Hà Tĩnh tiến tới nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu

(Baohatinh.vn) - 5 năm qua, nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp tiếp tục đạt kết quả khá, tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 1,33%/năm. Phát huy thành quả đạt được, Hà Tĩnh đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp để phát triển nhanh, hiệu quả, theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế lớn, hạn chế tác động tiêu cực từ thời tiết.

Sau một thập kỷ nỗ lực thực hiện các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về “tam nông”, diện mạo nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh ngày càng khởi sắc với những “gam màu” ấn tượng... Từ chỗ yếu kém, lạc hậu, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ... Hà Tĩnh đã có những cánh đồng mẫu lớn, trang trại chăn nuôi tập trung quy mô hàng nghìn con/lứa, hay cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất rau - củ - quả trong áp dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, 5 năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả tích cực. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 70 triệu đồng/ha (năm 2015) lên 90 triệu đồng/ha (năm 2020).

HTX Thu mua và Chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời vào sản xuất nước mắm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt, với nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đầu tư, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhờ đó, tỷ trọng cơ cấu giá trị sản xuất các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực có lợi thế tăng từ 30,4% (năm 2015) lên trên 46% (năm 2020).

Trên lĩnh vực trồng trọt, nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP được áp dụng; bước đầu hình thành chuỗi liên kết, góp phẩn ổn định sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Lĩnh vực chăn nuôi đã chuyển mạnh về hình thức tổ chức sản xuất theo hướng chăn nuôi gia trại, trang trại và liên kết với doanh nghiệp.

Sản xuất dưa lưới trong nhà màng vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa cho năng suất cao.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 143 cơ sở chăn nuôi lợn, quy mô từ 300 - 6.000 con/lứa; hình thành một số mô hình liên kết chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, nuôi hươu thâm canh ở TX Hồng Lĩnh, Hương Sơn. Sản xuất thủy sản chuyển mạnh hình thức đầu tư nuôi trồng từ nông hộ sang doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã; tăng diện tích nuôi tôm thâm canh công nghệ cao trên cát từ 400 ha (năm 2015) lên 810 ha (năm 2020).

Giai đoạn 2020 - 2025, Hà Tĩnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt trên 3%/năm; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 130 triệu đồng/ha. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, toàn diện hơn theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ và liên kết với doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng.

Trong đó, tập trung cơ cấu lại sản xuất từng ngành, từng lĩnh vực, gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương, vùng sinh thái; phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực theo 3 cấp độ: nhóm sản phẩm thuộc danh mục chủ lực quốc gia (tôm, thịt lợn, gia cầm, gỗ và các sản phẩm từ gỗ); nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (cam chanh chất lượng cao, cam bù, bưởi Phúc Trạch, chè công nghiệp, nhung hươu, lúa gạo chất lượng cao) và nhóm sản phẩm chủ lực đặc sản, có giá trị cá biệt cấp vùng, miền, địa phương gắn với “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”.

Hà Tĩnh đã có nhiều cánh đồng lớn, đồng nhất giống và cơ giới hóa 100% từ khâu làm đất đến thu hoạch. Ảnh: Hương Thành.

Đồng thời với đó là tập trung khai thác tối đa tiềm năng, phát triển các sản phẩm đặc sản, riêng có của vùng miền, địa phương thành sản phẩm lợi thế, sản phẩm OCOP của tỉnh trong chuỗi giá trị nông sản quốc gia, theo 3 vùng sinh thái: vùng trung du - miền núi, tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp, cây ăn quả đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, dược liệu, dó trầm, đặc biệt là các sản phẩm gỗ và chế biến từ gỗ; vùng ven biển, phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản theo chuỗi bền vững; vùng đồng bằng, tập trung phát triển các sản phẩm lúa, lạc, đậu, rau màu... theo hướng sản phẩm đặc sản.

Khai thác, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, công nghệ cao; quản lý tốt quy hoạch các vùng nuôi, nhất là nuôi tôm trên cát, đảm bảo môi trường, an toàn cao; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, dịch vụ nghề cá, gắn với phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh vào cuộc sống

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói