Đường vào làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, Can Lộc) nhìn từ trên cao.
Trong lịch sử gần 600 năm hình thành và phát triển của làng cổ Trường Lưu, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) là một trong những danh nhân nổi bật nhất, có công kiến tạo nên tên tuổi ngôi làng khoa bảng và văn hóa.
Ông là người “khai sinh” ra Thư viện Phúc Giang và Trường học Phúc Giang, ngôi trường làng ở vùng quê núi Hồng - sông La chỉ đứng sau Quốc Tử Giám ở kinh kỳ, trong một giai đoạn lịch sử thời quân chủ. Tại đây đã có hàng nghìn sỹ tử từ Thăng Long cho đến vùng Hoan Châu theo học và đỗ đạt trong các kỳ thi hương, thi hội, thi đình từ thế kỷ XVIII cho đến đầu thế kỷ XX.
Nguyễn Huy Oánh tên tự là Kính Hoa, hiệu Lựu Trai. Ông từng đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương tại trường thi Nghệ An lúc 20 tuổi, được bổ làm quan rồi thăng dần đến chức Tri phủ Trường Khánh. Năm 1748, Nguyễn Huy Oánh đỗ Thám hoa, khi tròn 36 tuổi được bổ làm Thị giảng trong phủ chúa Trịnh Doanh kiêm chức Hàn lâm viện đãi chế, sau đó làm Nội giảng rồi Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Năm 1761, ông được ban Tam phẩm để tiếp sứ nhà Thanh, đến năm 1765 làm Chánh sứ đi sứ Trung Quốc. Năm 1768, ông được thăng làm Hữu thị lang bộ Công rồi sau đó là Thượng thư bộ Công.
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Nhà thờ Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Tự tại xã Kim Song Trường.
Năm 1783, Nguyễn Huy Oánh từ quyền Tham tụng (là quyền điều hành chính sự) về tại quê nhà. Tại đây, dựa trên xưởng in, thư viện, trường học trước đó của cha mình là Nguyễn Huy Tựu (1690-1750), ông đã nâng cấp thành Thư viện Phúc Giang và Trường học Phúc Giang. Ông xây dựng cơ sở trở nên quy củ, ngày càng phát triển, trở thành trung tâm văn hóa giáo dục nổi tiếng cả nước trong thế kỷ XVIII.
Đình làng Trường Lưu xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII.
Trong đó, Thư viện Phúc Giang là xưởng in lớn đã sản xuất trên 2.000 mộc bản in sách, xuất bản mỗi năm trên 400 cuốn sách chữ Hán và chữ Nôm phục vụ cho việc dạy học. Hiện còn 391 mộc bản được lưu giữ tại làng Trường Lưu và Bảo tàng Hà Tĩnh.
Điều đặc biệt, các bộ sách dạy học của Trường Lưu học hiệu (tên trước đó của trường học) mà Thư viện Phúc Giang xuất bản đều do Nguyễn Huy Oánh và các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy biên soạn. Trong đó, từ 3 bộ sách giáo khoa kinh điển của Nho giáo: Tính lý, Ngũ Kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu) và Tứ Thư với hàng trăm cuốn đã được các học giả dòng họ Nguyễn Huy biên soạn rút gọn lại thành tổng 9 cuốn.
Ông Nguyễn Huy Thiện, hậu duệ và người trông coi Nhà thờ Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Tự.
Không chỉ là người có công lớn trong việc xây dựng Trường Lưu thành một trung tâm văn hóa, giáo dục nổi tiếng cả nước, đào tạo hàng trăm hiền tài cho đất nước, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh còn để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn học, địa lý giá trị như tác phẩm: Huấn nữ tử ca, Hoàng Hoa sứ trình đồ (đã được công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương)…
Mộc bản Trường học Phúc Giang là 1 trong 3 di sản văn hóa làng Trường Lưu được UNESCO ghi danh.
Nếu Thám hoa Nguyễn Huy Oánh là người khai mở Thư viện Phúc Giang và nâng tầm Trường Lưu học hiệu thì Nguyễn Huy Tự (con trai ông) là người kế thừa đắc lực, duy trì và đưa sự nghiệp của dòng họ ngày càng phát triển.
Nguyễn Huy Tự (1743-1790) là người văn võ toàn tài. Vợ ông là con gái của Tiến sỹ Nguyễn Khản, anh trai Đại thi hào Nguyễn Du. Năm 1759, ông đỗ thứ 5 khoa thi Hương trường Nghệ lúc mới 17 tuổi và ra làm quan cho triều Lê. Năm 1770, ông thi Hội đỗ tam trường, được bổ làm Hiến sát phó sứ xứ Sơn Nam, sau đó là Trấn thủ Hưng Hóa trực tiếp giữ đồn Bách Lẫm. Năm 1779, ông được đặc cách làm Tiến triều ứng vụ, tiếp đó là Hiệp lý lương hướng Sơn - Hưng - Tuyên, rồi Đốc đồng Hưng Hóa… Ở đây, ông cùng với cha vợ là Nguyễn Khản và chú vợ là Nguyễn Điều đánh dẹp được cuộc nổi dậy của Hoàng Văn Đồng ở vùng mỏ Tụ Long. Vì có quân công, ông được Tổng đốc Quảng Tây (nhà Thanh, Trung Quốc) tặng 4 chữ “Võ khố hùng lược”.
Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự được in trong cuốn sách “Dòng văn Trường Lưu - Hà Tĩnh, văn chương một nhà” do Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh ấn hành.
Năm 1784, nhân có tang mẹ, Nguyễn Huy Tự xin cáo quan về quê ở lại giúp cha trông coi công tác dạy học, in ấn tại Thư viện Phúc Giang và Trường học Phúc Giang. Năm 1790, ông được vua Quang Trung mời ra giúp nước, ông đã cùng nhà vua đại phá quân Thanh thắng lợi. Sau đó, ông bị trọng bệnh và mất tại Phú Xuân vào tháng 7/1790 khi mới 47 tuổi.
Về sự nghiệp của mình, Nguyễn Huy Tự được ghi nhận là một trong những người có công lớn trong việc đưa Thư viện Phúc Giang của làng Trường Lưu trở nên nổi tiếng là trung tâm văn hóa, giáo dục lớn của đất nước.
Bên cạnh đó, ông để lại cho đời tác phẩm văn học nổi tiếng truyện thơ “Hoa Tiên” với nhiều giá trị. Trong lời đề tựa cho Truyện “Hoa Tiên”, Cao Bá Quát từng viết: “Nước ta từ sau Hàn Thuyên, các nhà làm sách nhiều như cây rừng, thơ cổ cận của Ôn Như (Nguyễn Gia Thiều với Cung oán ngâm khúc) sánh với Thiếu Lăng (Đỗ Phủ, nhà thơ đời Đường, Trung Quốc), điệu cung từ của Bằng Quận (Cung oán thi của Nguyễn Hữu Chỉnh) theo kịp Hán Ngụy. Đến giỏi như truyện thì ta còn thấy được “Hoa Tiên” và “Kim Vân Kiều” (tức Truyện Kiều của Nguyễn Du)”.
Nhà thờ danh nhân Nguyễn Huy Hổ tại làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, Can Lộc).
Danh nhân Nguyễn Huy Hổ (1783-1841) là một trong những người con trai xuất sắc của Nguyễn Huy Tự - cháu gọi Đại thi hào Nguyễn Du bằng chú. Vợ ông là bà Lê Thị Hậu, cháu gái vua Lê Hiển Tông. Sinh ra trong gia đình dòng dõi khoa bảng nhưng vì thời đại rối ren, Nguyễn Huy Hổ không tham gia các kỳ khoa cử. Tuy vậy, ông được đánh giá là người tài năng xuất chúng, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” và giỏi về nghề thuốc.
Biết được tài năng của Nguyễn Huy Hổ, năm 1823, vua Minh Mạng triệu ông vào Kinh đô Huế làm chức ngự y, lại kiêm Linh đài lang ở Khâm Thiên giám. Theo cuốn Đại Nam thực lục thì Nguyễn Huy Hổ từng được nhà vua ra chỉ dụ ban khen ông vì có tài địa lý… Ông mất vào năm 1841. Nguyễn Huy Hổ để lại cho hậu thế tác phẩm văn học nổi tiếng “Mai Đình mộng ký” (chép lại giấc mộng ở đình Mai).
Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ trao đổi về cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu với phóng viên Báo Hà Tĩnh.
Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Huy Hổ là 3 trong số nhiều danh nhân đã làm nên làng cổ Trường Lưu, một thời vang bóng là trung tâm văn hóa, giáo dục nổi tiếng cả nước trên quê hương núi Hồng - sông La. Ngày nay, với nhiều chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, các giá trị di sản văn hóa của các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy cũng như làng Trường Lưu đang được bảo tồn và phát huy, lan tỏa trong đời sống xã hội hiện đại.