Video: Ngư dân Cẩm Xuyên “mở biển”, xuất hành lấy may đầu năm
Sau ngày tân niên đầu xuân mới, ngư dân Lê Xuân Tiến ở thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) chọn ngày đẹp, giờ đẹp để làm lễ “mở biển”, xuất hành vươn khơi đầu năm. Chuyến biển đầu năm được xem là chuyến biển quan trọng với kỳ vọng ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được mùa bội thu trong năm nên việc lễ xuất hành được ngư dân Lê Xuân Tiến chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng.
Ngư dân vùng biển Cửa Nhượng làm lễ “mở biển” đầu năm mới.
Ngư dân Lê Xuân Tiến chia sẻ: “Đầu năm mới, chúng tôi sẽ chọn ngày đẹp để cúng thuyền, cúng bến và xuất hành lấy may. Đây là nghi lễ truyền thống có từ hàng trăm năm trước của ngư dân vùng biển, thể hiện tấm lòng thành kính của con dân miền biển đối với đất trời đã che chở bình yên trong những chuyến ra khơi.
Thông qua nghi lễ, chúng tôi cầu mong năm mới đánh bắt thuận lợi, sóng yên, biển lặng và trúng nhiều mẻ cá lớn đầy khoang. Lễ vật được tôi soạn sửa gồm: hương vàng, gạo, muối, cau trầu, cỗ xôi gà, bánh chưng và những sản vật được đánh bắt từ biển cả như tôm, cá, mực…”.
Lễ vật cúng “mở biển” được ngư dân chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng với hy vọng ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được mùa bội thu trong cả năm.
Theo quan niệm của ngư dân, vùng biển huyện Cẩm Xuyên, nếu như cá ông che chở, bảo vệ cho họ trên biển thì thần canh bến bảo vệ cho tàu thuyền an toàn khi neo đậu. Vì vậy, lễ cúng thuyền, cúng bến, “mở biển” có ý nghĩa hết sức quan trọng để họ cảm ơn các vị thần linh đã che chở và cầu mong bình an, may mắn cho những chuyến đi trong năm Quý Mão.
Sau khi hoàn thành nghi thức, ngư dân chọn giờ đẹp để xuất hành “mở biển”, chuẩn bị cho mùa đánh bắt mới. Giờ khởi hành được ngư dân mặc định phải là giờ hơn theo quan niệm “đi hơn, về kém” của cha ông. Ngày khởi hành cũng tùy theo cách nghĩ, phong tục của mỗi vùng. Với ngư dân vùng biển Cửa Nhượng, họ chỉ kiêng khởi hành ngày mùng 1, còn lại ngày nào cũng có thể ra khơi. Năm nay, ngày mùng 2, mùng 4 tết được xem là ngày tốt nên nhiều chủ tàu làm lễ cúng thuyền, cúng xuất bến.
Chủ thuyền rải muối, gạo… xuống nước và khắp sàn thuyền để thần thuyền, thần bến cùng chung vui.
Ngư dân Phạm Tiến Phương ở thôn 5, xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Sau khi hoàn thành nghi thức cúng thuyền, cúng xuất bến, chủ thuyền sẽ thực hiện rải muối, gạo, hương vàng… xuống nước và khắp sàn thuyền để thần thuyền, thần bến cùng chung vui. Phong tục này có từ rất lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đây là tín ngưỡng thể hiện niềm tin của ngư dân miền biển nên chúng tôi thực hiện bằng cả tấm lòng để cầu mong các chuyến biển trong năm mới gặp sóng êm gió lặng, trúng nhiều mẻ cá, anh em bạn tàu đều sức khỏe, bình an.
Nghi lễ kết thúc cũng là lúc anh em tôi lên đường. Chuyến biển đầu tiên, chúng tôi không quá câu nệ sản lượng, song nếu gặp may được cá thì đó là tín hiệu tốt lành cho mùa đánh bắt mới".
Sau khi hoàn thành các nghi thức “mở biển”, ngư dân nhổ neo xuất hành lấy may đầu năm.
Theo bà con ngư dân, sau lễ cúng thuyền, cúng xuất bến, ngư dân nhổ neo chạy ra cửa biển, thả ít lưới xuống biển để lấy ngày rồi chạy về neo thuyền ở bến, đợi khi thời tiết đẹp mới vươn khơi.
Ngoài việc cúng thuyền, cúng xuất bến, cúng “mở biển”, xuất hành lấy may, đầu năm mới, ngư dân vùng biển Cẩm Xuyên còn cúng cá Ông tại Miếu thờ Đức Ngư Ông (thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng). Với ngư dân vùng biển, cá Ông là vị thần che chở, bảo vệ cho họ trên biển trong những chuyến vươn khơi. Hoàn thành các nghi thức với niềm tin và tín ngưỡng lớn lao, ngư dân vùng biển Cẩm Xuyên mới yên tâm khởi đầu một mùa vụ đánh bắt mới với nhiều “lộc biển”, cá nặng đầy khoang.