Giá thép trong năm 2021 liên tục tăng cao. (Ảnh: TTXVN)
Chỉ số giá xây dựng năm 2021 tăng 4,34% so với năm 2020. Việc chỉ số giá xây dựng tăng được Bộ Xây dựng chỉ rõ là do tác động của giá thép xây dựng tăng từ 30-40%.
Trước tình hình trên, nhằm thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương và ngành liên quan để có hướng dẫn kịp thời.
Bộ Xây dựng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp. Các cơ quan liên quan đánh giá tác động của dịch COVID-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng.
Cùng đó, Bộ Xây dựng cũng đã tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đất đai năm 2013 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án khẩn cấp; hoàn thiện các quy định về kế hoạch sử dụng đất…
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, hệ thống pháp luật về đất đai cần sớm được hoàn thiện để giải quyết các vướng mắc, bất cập, điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản hiệu quả….
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng với nhiều điểm mới.
Đặc biệt, những cải cách về thủ tục thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề... nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Song song đó, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, nhất là các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước; quản lý an toàn lao động và vệ sinh môi trường của các chủ thể trong các khâu khảo sát, thiết kế, thi công...
Hội đồng kiểm tra nhà nước đã kịp thời phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư xử lý những vấn đề kỹ thuật phát sinh, góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng công trình trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia.
Các vướng mắc, bất cập trong việc thực thi văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng, nghiệm thu, giám định tư pháp xây dựng, an toàn, vệ sinh lao động... cũng thường xuyên được trao đổi, tháo gỡ.