Kiểm soát chặt chẽ nguồn giống để vụ đông ở Hà Tĩnh giành thắng lợi

(Baohatinh.vn) - Theo một số đơn vị cung ứng, thị trường giống đầu vụ đông ở Hà Tĩnh chưa thực sự sôi động. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn sẵn sàng nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân.

Cửa hàng kinh doanh của Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh đang phục vụ chủ yếu khách mua lẻ.

Cửa hàng kinh doanh của Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh (đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) những ngày này, khách hàng vào - ra bắt đầu đều đặn hơn so với những tuần liên tiếp có mưa trước đó. Tuy nhiên, theo nhân viên cửa hàng, số lượng bán ra vẫn chủ yếu là kênh bán lẻ và mặt hàng bán “chạy” là các loại giống rau ngắn ngày như: rau cải lá, cải bẹ, cải mầm, rau gia vị... Còn lại, các giống ngô lấy hạt, lạc… bán chậm hơn.

Ông Nguyễn Tường Hiếu - phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh cho biết: “Nhà tôi làm 2 sào rau vụ đông. Năm nào tôi cũng chờ hết tháng 10 dương lịch, khi thời tiết không còn mưa lũ thì mới bắt tay xuống giống sản xuất. Năm nay, tình hình rau xanh khan hiếm và khá đắt nên đầu thời vụ tôi ưu tiên các loại rau ngắn ngày như: cải, xà lách, đậu cô ve… Tới đây, khi thời tiết tốt hơn thì tôi sẽ đầu tư dần trong suốt mùa vụ”.

Các loại rau ăn lá ngắn ngày được khách hàng ưu tiên sản xuất trong vụ đông 2021.

Hiện nay, Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh là một trong những đơn vị cung ứng lớn nhất tỉnh về các loại giống cây trồng vụ đông. Mỗi vụ, công ty chủ động kết nối với các đối tác trong cả nước nhằm chuẩn bị sẵn sàng lượng giống đáp ứng đủ nhu cầu và chất lượng cho bà con nông dân.

Bà Nguyễn Thị Lài - Phó Giám đốc công ty cho biết: Công ty đã liên hệ với các đối tác để chủ động số lượng, cơ cấu từng loại giống nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân. Tuy nhiên, để việc cung ứng hiệu quả cao hơn, các địa phương cần chủ động kế hoạch sản xuất, sớm liên hệ về nhu cầu giống. Công ty sẽ phối hợp với các địa phương và Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở NN&PTNT) kiểm tra chất lượng giống trước khi cung ứng cho sản xuất.

Ngoài ra, đơn vị cũng chủ động chuẩn bị lượng phân bón tương đối lớn để đáp ứng nhu cầu cho bà con nông dân.

Trong khi đó, đến thời điểm này, Công ty CP tập đoàn Giống cây trồng Trung ương đã cung ứng 17 tấn các loại ngô lấy hạt giống HN68, LVN10 cho các địa phương: Hương Khê, Vũ Quang. Công ty đang bám sát kế hoạch sản xuất của các địa phương để mở rộng thị trường cung ứng.

Tuy nhiên, cái khó nhất của thị trường Hà Tĩnh chính là thời vụ dàn trải (kéo dài từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 12), mức đầu tư của bà con nông dân không cao, diện tích sản xuất nhỏ lẻ. Trong khi, thời tiết đầu vụ thường xuyên xảy ra mưa lũ nên sự sôi động của thị trường cũng đến chậm hơn.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có khoảng 5 - 6 đầu mối cung ứng giống cây trồng vụ đông lớn. Ngoài ra, kênh phân phối còn có hệ thống các đại lý, cơ sở kinh doanh giống, vật tư phân bón trên địa bàn các huyện.

Bà con thôn Sơn Quang, xã Đức Lạng (Đức Thọ) chăm sóc giống ngô nếp HN68.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ đông 2021, toàn tỉnh gieo trỉa 3.726 ha ngô lấy hạt; 1.568 ha ngô sinh khối; 1.480 ha cây khoai lang và 4.558 ha rau các loại. Theo đó, các vùng sản xuất sẽ cần khoảng gần 110 tấn giống ngô; gần 27,4 tấn rau các loại. Trong khi đó, 100% giống cây trồng vụ đông đều do các doanh nghiệp ngoài tỉnh sản xuất. Điều này đặt ra vấn đề quản lý chất lượng đầu vào rất lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Lê Tùng Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Ngay từ cuối tháng 9/2021, chi cục đã phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra và thực hiện công khai địa chỉ những cơ sở đủ điều kiện kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, đảm bảo cung cấp các địa chỉ tin cậy cho bà con nông dân.

Theo đó, chi cục phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt hồ sơ giống, từ nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, đồng thời lấy mẫu kiểm tra tỷ lệ nảy mầm các lô giống trước khi cung ứng cho bà con nông dân.

Hiện nay, chi cục đã tiến hành kiểm tra, lấy 4 mẫu giống ngô trên địa bàn huyện Hương Khê và tiếp tục thực hiện các địa bàn còn lại, nhằm tăng cường quản lý nhà nước về công tác giống, đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng giống cho bà con nông dân trong vụ đông năm nay".

Mô hình sản xuất lạc đông ở xã Đức Lạng (Đức Thọ).

Năm nay, các địa phương chủ động về kế hoạch, giống sản xuất vì thế nguồn giống về rải rác, không tập trung như các năm có nguồn hỗ trợ từ chính sách. Vì vậy, các địa phương cần nâng cao công tác quản lý tại địa bàn, chủ động phối hợp với ngành chuyên môn để kiểm soát chất lượng đầu vào các loại giống, ngăn chặn những nguy cơ về giống giả, giống kém chất lượng trà trộn vào thị trường.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói