai kê kích hàng hóa nhằm giảm thiểu thiệt hại nhưng nước lũ tràn về quá nhanh nên vẫn bị ngập, trôi. Bên cạnh đó, hệ thống máy móc như máy dập viên, máy ép vỉ, máy trộn cao tốc… cũng bị hư hỏng do ngâm trong nước lâu ngày, việc sửa chữa rất khó khăn. Hiện nay, một số dây chuyền máy móc đã có thể đưa vào hoạt động, số còn lại đang được sửa chữa.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh “gượng dậy” sau trận lũ lịch sử

Bộ phận cơ điện Công ty CP Dược Hà Tĩnh đang sửa chữa máy móc hư hỏng sau ngập lụt.

Ước tính thiệt hại do mưa lũ của Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh cũng lên đến 5 tỷ đồng. Hư hại chủ yếu là 7 hệ thống máy bơm của nhà máy nước TP Hà Tĩnh, hệ thống điều khiển và ở một số trạm bơm nhỏ. Các trạm bơm tăng áp bị hỏng nhưng nhu cầu sử dụng nước là cấp thiết, vì vậy, công ty đã phải nhanh chóng khắc phục để đảm bảo cung ứng nước cho khách hàng.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh “gượng dậy” sau trận lũ lịch sử

Ước tính thiệt hại của Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh khoảng 5 tỷ đồng.

Theo ông Võ Ngọc Vinh – Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh, trong những ngày mưa lớn, lượng nước công ty cấp cho khách hàng bằng khoảng 1/3 mức bình thường. Đến nay, dù các trạm bơm vẫn đang trong quá trình sửa chữa, song lượng nước đã đạt 90%. Hiện, công ty đã thuê cán bộ kỹ thuật từ Hà Nội vào sửa chữa để đưa các hoạt động của công ty sớm trở lại bình thường".

Doanh nghiệp Hà Tĩnh “gượng dậy” sau trận lũ lịch sử

Trận lũ lịch sử gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Theo ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp, nhiều đơn vị mất đến hàng chục tỷ đồng do hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất có giá trị cao đa phần là cố định, có kích thước, khối lượng lớn, khó di chuyển.

Máy móc hư hỏng không chỉ mất chi phí sửa chữa mà quan trọng hơn là làm các doanh nghiệp gián đoạn sản xuất, ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa, nguy cơ mất thị trường tiêu thụ. Trước mắt, các doanh nghiệp đang chủ động, khẩn trương khắc phục để đáp ứng sản xuất, phục vụ khách hàng, đặc biệt các lĩnh vực cấp thiết như viễn thông, vận tải, cấp nước…

Nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, giống cây trồng… cũng đang kê khai thiệt hại và hy vọng có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Chủ đề Chung tay khắc phục hậu quả lũ lụt

Đọc thêm

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.