Mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới 400 m2, trồng 1.300 gốc dưa chuột giống Nhật Bản là một quyết định “lịch sử” của gia đình chị Hoa để trở thành “mắt xích” trong hệ thống nông nghiệp đô thị hàng hóa, nông dân đô thị theo xu hướng hiện nay.
Chị Hoa chia sẻ, nguồn vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng để làm nhà kính, mua các thiết bị máy móc, hệ thống tưới tự động, hạt giống, phân bón… Hệ thống nhà kính giúp cho dưa tránh được mưa bão, sương muối và ngăn côn trùng, sâu bệnh xâm nhập.
Kế thừa kinh nghiệm trồng dưa chuột trong nhà kính đã thành công từ người em ruột, chị Hoa cùng với gia đình đã tự tin hơn khi triển khai mô hình. Mỗi cây dưa chuột được trồng trong một bầu giá thể bằng xơ dừa, đặt trong luống đã được lót bạt ni lông cách ly với nền đất để tránh mầm bệnh.
Hệ thống tưới tự động với phân bón được hòa sẵn vào trong nước giúp giảm thiểu chi phí nhân công, đặc biệt quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, dưa chuột phát triển tốt, theo tính toán cho năng suất trung bình hơn 2kg/1 cây.
Cùng với năng suất khá vượt trội, chất lượng của giống dưa chuột này cũng được đánh giá cao khi quả đặc ruột, ít hạt, hàm lượng đường và chất dinh dưỡng cao. Do vậy, giá thu mua tại vườn đạt bình quân trên 20.000 đồng/kg, trong khi dưa chuột truyền thống chỉ dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.
Ngoài ra, vì là giống thu hoạch sớm khi tổng thời gian canh tác chỉ diễn ra trong 2 tháng nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí và công chăm sóc. Đến nay, lứa dưa chuột đầu tiên đã được xuất bán.
Chị Nguyễn Thị Hoa cho hay, làm nhà lưới để sản xuất dưa chuột đang là hướng đi mới và hiệu quả cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống. Đặc biệt, do hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của tự nhiên nên trồng trong nhà lưới chắc ăn hơn. Đầu ra cũng như giá bán cao và ổn định hơn so với cách trồng thông thường, được thị trường yên tâm sử dụng.