Thiếu nguyên lệu sản xuất, Công ty CPXK Thủy sản Nam Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn
Trong bảng thống kê thời gian làm việc của công nhân công ty, ngày làm việc trong 5 tháng đầu năm chỉ khoảng trên 70 ngày. Cụ thể, tháng 1, công nhân chỉ làm việc được 7 ngày, tháng 2 làm việc 8 ngày, tháng 3 làm việc 10 ngày, tháng 4 và tháng 5 làm việc 20 ngày…
Tương ứng với ngày làm việc lưa thưa của công nhân là sản lượng sản phẩm vô cùng èo ọt. Nếu như năm 2017, công ty sản xuất được trên 1.000 tấn thì 4 tháng đầu năm nay, chỉ đạt trên 100 tấn.
Hơn 80 công nhân đã phải ra đi tìm việc mới
Tan ca, các công nhân rời công xưởng với tâm trạng buồn. Họ biết, với tần suất làm việc giảm đồng nghĩa với nguồn thu nhập thấp, không đủ sống. Một công nhân (xin giấu tên) cho biết: “Em gắn bó với công ty khá lâu rồi. Mấy năm trước, công ty nhiều việc, bọn em có thu nhập tương đối, đủ đảm bảo cho cuộc sống. Tuy nhiên, năm nay, mỗi tháng chỉ làm được ít ngày, thu nhập quá thấp. 3 tháng đầu năm, do số ngày làm việc quá ít nên bọn em thu nhập chưa nổi 2 triệu đồng/tháng. Biết là khó khăn nhưng chúng em vẫn phải bám trụ, vì không còn cách nào khác”.
Không như công nhân này, hàng chục công nhân của công ty đã phải bỏ việc, đi tìm việc làm mới. Chị Nguyễn Thị Hạnh (20 tuổi) - một trong số rất nhiều công nhân đã nghỉ việc, tâm sự: “Là người dân địa phương, chúng em chỉ mong muốn có việc làm ổn định tại quê hương để được gần gia đình. Tuy nhiên, việc làm quá ít, mỗi tháng thu nhập chỉ vài triệu đồng nên không thể bám trụ được. Em quyết định vào miền Nam tìm việc làm mới”.
Khung cảnhảm đạm tại Nhà má chế biến của công ty
Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh Kiều Đức Phúc không giấu nỗi buồn. Là người gắn bó với công ty từ hàng chục năm nay, ông Phúc cho rằng, chưa bao giờ công ty lại gặp khó khăn về nguyên liệu như hiện nay.
“Không hiểu vì sao mà năm nay hàng lại khan hiếm đến như vậy. Các năm trước, chúng tôi cơ bản thu mua đủ nguyên liệu từ trong nước; một số ít nhập từ khẩu từ Indonesia. Năm nay, không những hàng nội địa khan hiếm mà hàng từ Indonesia cũng không có. Vì vậy, công nhân không có việc để làm. Mấy năm gần đây, công ty luôn duy trì ổn định 350 công nhân, sản lượng trung bình đạt 1.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, do thiếu việc làm, hiện đã có gần 80 công nhân nghỉ việc. Xót xa lắm", ông Phúc nói.
Sản phẩm của công ty được thị trường Nhật Bản ưa chuộng, nhưng ngặt nỗi không đủ nguyên liệu để sản xuất
Được biết, năm nay mất mùa mực khi sản lượng mực khai thác trung bình chỉ bằng một nửa so với các năm trước. Tại cảng cá Sông Gianh (Quảng Bình) - một trong những địa chỉ mua hàng chính của công ty CP Xuất khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh, hầu như cũng không có hàng để bán.
Giám đốc BQL cảng cá Sông Gianh Trần Đăng Thảo, cho biết: “Các năm trước, 5 tháng đầu năm ít nhất cũng có khoảng 2.000 - 2.500 tấn mực cập cảng, nhưng năm nay chỉ đạt chưa đầy 1.000 tấn. Không riêng gì công ty Xuất khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh mà toàn bộ khách hàng của chúng tôi đều đang than phiền về sự khan hiếm hàng này”.