EVN cảnh báo cắt điện đầu năm 2019

Hàng loạt nhiệt điện thiếu than nhưng khó có khả năng đáp ứng, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã gửi báo cáo lên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về khả năng phải cắt điện đầu năm 2019.

EVN cảnh báo cắt điện đầu năm 2019

Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, nơi được đánh giá thiếu hụt lượng than tương đương khoảng 960 triệu kWh - Ảnh: THANH HƯƠNG

Hụt hàng tỉ kWh, bằng mức dùng trung bình 13 tỉnh miền Trung, viễn cảnh thiếu điện nặng nề có khả năng lặp lại.

Khả năng thiếu điện cả năm 2019

Trong báo cáo gửi tới Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cuối tháng 11-2018, EVN tính toán tổng nhu cầu điện quốc gia 2 tháng cuối năm 2018 cao hơn 600 triệu kWh so với kế hoạch. Trong khi các hồ thủy điện miền Trung dù đang trong mùa lũ nhưng thực tế mực nước nhiều hồ xấp xỉ mực nước chết. Việc suy giảm khả năng cung cấp khí phục vụ phát điện từ hệ thống khí Nam Côn Sơn cũng làm sản lượng điện khí bị hụt 810 triệu kWh trong 2 tháng cuối năm.

Theo EVN, để bù phần sản lượng điện thiếu hụt khoảng 2,9 tỉ kWh, cần phải huy động tối đa các nhà máy điện than hiện có trong 2 tháng cuối năm. Trong khi đó, tổng khối lượng than thiếu hụt từ đầu tháng 10 tới nay là 342.334 tấn, theo EVN, nếu tiếp tục thiếu than sẽ phải huy động thêm các nhà máy thủy điện, làm giảm mực nước dự trữ, ảnh hưởng tới việc phát điện trong năm 2019.

Vì vậy, tập đoàn này cảnh báo "việc không đảm bảo cung cấp than dẫn tới phải dừng các nhà máy nhiệt điện than, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh cung cấp điện, có khả năng phải cắt điện ngay từ các tháng đầu năm 2019". EVN cũng thông tin: việc các nhà máy thủy điện không tích đủ nước năm 2019, cùng với sản lượng điện khí giảm, khiến khả năng thiếu điện trong mùa khô năm 2019 rất cao, và khả năng thiếu điện kéo dài tới hết năm 2019.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với báo chí chiều 28-11, ông Nguyễn Hoàng Trung, phó tổng giám đốc Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV), cho biết do tăng trưởng điện 2018 đạt mức cao, các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017. "Nhiều nhà máy nhiệt điện cùng tăng nhu cầu gây khó khăn cho TKV" - ông Trung nói và cho biết giải pháp của TKV: tăng kế hoạch sản xuất, huy động tối đa tồn kho, bao gồm cả than dự trữ chiến lược; khẩn trương nhập khẩu với trên 0,5 triệu tấn than các loại...

Cũng theo ông Trung, một trong những nguyên nhân khiến các nhà máy nhiệt điện than của EVN gặp khó là đến nay mới chỉ có 9 hợp đồng mua bán than dài hạn được ký kết. Dẫn chứng, năm 2018 than cho điện dự kiến tăng tới 5,4 triệu tấn so với năm trước, nên nếu các nhà máy điện than bị giảm huy động sẽ gây tồn kho lớn cho TKV. Do vậy ông Trung cho rằng cần phải có cam kết của các nhà máy điện về việc nhận đủ than, kể cả trong trường hợp phải giảm phát để TKV có thể chủ động.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của EVN cho rằng ngoài 9 hợp đồng dài hạn về cung cấp than, hiện nay hai bên đang tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, một số đàm phán chưa đạt được thỏa thuận do EVN yêu cầu chất lượng than tốt, số lượng đủ nhưng TKV không đáp ứng được nên chưa ký.

Về câu chuyện mới đây TKV đang có đề nghị tăng 5% giá bán than cho điện, ông Trung cho biết hiện giá bán than cho các hộ sản xuất điện thấp hơn giá thị trường, thấp hơn nhiều so với giá than nhập khẩu.

Yêu cầu phải nỗ lực hết sức

Trước thực tế hai doanh nghiệp lớn "nhùng nhằng" như trên, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết đã rà soát, tính toán rất kỹ lưới điện miền Bắc để mua tăng Trung Quốc nhằm bù đắp phần thiếu hụt do nhiệt điện than không có than. Tuy nhiên, việc mua điện của Trung Quốc cũng khó khăn bởi việc mua này phụ thuộc vào điều kiện kỹ thuật để tách khu vực lưới truyền tải điện.

Ngày 28-11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp liên quan tình hình thiếu than cho điện với sự tham gia của các bộ ngành, doanh nghiệp. Văn phòng Chính phủ sẽ ra thông báo kết luận nhưng theo nguồn tin Tuổi Trẻ, tinh thần chung là Phó thủ tướng chỉ đạo TKV và Tổng công ty Đông Bắc (2 đơn vị cung cấp than chính) nỗ lực hết sức tìm mọi biện pháp, kể cả phát động thi đua để gia tăng năng lực trong ngắn hạn đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện.

TS Nguyễn Ngọc Hưng(Viện Năng lượng, Bộ Công thương):

Tăng tỉ lệ điện tái tạo

Khả năng thiếu điện vẫn có thể xảy ra. Chủ đầu tư chậm đưa các dự án điện lớn vào vận hành có thể gây thiếu hụt nguồn điện trong hai năm tới 2019-2020. Để cân đối nhu cầu điện năng cần tính tới các nguồn điện khác khi lượng than nhập khẩu cho phát điện ngày càng lớn hơn. Trong tổng sơ đồ điện VIII đang xây dựng có tính tới việc tăng các nguồn điện ngoài than, chủ yếu là điện mặt trời, điện gió. Thực tế thời gian qua có hàng trăm dự án điện gió, điện mặt trời được xây dựng nhưng đã bổ sung vào quy hoạch phát triển nguồn điện. Đây sẽ là nguồn cung điện lớn trong những năm tới.

Về ý kiến phát triển điện hạt nhân, trong ngắn hạn hiện chưa xem xét vì chúng ta vừa dừng 2 dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Khi nào Chính phủ khởi động lại mới xem xét đưa vào quy hoạch. Trong ngắn hạn thì phát triển điện hạt nhân cũng không thật kinh tế.

Hụt lượng điện bằng mức dùng trung bình 13 tỉnh miền Trung

Theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), tình hình thiếu than của các nhà máy điện cụ thể là: Nhiệt điện Quảng Ninh thiếu 145.000 tấn, tương đương 282 triệu kWh; nhà máy của Nghi Sơn là 140.000 tấn, tương đương khoảng 315 triệu kWh, nhà máy của Thái Bình thiếu 400.000 tấn, tương đương khoảng 900 triệu kWh; nhà máy Hải Phòng thiếu 430.000 tấn, tương đương khoảng 960 triệu kWh. Trong khi đó, theo TKV thì hiện chỉ bố trí được thêm 200.000 tấn than cho Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, còn đối với các nhà máy nhiệt điện khác có đề nghị bổ sung thêm, rất khó để đáp ứng.

Tổng công suất thiếu hụt do các nhà máy nhiệt điện than phải ngừng hoạt động, giảm công suất, theo EVN, khoảng 2.300 MW, tương đương mức sử dụng điện trung bình của 13 tỉnh miền Trung.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.