Người chăn nuôi ở Hà Tĩnh thận trọng tái đàn phục vụ thị trường cuối năm

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi lợn tại Hà Tĩnh đang rục rịch tái đàn để phục vụ nhu cầu thực phẩm tăng cao dịp cuối năm. Tuy nhiên, giá cám vẫn ở mức cao khiến người nuôi đang thận trọng trong việc tái đàn.

Người chăn nuôi ở Hà Tĩnh thận trọng tái đàn phục vụ thị trường cuối năm

Giá cám chăn nuôi ở mức cao là lý do chính khiến nhiều nông dân e ngại trong việc tái đàn.

Ngại đầu tư lớn

Gia đình ông Trần Xuân Soạn (thôn Đông Văn, xã Thạch Văn, Thạch Hà) đang chuẩn bị nhập lợn con về bắt đầu vụ nuôi phục vụ thị trường cuối năm. Tuy nhiên, gia đình xác định chỉ thả 30 con lợn trong khi quy mô chuồng đạt 60 con/lứa.

Theo ông Soạn, giá lợn con đã tăng khá cao và đang ở mức 1,5 triệu đồng/con, trong khi đó, giá thức ăn, thuốc thú y chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là những lý do chính khiến ông lo lắng khi bắt tay vào đầu tư trong vụ này.

“Thời điểm này là phù hợp nhất để các hộ nuôi vụ mới, “đón” thị trường cuối năm. Thế nhưng, năm nay, thị trường chịu nhiều tác động từ giá cả đầu vào, tình hình thế giới nên điều chúng tôi lo nhất là giá cả đầu ra sẽ không ổn định. Đầu tư chi phí đầu vào cao thì người nông dân càng khó có lãi” - ông Soạn bộc bạch.

Người chăn nuôi ở Hà Tĩnh thận trọng tái đàn phục vụ thị trường cuối năm

Giá lợn con đang ở mức khá cao nên với các hộ chăn nuôi không tự chủ được con giống sẽ gặp nhiều khó khăn.

Với ông Nguyễn Văn Sửu (xã Tân Lộc, Lộc Hà), mặc dù hiện nay, đầu ra lợn thương phẩm của trang trại luôn ổn định nhưng thời điểm này, ông cũng không dám tăng đàn, chỉ nuôi 2.500 con lợn thịt (giảm gần 500 con so với đầu năm) và gần 170 con lợn nái (giảm so với đầu năm gần 100 con lợn nái).

“Thời gian vừa qua, chi phí thức ăn để nuôi một con lợn đến lúc xuất chuồng đã tăng khoảng 1,6 triệu đồng/con so với thời điểm tháng 11 năm ngoái. Hiện nay, giá xuất chuồng lợn thịt ở vào khoảng 62 - 63 nghìn đồng/kg. Nếu giá này duy trì được đến tết Nguyên đán thì người chăn nuôi sẽ có lãi, còn không thì người chăn nuôi nắm chắc phần thua lỗ. Vì thế, chúng tôi không dám mạo hiểm” - ông Sửu cho hay.

Không riêng gì các hộ chăn nuôi lợn, các hộ chăn nuôi gà cũng đang dè dặt trong vấn đề tái đàn quy mô lớn.

Người chăn nuôi ở Hà Tĩnh thận trọng tái đàn phục vụ thị trường cuối năm

Tâm lý lo sợ về giá cả bấp bênh trong chăn nuôi gà khiến nhiều người vẫn đắn đo trong việc đầu tư tái đàn.

Theo các hộ chăn nuôi, giá gà thịt nuôi ngắn ngày đang ở mức khá cao, khoảng 50.000 đồng/kg; thịt gà ta thả vườn từ 85 - 100.000 đồng/kg. Với giá bán các loại gà như vậy, bà con đã có lãi. Dù vậy, tâm lý lo sợ về giá bán ra có thể giảm bất cứ lúc nào, chăn nuôi cuối năm nhiều rủi ro nên nhiều người vẫn đắn đo đầu tư tái đàn.

Ông Nguyễn Văn Hạnh (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, Can Lộc) cho biết: “Tôi không dám tăng đàn với số lượng lớn như mọi năm mà chỉ duy trì ở mức khoảng 1.000 con và sẽ nuôi theo hình thức chia thành nhiều lứa khác nhau để giảm thiểu rủi ro”.

Người chăn nuôi ở Hà Tĩnh thận trọng tái đàn phục vụ thị trường cuối năm

Phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh.

Chú trọng công tác phòng dịch

Theo ngành NN&PTNT Hà Tĩnh, hiện đang là thời điểm người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chuẩn bị con giống để chăn nuôi phục vụ nhu cầu dịp tết. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thời tiết diễn biến bất lợi, sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm dễ cho các loại vi-rút “tấn công”. Do đó, người chăn nuôi cần cẩn trọng phòng chống dịch bệnh.

Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi tổng hợp và xây dựng Minh Lộc (xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) đang có khoảng gần 1.000 con lợn (300 lợn nái, 700 lợn thịt). Ông Trương Xuân Bính - Giám đốc HTX cho biết: “Thời điểm cuối năm thường tiềm ẩn nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên lợn, lo ngại nhất là dịch tả lợn châu Phi. HTX phải tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo xuất bán ổn định cho thị trường cuối năm”.

Người chăn nuôi ở Hà Tĩnh thận trọng tái đàn phục vụ thị trường cuối năm

Công nhân HTX Chăn nuôi tổng hợp và xây dựng Minh Lộc thực hiện tiêm phòng cho đàn lợn giống dưới 25 ngày tuổi trước khi xuất chuồng.

Thực tế nhiều năm trước cho thấy, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi trên lợn, dịch cúm gia cầm H5N1, H5N6… thường xẩy vào những dịp cuối năm, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Đặc biệt là vùng trọng điểm về chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, vùng có ổ dịch cũ như: Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, Hương Khê..., diễn biến bệnh dịch tiềm ẩn phức tạp.

Người chăn nuôi ở Hà Tĩnh thận trọng tái đàn phục vụ thị trường cuối năm

Hiện giá lợn thương phẩm tại Hà Tĩnh đang ổn định ở mức 62 - 63.000 đồng/kg.

Theo ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: “Ngành chuyên môn khuyến cáo chính quyền địa phường cần tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh của các hộ chăn nuôi, phải làm tốt công tác quản lý vận chuyển con giống vào, ra trên địa bàn; kiên quyết xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ, đưa toàn bộ gia súc, gia cầm vào lò giết mổ tập trung. Ngoài việc tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ, người chăn nuôi phải tiêm phòng bổ sung khi tái đàn, đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại… Khi phát hiện dịch bệnh phải có trách nhiệm thông báo ngay cho ngành chuyên môn để kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lan ra diện rộng”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bão số 6 (bão Tramy) sau khi đổ bộ vào bờ, thay vì suy yếu, sẽ quay trở lại ra biển nên các địa phương, đơn vị cần cảnh báo người dân, nhất là ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan.
Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Để giúp hoa sinh trưởng tốt, đảm bảo khung thời vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp tết, nhiều hộ dân trồng hoa cúc trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung xuống giống.
Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tăng giai đoạn cuối năm đã đẩy dư nợ lĩnh vực này của các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh.
Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Dù năng suất cam năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên các nhà vườn ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phấn khởi, bà con đang nhanh tay thu hoạch những quả chín sớm.