Giá điện tăng, doanh nghiệp, người dân thêm “nặng gánh”

(Baohatinh.vn) - Từ ngày 9/11/2023, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 4,5% so với giá cũ. Trước bảng giá mới, không ít doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân ở Hà Tĩnh lại nặng gánh lo toan.

Theo Công ty Điện lực Hà Tĩnh, từ ngày 9/11/2023, mức giá bán lẻ điện bình quân tăng lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Giá điện tăng, doanh nghiệp, người dân thêm “nặng gánh”

Giá bán lẻ điện bình quân tăng lên mức 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT) kể từ ngày 9/11/2023.

Được biết, trước khi điều chỉnh, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), được điều chỉnh từ ngày 4/5/2023 theo Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ngày 8/11/2023, Bộ Công thương có Quyết định số 2941/QĐ-BCT quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sau khi điều chỉnh giá điện, mỗi tháng ở bậc 1 (0-50 kWh), khách hàng sẽ thanh toán tiền điện tăng thêm tối đa 3.900 đồng; bậc 2 (51-100 kWh) tăng thêm tối đa 7.900 đồng; bậc 3 (101-200 kWh) tăng thêm tối đa 17.200 đồng; bậc 4 (201-300 kWh) tăng thêm tối đa 28.900 đồng; bậc 5 (301-400 kWh) tăng thêm tối đa 42.000 đồng; bậc 6 (từ 401 kWh trở lên) tăng thêm tối đa 55.600 đồng.

Lần tăng giá điện này làm cho chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) thực sự lo lắng. Chưa bao giờ các doanh nghiệp, HTX phải đối mặt cùng lúc nhiều thách thức như: chi phí sản xuất tăng nhanh, thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, hàng tồn kho lớn... Giá điện tăng trong thời điểm suy thoái kinh tế càng tạo thêm áp lực với doanh nghiệp, người dân.

Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh) là doanh nghiệp lớn của Hà Tĩnh. Từ tháng 4/2023 về trước, mỗi tháng doanh nghiệp phải chi trả từ 2 - 2,4 tỷ đồng tiền điện. Từ tháng 5/2023, giá điện tăng 3%, đồng nghĩa đơn vị phải tốn hơn từ 60 - 72 triệu đồng tiền điện/tháng. Hiện nay, giá điện tiếp tục tăng 4,5%, doanh nghiệp phát sinh thêm hơn 100 triệu đồng tiền điện/tháng. Chi phí này như “tảng đá” đè nặng vai khi 9 tháng năm 2023, doanh nghiệp đã lỗ đến 30 tỷ đồng.

Giá điện tăng, doanh nghiệp, người dân thêm “nặng gánh”

Giá điện tăng 4,5%, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh phát sinh trên 100 triệu đồng tiền điện/tháng.

Nhiều tháng nay, Công ty CP Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh (xã Phú Lộc, Can Lộc) liên tiếp phải đối mặt thua lỗ khi giá lợn hơi “xuống dốc” mà giá thức ăn chăn nuôi, chi phí phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi lại tăng cao. Theo ông Mai Khắc Mại - Giám đốc Công ty CP Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh: "Hiện giá lợn hơi xuống mức 46.000 - 47.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi con lợn thương phẩm xuất chuồng, doanh nghiệp lỗ từ 700.000 - 800.000 đồng. Với chăn nuôi lợn khép kín, tiêu thụ lượng điện năng lớn, trước đây, mỗi tháng, đơn vị cho trả trên 400 triệu đồng tiền điện, còn nay thì mỗi tháng “gánh" thêm tầm 20 triệu đồng. Nếu tình hình sản xuất, kinh doanh không khả quan hơn thì doanh nghiệp sẽ rất chật vật”.

Giá điện tăng, doanh nghiệp, người dân thêm “nặng gánh”

Giá điện tăng 4,5% thì mỗi tháng Công ty CP Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh phải “gánh" thêm tầm 20 triệu đồng.

Với HTX Nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản Xuân Thành (Nghi Xuân), nuôi tôm thương phẩm đòi hỏi sử dụng điện 24/24h. Bởi vậy khi hay tin giá điện tiếp tục tăng, người đứng đầu HTX không khỏi băn khoăn. “Vụ này, HTX nuôi thả 14 hồ tôm, trong đó 7 hồ sục khí 24/24h, tiêu tốn khoảng 215 triệu đồng tiền điện/tháng. Khi giá điện tăng 4,5%, mỗi tháng chúng tôi phải “đội" thêm khoảng 10 triệu đồng” - ông Hồ Quang Dũng - Giám đốc HTX Nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản Xuân Thành cho hay.

Giá điện tăng, doanh nghiệp, người dân thêm “nặng gánh”

Người nuôi trồng thuỷ sản phát sinh nhiều chi phí khi giá điện tăng.

Theo ghi nhận, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm, nhiều người dân Hà Tĩnh cũng đang phải “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu. Chị Nguyễn Thị Hải (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) ái ngại: “Tôi là lao động tự do, thu nhập bấp bênh. Hiện nay, chi phí tiêu dùng như: giá gas, giá xăng, giá lương thực - thực phẩm và nhiều chi phí khác đều tăng nên gia đình khá chật vật trong chi tiêu. Thời điểm này, giá điện tiếp tục tăng thì những người lao động tự do, thu nhập thấp như chúng tôi sẽ càng vất vả”.

Nền kinh tế vẫn chưa hồi phục sau đại dịch COVID-19, hoạt động của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đã phải tạm đóng cửa, công nhân thất nghiệp. Cùng đó, đời sống của một bộ người dân cũng chật vật hơn khi thu nhập bị sụt giảm, chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Bởi vậy, cộng đồng doanh nghiệp, HTX và người dân kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và có lộ trình tăng giá điện phù hợp để không tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong bối cảnh nhiều khó khăn “bủa vây”.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Hai năm liền đứng đầu về chỉ số DDCI, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng cho thấy TX Hồng Lĩnh đang vững bước trên hành trình trở thành đô thị hạt nhân phía Bắc Hà Tĩnh.
Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chỉ còn hơn 6 tháng trước mốc thời gian hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh nên thời gian này, các chủ đầu tư tăng cường chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.