Thu hoạch lạc tại thôn Thuận Mỹ, xã Xuân Mỹ
Thời điểm này, những cánh đồng lạc giống vụ thu đông ở các xã Xuân Viên, Xuân Mỹ (Nghi Xuân) đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ thời tiết thuận lợi, được chăm sóc kỹ càng, phủ ni - lông từ khi gieo trỉa nên cây phát triển tốt, cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 1,2 - 1,3 tạ/sào.
Anh Trần Văn Cường (thôn Gia Phú, xã Xuân Viên) cho hay: “Vụ này, tôi làm 5 sào, tất cả đều được dùng để làm giống cho vụ xuân tới. Điều đặc biệt là, tất cả diện tích đều được trồng bằng kỹ thuật phủ ni-lông, không chỉ ngăn cỏ mọc mà còn chống xói mòn khi mưa lớn đổ về, giữ cho cây sinh trưởng tốt từ đầu vụ đến cuối vụ. Do vậy, chất lượng giống tốt, cho hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp truyền thống".
Nhờ thực hiện đúng quy trình nên vụ lạc đông năm nay người dân thôn Thuận Mỹ, xã Xuân Mỹ giành thắng lợi lớn.
Cùng chung niềm vui, chị Đinh Thị Huyên (thôn Thuận Mỹ, xã Xuân Mỹ) phấn khởi: “Năm nay, thời tiết “như chiều lòng người”, cộng với bà con chúng tôi đã khá quen với kỹ thuật làm lạc giống bằng phương pháp che phủ ni-lông nên cả năng suất và chất lượng lạc hơn hẳn so với năm 2020. Năng suất đạt 1,2 tạ/sào, giá bán 50.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về 6 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa".
Theo Phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân, là một trong những địa phương có lợi thế sản xuất lạc, mỗi năm, toàn huyện sản xuất từ 1.750 - 1.800 ha, trong đó diện tích tập trung lớn nhất là vào vụ xuân với 1.700 ha.
Hằng năm, huyện đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo, hướng dẫn bà con nhân dân chủ động tìm mua giống ở những cơ sở có uy tín. Tuy nhiên, không ít hộ gia đình ở các địa phương do ham rẻ, mua lạc giống trôi nổi trên thị trường nên “may nhờ rủi chịu”. Thậm chí có năm, nhiều địa phương mất trắng vì lạc giống kém chất lượng.
Bà con Nhân dân thu hoạch lạc tại thôn Gia Phú, xã Xuân Viên. Ảnh: Đức Đồng
Từ thực tế đó, tháng 9/2020, huyện Nghi Xuân đã triển khai thí điểm trồng thử nghiệm 16 ha giống lạc L14 và lạc cúc bằng kỹ thuật phủ ni-lông tại các xã: Xuân Viên (7 ha), Xuân Thành (4 ha), Xuân Mỹ (3 ha) và Xuân Giang (2ha). Trong đó, huyện Nghi Xuân hỗ trợ chi phí mua phân bón và ni-lông che phủ với mỗi sào 300.000 đồng (6 triệu đồng/ha). Kết quả trồng thử nghiệm (thu hoạch sau đó 3 tháng) tại các địa phương đạt 1,5 tấn/ha.
“Dù kết quả của năm đầu tiên chưa được như mong đợi nhưng quan trọng nhất là người dân bắt đầu có ý thức về việc sản xuất lạc giống nhằm chủ động sản xuất cho những vụ tiếp theo để giảm tình trạng giống mua trôi nổi ở thị trường. Vụ thu đông năm nay, xã triển khai 5 ha lạc giống rất thắng lợi, là nguồn cung ứng chất lượng cho vụ sản xuất chính sắp tới - vụ xuân 2022” - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ Nguyễn Văn Lợi cho biết.
Giống lạc chủ lực L14 cho năng suất bình quân toàn huyện Nghi Xuân 12 tạ/sào. Ảnh: Đức Đồng
Năm 2021, huyện mở rộng diện tích lạc thu đông lên 20 ha trên toàn huyện. Trong đó, Xuân Mỹ 5 ha, Xuân Viên 4 ha, Xuân Thành 3 ha; Xuân Phổ, Cổ Đạm, Xuân Yên, Xuân Hải, mỗi xã 2 ha. Lạc bắt đầu xuống giống từ tháng 8/2021, phù hợp thời vụ chăm sóc và thu hoạch nhằm đủ thời gian để chuẩn bị cho vụ xuân năm tới.
Tính chung toàn huyện, năng suất bình quân đạt 1,2 tạ/sào, sản lượng thu được hơn 48 tấn. Theo tính toán, toàn bộ số lạc thu được trị giá 2,4 tỷ đồng nếu bán ra thị trường. Thế nhưng, số lạc này được giữ lại làm giống đủ cho diện tích 240 ha vụ lạc xuân 2022 (chiếm khoảng 12 - 15% diện tích gieo trỉa lạc xuân của toàn huyện Nghi Xuân).
Lạc là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Những năm qua, huyện tập trung tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích, đầu tư quy trình kỹ thuật sản xuất lạc giống trong vụ thu đông nhằm tạo nguồn giống chất lượng, ổn định trên địa bàn. Thành công của vụ lạc thu đông năm nay sẽ là tiền đề để Nghi Xuân tiếp tục mở rộng diện tích lên 60 - 80 ha vụ thu đông 2022.