“Phố làng” và “phố thị”
Giở lại từng trang sử của mảnh đất quê hương mới thấy thật yêu thương, trìu mến và rất đỗi tự hào. Dẫu là nhỏ bé nhưng trong sự sinh thành, lớn dậy của cả miền đất Hà Tĩnh, tỉnh thành Hà Tĩnh, sau đó là TX Hà Tĩnh, TP Hà Tĩnh đã mang trong mình trầm tích, hình hài của nước Việt qua bao chặng đường lịch sử, đến hôm nay vẫn vững vàng thế đứng.
Vốn là vùng đất thuộc huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, thừa Tuyên (rồi xứ, trấn) Nghệ An, vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), tỉnh Hà Tĩnh được thành lập, tỉnh lỵ Hà Tĩnh cũng được hình thành từ đó. Trong buổi sơ thiết, tỉnh đường tạm đặt tại xã Đại Nài, phủ Hà Hoa. 2 năm sau, vào tháng Giêng năm Quý Tỵ (1833), tỉnh thành mới được khởi công xây đắp (bằng đất, gỗ, lá).
Sách Đại Nam thực lục chính biên - Đệ nhị kỷ ghi: “Tổng đốc, tuần phủ cùng với giám thành chọn được xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà địa thế cao ráo, rộng rãi, đằng trước có núi Cảm Sơn, lại có một dải sông dài chảy quanh phía trước, vòng sang bên tả, trên nối với sông Nại Giang, dưới chảy ra Cửa Sót. Đó là một khu đất đẹp. Họ bèn xin đóng tỉnh thành ở đây…”.
Bên con sông Nài (Nại Giang) như dải lụa ôm ấp làng mạc núi non, dưới bóng núi Nài (Cảm Sơn) có biết bao câu chuyện đã đi vào huyền thoại. Chuyện rằng: sau một đêm mưa, sáng ra người ta thấy sen nở đầy Hào Thành nên gọi là Liên Thành; rồi hồ trong thành trồng nhiều sen, đến mùa sen nở thơm ngát nên gọi là Thành Sen. Thành vì thế cũng được thiết kế như cánh của hoa sen… Qua bao lớp sóng thời gian, trong tâm cảm người dân tỉnh lỵ, dẫu là mảnh đất nhỏ bé, nhiều lần phải tách nhập nhưng vẫn là địa danh mang tên loài hoa biểu tượng của sự cao quý, thanh tao.
Năm Quý Sửu, niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), triều đình bỏ tỉnh, lấy phủ Hà Thanh (trước năm 1841 là Hà Hoa) lập đạo Hà Tĩnh thuộc trấn Nghệ An. Đạo thành được đặt ở thôn Nài Thị, xã Đại Nài, nguyên lỵ sở huyện Thạch Hà. Năm Ất Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 28 (1875), tỉnh Hà Tĩnh được lập lại, lỵ sở dời về xã Trung Tiết. Đến năm Tự Đức thứ 34 (1881), thành Hà Tĩnh được xây dựng bằng gạch và đá ong theo kiểu vô-băng (Vauban). Tỉnh thành không phải là một đơn vị hành chính mà chỉ là nơi đặt trụ sở của chính quyền tỉnh. Cư dân ngoài thành đều thuộc quyền quản lý của xã Trung Tiết, tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa.
Khoảng năm 1920, chính quyền có chủ trương “gia quảng” (mở rộng), sáp nhập các xóm Đồng Quế, Xã Tắc, Trung Hậu, Tiền Bạt vào thành Hà Tĩnh để thu thêm thuế nhà, thuế vệ sinh, còn về mặt hành chính những xóm này vẫn thuộc xã Trung Tiết. Tuy là trung tâm tỉnh lỵ nhưng vẫn mang tính chất “phố làng”, nông thôn nhiều hơn đô thị, diện tích khoảng 2,5 km2 với dân số 4.400 người. Có thể nói, đây là thời kỳ ổn định lâu nhất về mặt hành chính của tỉnh Hà Tĩnh nói chung, tỉnh thành Hà Tĩnh nói riêng.
Dấu mốc chuyển mình từ “phố làng” sang “phố thị” rõ rệt nhất là thời điểm ngày 10 tháng 5 năm Giáp Tý (tức ngày 11/6/1924), vua Khải Định ban hành Đạo dụ thành lập TX Hà Tĩnh. Tỉnh lỵ được chia làm 8 phố: Tiền Môn, Hậu Môn, Tả Môn, Hữu Môn, Tân Giang, Nam Ngạn, Hoàn Thị, Tịnh Trung.
Tìm hiểu các tư liệu và bộ ảnh của Trung tâm Lưu trữ kiến trúc Pa-ri (Pháp), có thể thấy những năm đầu thế kỷ XX, tính chất “phố thị” đã rõ rệt nhờ có các phố kinh doanh, buôn bán, nhà ngói cao tầng, chợ Tỉnh được xây dựng, có đài phun nước, có nhà máy điện tư nhân phục vụ các công sở và một số tuyến đường (thay vì cột đèn dầu ngoài phố bằng dầu hỏa như trước)…
Đô thị 100 năm và thành phố bên bờ biển
Qua bao nắng mưa, thăng trầm của lịch sử, Thành Sen đã cùng Nhân dân Hà Tĩnh và cả nước viết tiếp trang sử vàng của dân tộc ở thế kỷ XX với những tên người, tên đất gắn với bao chiến công hiển hách. Vượt qua bao gian khó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã “nâng niu gom góp dựng cơ đồ”, đem trí tuệ, sức lực dựng xây thành phố giàu mạnh, văn minh.
Một thế kỷ trôi qua khi TX Hà Tĩnh chính thức trở thành đô thị, dẫu dấu tích thành Hà Tĩnh không còn nhưng trung tâm tỉnh lỵ vẫn nguyên dáng vẻ vừa thâm trầm cổ kính vừa hiện đại, trẻ trung khi những con phố cũ vẫn gọi về bao hoài niệm và những đường phố mới hấp dẫn bao bước chân người. Vượt qua hành trình khó nhọc, năm 2007, TX Hà Tĩnh đã trở thành thành phố.
Chính quyền và Nhân dân TP Hà Tĩnh vui mừng khi ngày 14/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1283/NQ-UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025. Từ đây, cả một vùng đất rộng lớn từ 4 phía được sáp nhập vào thành phố.
Sau khi sắp xếp, TP Hà Tĩnh có diện tích tự nhiên là 220km2, quy mô dân số 266.321 người, 27 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 phường (Bắc Hà, Nam Hà, Hà Huy Tập, Trần Phú, Tân Giang, Đại Nài, Đồng Môn, Thạch Quý, Thạch Hưng, Thạch Trung, Thạch Hạ, Văn Yên) và 15 xã (Thạch Bình, Cẩm Bình, Cẩm Vịnh, Tân Lâm Hương, Đỉnh Bàn, Hộ Độ, Thạch Đài, Thạch Hải, Thạch Hội, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Thắng, Thạch Trị, Thạch Văn, Tượng Sơn).
Những ngày này, con sông Rào Cái dường như cũng nôn nao hơn khi hòa cùng niềm vui của cư dân một vùng rộng lớn từ lưu vực Ngàn Mọ (Cẩm Vịnh) đến lưu vực sông Sót, sông Hộ Độ được gia nhập vào thành phố giàu trầm tích văn hóa và nhiều cơ hội đổi mới, phát triển. Với những ưu thế về vị trí địa lý, cảnh quan, tiềm năng đất đai, sông ngòi và biển cả, đặc biệt là tiềm năng con người, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, với tư duy chiến lược của lãnh đạo tỉnh và thành phố, với bàn tay và khối óc của toàn dân, thành phố bên bờ biển sẽ ngày càng giàu đẹp, sánh ngang với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Đó là khát vọng và kỳ vọng của người dân Thành Sen cũng như người dân các xã sắp sáp nhập vào thành phố.
Ông Bùi Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải (Thạch Hà) không giấu được niềm vui: “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã nhà cũng như cá nhân tôi rất phấn khởi khi được sáp nhập vào thành phố. Một cơ hội mới sẽ mở ra cho vùng biển ngang khi cơ sở hạ tầng sẽ được đầu tư. Chúng tôi kỳ vọng, khi sáp nhập vào thành phố, sản xuất phát triển, thương mại - dịch vụ, du lịch được đẩy mạnh, thu nhập tăng thêm, đời sống của bà con nhân dân sẽ được nâng lên một bước”.
Bên kia cầu Hộ Độ là xã cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố. Vốn là một vùng làm muối nổi tiếng, nay Hộ Độ đang đổi thay theo hướng đa ngành đa nghề. Những ngày này, người dân Hộ Độ khấp khởi vui mừng khi trở thành cư dân của TP Hà Tĩnh. Cùng với niềm vui, niềm tự hào, người dân cũng tự nhận thấy trách nhiệm phải đóng góp công sức xây dựng thành phố giàu đẹp.
Ông Trương Ngọc Phúc (thôn Vĩnh Phú) tâm sự: “Những ngày qua, người dân rất hồ hởi, phấn khởi vì sẽ được hưởng nhiều quyền lợi, nhất là về văn hóa, giáo dục, y tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân sẽ được nâng cao. Chính vì vậy, khi lấy ý kiến Nhân dân, 93,7% người dân đồng tình. Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hộ Độ, tôi sẽ quán triệt hội viên phát huy truyền thống người lính cụ Hồ, gương mẫu đi đầu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần xây dựng TP Hà Tĩnh giàu đẹp”.
Những ngày này với người Thành Sen và những người dân vùng phụ cận sắp sáp nhập vào thành phố thật nhiều cảm xúc: hồi hộp, vui sướng, tự hào xen lẫn bồi hồi trước vận hội mới của quê hương, trước trách nhiệm của mỗi người cũng như cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương.
Sông núi quê hương đang bừng thức trong nhịp sống mới, hơi thở mới của một vùng đất hữu tình giàu trầm tích văn hóa căng tràn nhựa sống. Và xa kia ở phía Đông, một vùng biển ngang rộng lớn đang khấp khởi chờ đón những dự án mới, những công trình mới mời gọi những bước chân muôn phương tìm về.