Giá thức ăn liên tục tăng, “làm khó” người chăn nuôi Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, giá thức ăn chăn nuôi lại tiếp tục tăng cao khiến người chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh gặp không ít khó khăn.

Theo chủ các cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh, trong khoảng thời gian từ ngày 15 - 18/2/2022, các công ty sản xuất đều đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán. Theo đó, thức ăn cho lợn và gà tăng thêm khoảng 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm và lợn con tăng khoảng 240 đồng/kg, thức ăn các loại khác tăng khoảng 200 đồng/kg.

Giá thức ăn liên tục tăng, “làm khó” người chăn nuôi Hà Tĩnh

Các loại thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng giá từ giữa tháng 2/2022 và dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng vào đầu tháng 3 tới.

Trước đó, từ đầu năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi đã bắt đầu được điều chỉnh tăng. Tính chung trong năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi được hầu hết doanh nghiệp cung ứng điều chỉnh tăng liên tục với tổng số từ 7 - 8 lần tăng, tổng mức tăng khoảng 30 - 40% (tương ứng 3.000 - 4.000 đồng/kg) so với năm 2020. Nguyên nhân tạo nên đợt tăng giá là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất bị đẩy lên cao kéo giá thức ăn chăn nuôi tăng lên.

Giá thức ăn liên tục tăng, “làm khó” người chăn nuôi Hà Tĩnh

Chị Lê Thị Quỳnh Nga (bên phải ảnh) - chủ cửa hàng kinh doanh thuốc thú y - thức ăn chăn nuôi ở TP Hà Tĩnh chia sẻ về việc các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi điều chỉnh tăng giá bán

Kinh doanh thuốc thú y – thức ăn chăn nuôi ở đường Trần Phú (TP Hà Tĩnh), chị Lê Thị Quỳnh Nga cho biết: “Vừa mới điều chỉnh tăng giá vào giữa tháng 2 nhưng mới đây, công ty lại có thông báo đợt điều chỉnh tăng giá và bắt đầu áp dụng đầu tháng 3. Giá tăng nên khách hàng ít mua sản phẩm hơn. Như năm ngoái, thời điểm này, mỗi tháng cửa hàng bán bình quân trên 20 tấn thức ăn các loại nhưng nay chỉ đạt khoảng 3 - 5 tấn. Kinh doanh ế ẩm nên ra tết đến nay, tôi đang cho nhân viên tạm thời nghỉ viêc".

Giá thức ăn liên tục tăng, “làm khó” người chăn nuôi Hà Tĩnh

Giá thức ăn tăng, trong khi giá gà xuất chuồng chỉ có giá từ 58.000 - 65.000 đồng/kg nên ảnh hưởng đến thu lãi của các hộ chăn nuôi.

Đối mặt với tình trạng giá thức ăn tăng “chóng mặt” trong hơn 1 năm qua và chưa có chiều hướng ‘quay đầu”, người chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh đang phải chịu nhiều khó khăn khi giá đầu vào tăng, trong khi giá đầu ra của sản phẩm lại đang ở mức thấp. Hiện nay, giá lợn thịt dao động ở mức 50.000 - 53.000 đồng/kg, giá gà nuôi công nghiệp bán theo đàn từ 58.000 - 65.000 đồng/kg… Với mức giá này, người chăn nuôi đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ, nhất là với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Vừa mới xuất bán 3 con lợn nái, anh Bùi Văn Giáp ở thôn Đông Mỹ, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) cho biết: “Có nhiều thời điểm trong chuồng nuôi khoảng 20 con nhưng nay giá thức ăn cao quá nên tôi bán dần, hiện trong chuồng chỉ còn 2 lợn nái và 15 lợn con. Thay vì nuôi lợn bấp bênh, nguy cơ thua lỗ cao, tôi đang chuyển sang đầu tư nuôi dê để đỡ chi phí thức ăn”.

Giá thức ăn liên tục tăng, “làm khó” người chăn nuôi Hà Tĩnh

Anh Bùi Văn Giáp ở thôn Đông Mỹ, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) phải giảm quy mô đàn lợn do giá thức ăn chăn nuôi quá cao

Không riêng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thời điểm này, các trang trại lớn trên địa bàn đều đang cắt giảm tối đa chi phí, thu hẹp đầu tư và giảm đàn để tránh nguy cơ phải bù lỗ do giá thức ăn tăng quá cao.

Ông Nguyễn Huy Thái - chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Đức Lạng (Đức Thọ) cho biết: “Trại nái của tôi có quy mô 400 con, mỗi tháng cho khoảng 800 lợn con. Trước đây, tôi thường giữ lại nuôi lợn thịt nhưng nay giá thức ăn tăng cao quá nên tôi phải giảm đàn, chỉ nuôi khoảng 200 con lợn thịt. So với tháng 12/2021, hiện nay, mỗi tháng chúng tôi phải chi thêm 60 triệu tiền thức ăn. Thời gian tới, nếu thức ăn tiếp tục tăng giá, trại sẽ giảm tỷ lệ phối giống và loại thải những con giống kém chất lượng”.

Giá thức ăn liên tục tăng, “làm khó” người chăn nuôi Hà Tĩnh

Chi phí thức ăn chiếm đến 70% trong cơ cấu giá thành sản xuất.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, thức ăn chiếm khoảng 70% trong cơ cấu giá thành sản xuất nên khi giá bán mặt hàng thức ăn càng tăng thì người chăn nuôi sẽ không có lãi, thậm chí thua lỗ. Bởi vậy, thời điểm này, nhiều người dân thực hiện giảm đàn để đỡ phải chịu rủi ro.

Thống kê thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh có khoảng 320 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Về quy mô, toàn tỉnh hiện có hơn 45.800 lợn nái (giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2021), hơn 168.500 con bò (giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2021), hơn 8,4 triệu con gà (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021).

Giá thức ăn liên tục tăng, “làm khó” người chăn nuôi Hà Tĩnh

Anh Bùi Văn Giáp ở thôn Đông Mỹ, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) và nhiều nông dân ở Hà Tĩnh chuyển sang chăn nuôi gia súc ăn cỏ để đỡ chi phí thức ăn.

Ra tết, lượng tiêu thụ thịt lợn, thịt gà… chậm hơn. Trong khi thị trường khó khăn, giá xuất bán không cao mà giá thức ăn lại tăng lên làm cho người dân lo lắng, ngại đầu tư. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc ổn định hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Để ứng phó với biến động giá cả thị trường, người chăn nuôi nên tái đàn theo mô hình an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chủ động thay đổi phương thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi; khuyến khích các hộ chăn nuôi chuyển đổi sang nuôi gia súc ăn cỏ như bò, trâu, thỏ, dê…

Ông Phan Quý Dương - Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi
(Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh)

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.