Chiều nay (9/12), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì họp bàn về công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ 3, năm 2019.
Lễ hội dự kiến có 80 - 90 gian hàng trưng bày cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh cùng với các hoạt động bổ trợ.
Thời gian mở cửa lễ hội diễn ra 8h đến 21h trong 3 ngày từ 20/12 đến 22/12.
Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa trình bày kế hoạch tổ chức Lễ hội Cam lần thứ 3
Tham gia lễ hội năm nay sẽ có các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất kinh doanh cam và nông sản có giá trị cao trong toàn tỉnh, các tổ chức đoàn thể các địa phương tham gia trưng bày bán các sản phẩm tiêu biểu;
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị, phân bón hữu cơ, công nghệ sinh học, giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật và thú y, thức ăn chăn nuôi, hoa cây cảnh;
Các nhà bán buôn, bán lẻ là các siêu thị, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ: Đến thời điểm hiện tại, huyện Hương Khê đã đăng ký 10 gian hàng tham gia Lễ hội Cam, gồm các sản phẩm: Cam, trầm hương
Bên cạnh sản phẩm chủ đạo là cam, tại lễ hội sẽ được trưng bày các sản phẩm khác như bưởi, quýt, chanh, hồng, ổi…; các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh, đặc sản, thủy hải sản, lâm sản, nông sản; các mặt hàng vật tư nông nghiệp, cây giống.
Các đại biểu tham gia họp bàn tổ chức Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ 3
Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh là dịp để giới thiệu, quảng bá, tôn vinh thương hiệu của cam Hà Tĩnh và một số nông sản, đặc sản của các địa phương đến với đông đảo người dân trong tỉnh, trong nước và nước ngoài nhằm thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cam và các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Đồng thời, tạo mối liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thị, phát triển sản phẩm bền vững, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.
Lễ hội cũng là dịp để các cá nhân, tổ chức trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi trồng, bảo tồn cây giống quý, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ áp dụng vào sản xuất.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ và chất lượng cho Lễ hội. Sở Công thương chủ trì, làm đầu mối theo dõi, đôn đốc các đơn vị và báo cáo tiến độ với UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí với phương án tổ chức gian hàng cam và sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tại Hà Nội và thực hiện cầu truyền hình trực tiếp tại 2 điểm cầu Hà Tĩnh, Hà Nội và đêm khai mạc; đồng thời nhấn mạnh đây là dịp quan trọng, cần chú trọng, quan tâm khâu quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tại thủ đô Hà Nội.