Nghị lực đáng khâm phục của người đàn ông khuyết tật

(Baohatinh.vn) - Bị khuyết tật nhiều năm nay nhưng ông Trần Văn Hạnh (Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Sinh ra khỏe mạnh bình thường như bao người khác nhưng đến năm 18 tuổi, sau một cơn bạo bệnh, ông Trần Văn Hạnh (SN 1975, trú thôn Đông Lĩnh, xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) bị liệt một bên cơ thể, trở thành người khuyết tật vận động.

Với nghề sửa chữa đồ điện tại nhà, ông Trần Văn Hạnh có thu nhập ổn định nuôi sống gia đình.

Ông Hạnh chia sẻ: “Thời gian đầu bị bệnh, tôi không chấp nhận sự thật là mình đã bị tật nguyền, mọi sinh hoạt phải có người thân hỗ trợ. Gia cảnh nghèo khó lại đột nhiên ngã bệnh, cuộc đời tôi trở nên tăm tối. Sau một thời gian sống trong tuyệt vọng, tôi đã quyết định phải vực dậy tinh thần, quyết tâm tự mình thay đổi số phận”.

Từ quyết tâm đó, năm 1998, ông Hạnh đã liên hệ với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Can Lộc để được hướng dẫn thủ tục, nộp hồ sơ theo học lớp đào tạo nghề điện tại một trường nghề trên địa bàn huyện Thạch Hà.

Với sự chăm chỉ, quyết tâm, sau 2 năm theo học, ông Hạnh đã có được tấm bằng trung cấp nghề. Ông đầu tư mua sắm một ít dụng cụ, đồ nghề sửa chữa đồ điện gia dụng tại nhà. Khách hàng đầu tiên của ông là những người hàng xóm láng giềng, anh em họ hàng, bạn bè thân thiết. Chủ yếu họ mang những đồ điện hỏng trong nhà đến sửa với tâm lý “ủng hộ” ông Hạnh là chính.

Bà Đoàn Thị Hoài Thanh luôn đồng hành và hỗ trợ chồng trong cuộc sống.

Tuy nhiên, bằng kiến thức, tay nghề được đào tạo bài bản và sự chỉn chu, tận tâm trong quá trình làm việc, ông Hạnh đã làm hài lòng khách hàng của mình. Tiếng lành đồn xa, “thị trường” của ông dần mở rộng, khách hàng là người dân trong vùng và các vùng lân cận tìm đến ngày một nhiều hơn.

Có công việc và nguồn thu nhập đều đặn, ông dần tự tin hơn trong cuộc sống và nghĩ đến một mái ấm gia đình. Năm 2005, duyên phận cho ông gặp gỡ bà Đoàn Thị Hoài Thanh (SN 1970) - người cùng xã. Bà Thanh vì cảm mến và khâm phục nghị lực của ông Hạnh nên đã đồng ý cùng ông xây dựng hạnh phúc gia đình.

Gia đình hạnh phúc của ông Hạnh - bà Thanh.

Hạnh phúc đó càng thêm trọn vẹn khi sau đám cưới không lâu, năm 2006, ông bà sinh được một cháu trai; năm 2008, cháu gái thứ hai chào đời. Nay con trai lớn của ông bà đã học lớp 12, con gái học lớp 10, các cháu đều chăm ngoan, học tốt, hiếu thảo với cha mẹ.

Để phụ giúp gia đình phát triển kinh tế, ngoài làm ruộng, bà Thanh còn làm thêm nghề thu gom phế liệu bán cho các cơ sở thu mua. Bà Thanh chia sẻ: “Ngày mới quen nhau, nhiều người cũng khuyên ngăn vì ông tật nguyền nhưng tôi vẫn tin ông ấy là người có ý chí, nghị lực, chúng tôi sẽ vượt qua được khó khăn. Nay nhìn các con khôn lớn, cuộc sống gia đình yên ấm, thuận hòa, tôi cảm thấy không hối hận với lựa chọn của mình”.

Bà Thanh làm thêm nghề thu mua phế liệu để phụ giúp kinh tế cho gia đình.

Vợ chồng ông Hạnh hiện đang thờ cúng 2 chú ruột là liệt sỹ và bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tri ân những đóng góp của gia đình ông cho cách mạng, các cấp ngành thường xuyên có những chính sách hỗ trợ nhân văn như: xây dựng nhà ở, nơi thờ cúng liệt sỹ; thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết; hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế…

Ông Hạnh chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành cùng với sự nỗ lực của hai vợ chồng, hiện nay, chúng tôi có công việc và thu nhập ổn định, đủ nuôi các con ăn học, chăm sóc mẹ già. Tôi chỉ mong sao có sức khỏe để tiếp tục lao động, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Dù khuyết tật vận động, đi lại và sinh hoạt khó khăn nhưng ông Hạnh có nghị lực lớn để vươn lên trong cuộc sống. Ông là hội viên tiêu biểu của hội, xứng đáng là tấm gương cho các hội viên khác noi theo. Thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục huy động nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ những hội viên có ý chí, có hướng phát triển kinh tế gia đình như ông Hạnh.

Ông Hồ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Can Lộc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói