Hồ lớn mở nước
Mực nước hồ Kẻ Gỗ sáng 12/10 đã đạt đến 29,83 m (tương ứng với 270 triệu m3 nước). Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết: Dự kiến công ty sẽ điều tiết xả lũ trong 4 ngày (12 - 15/10), với lưu lượng từ 50 - 200 m3/s. Với kịch bản lượng mưa đạt 250 mm, đến ngày 18/10, mực nước trong hồ đạt cao trình 30,0m và 31,6m nếu lượng mưa lên đến 450 mm, dưới mực nước dâng bình thường gần 1m. Với phương án xả lũ “đón đầu” này sẽ vừa đảm bảo được phương án giữ hồ an toàn, vừa không gây ngập úng hạ du và đủ nguồn nước để chuẩn bị phục vụ cho các vụ sản xuất 2018”.
Hồ Kẻ Gỗ đã xả tràn trong lưu lượng 50 - 200 m3/s.
Cũng theo ông Sơn, kịch bản tính toán này vẫn phải dựa trên điều kiện thực tế về mực nước trong hồ, quy trình vận hành và thời tiết để điều tiết một cách hợp lý nhất. Sự chủ động xả dần đã giúp bà con vùng hạ du thuộc 6 xã của hai huyện Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh không bị “sốc” vì lụt trước khi bão đến.
Thủy điện Hố Hô có lưu lượng nước xả lũ mở lúc cao nhất đã lên đến 1100 m3/s. Đến sáng 12/10, mực nước trong lòng hồ ở ngưỡng 69m, đạt cao trình thiết kế. Nhà máy Thủy điện Hố Hô tiếp tục vận hành mở cống ở mức 232 m3/s. Ông Nguyễn Văn Thông - Phó Giám đốc nhà máy cho biết: “Trong sáng 12/10, công trình đã về mực nước được phép giữ và đóng cống. Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với huyện để nhắn tin qua thuê bao cho tất cả người dân trong vùng chịu ảnh hưởng nhằm cập nhật tình hình mưa lũ, thời gian, mức xả của công trình để chủ động ứng phó”.
Từ chiều qua, gần như tất cả các cống tiêu thoát lũ đã được mở “đón” lũ. Lưu lượng được các đơn vị, địa phương tính toán để các công trình về mức thấp nhất cho phép, đảm bảo cho tiêu thoát lũ nhanh nhất khi mưa bão về.
Đề phòng lũ quét, sạt lở đất
Huyện Hương Sơn hiện có 328 nhà nằm trong nguy cơ bị sạt lở đất. Trong nhiều ngày mưa vừa qua, nền đất ở đây đã bị ngâm nhão, mềm ướt khiến cho 7 nhà dân bị sạt lở. Ông Võ Văn Mạnh (thôn Vũng Tròn, xã Sơn Kim 1) cho biết: “Khoảng 1h sáng 12/10, cả gia đình đang ngủ thì đất đá trên núi đổ ập xuống. Rất may, mưa không quá lớn nên nhà vẫn còn. Sáng nay, xóm làng đã đến giúp đỡ di chuyển một số đồ đạc, sơ tán cả gia đình về nơi an toàn”.
Nguy cơ lở đất khu vực miền núi trong mưa lớn rất dễ xảy ra
Hiện ở địa phương miền núi này vẫn còn trên 400 hộ dân bị ngập, nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn; hàng chục trường học phải nghỉ học.
Tình hình sạt lở đất cũng xảy ra ở Vũ Quang. Đất đá sạt lở phía sau nhà ở đã khiến nhà của hai hộ dân thiệt hại. Nâng cao phương án chủ động, Vũ Quang bố trí lực lượng chốt chặt, cảnh báo tại các tuyến đường bị ngập úng, chia cắt. Đặc biệt, không thể lơ là, chủ quan, địa phương thông tin đến tận người dân các phương án tự bảo vệ mình, nhất là trong việc đi lại ở vùng bị chia cắt, không tham gia bắt cá mất an toàn trên sông, hồ đập.
Theo nhận định, có thể lượng mưa vài ngày tới sẽ thấp hơn dự kiến, song, thời tiết trong bão vẫn diễn biến bất thường, khó nắm bắt. Vì vậy, theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, các địa phương, đơn vị quản lý hồ đập vẫn phải luôn bám sát tình hình, cập nhật thời tiết để chủ động ứng phó một cách an toàn nhất.