Người dân Hà Tĩnh bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản trước mưa lớn

(Baohatinh.vn) - Mưa lớn dễ gây sốc môi trường nước nên người nuôi thủy sản Hà Tĩnh hiện đang tích cực triển khai kịp thời các giải pháp bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản.

Người dân Hà Tĩnh bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản trước mưa lớn

Anh Nguyễn Văn Đức (xã Thạch Sơn – Thạch Hà) che chắn mặt lồng bằng lưới có kích thước phù hợp để hạn chế cá nuôi thoát ra ngoài.

Hay tin Hà Tĩnh có mưa to trong nhiều ngày liền, trước đó gia đình anh Nguyễn Văn Đức (Thôn trưởng thôn Sông Hải – xã Thạch Sơn – Thạch Hà) đã nhanh tay thu hoạch các lồng cá đủ trọng lượng.

Riêng 4 lồng còn lại với trên 1.000 con cá vược, anh Đức đã cẩn thận di chuyển vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp, độ mặn tương đối ổn định. Đồng thời, anh Đức gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng, giằng néo chắc chắn giữ cho lồng không bị lật. Đề phòng trường hợp nước dâng cao, anh đã chủ động che chắn mặt lồng bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế cá nuôi thoát ra ngoài.

Người dân Hà Tĩnh bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản trước mưa lớn

100% hộ nuôi cá ở xã Thạch Sơn đã di chuyển lồng bè vào khu vực an toàn.

Để đảm bảo an toàn cho 13 hồ tôm, cua, cá trước tác động của mưa lớn, hiện nay anh Nguyễn Văn Nguyên (thôn Đông Đoài – xã Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh) đã thuê máy xúc đắp đất, nâng bờ bao lên cao để tránh hiện tượng nước ngập vào hồ nuôi. Ngoài ra, anh huy động công nhân giăng lưới đồng loạt xung quanh các hồ nuôi để tránh tôm cá tràn ra ngoài.

Người dân Hà Tĩnh bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản trước mưa lớn

Anh Nguyễn Văn Nguyên thuê máy xúc đắp bờ bao lên cao để tránh thiệt hại.

Anh Nguyên cho biết: “Hiện nay, hàm lượng axit trong nước mưa nhiều, độ mặn, độ PH giảm đột ngột. Nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tôm, cua, cá... bị sốc môi trường nước, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển, thậm chí có thể khiến thủy sản nuôi giảm ăn, bỏ ăn và chết. Do vậy, một mặt, chúng tôi giữ mực nước trong hồ nuôi khá lớn để tránh mưa xuống gây ngọt hóa; mặt khác tiến hành đánh vôi để duy trì độ PH, độ kiềm trong nước ổn định”.

Với trên 80 ha nuôi tôm trên cát, tập trung chủ yếu ở các xã Yên Hòa, Cẩm Dương, thị trấn Thiên Cầm…, hiện người dân Cẩm Xuyên đang tăng cường bám hồ, đầu tư thêm chi phí để kịp thời xử lý môi trường bằng cách đánh vôi bột, đánh khoáng mỗi ngày. Bên cạnh đó, người dân thường xuyên theo dõi sức khỏe của tôm để có biện pháp chăm sóc phù hợp.

Người dân Hà Tĩnh bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản trước mưa lớn

Người nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh chủ động giăng lưới để bảo vệ tôm, cua, cá...

Ông Lê Văn Danh – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho hay: “Để chủ động ứng phó với mưa lớn do áp thấp, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích nuôi trồng. Từ đó, hướng dẫn người dân thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch sản phẩm trước khi xảy ra mưa lớn. Đồng thời, triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ thủy sản nuôi trước tác động xấu của mưa lớn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại”.

Được biết, Hà Tĩnh hiện có 7.192 ha diện tích và 292 lồng bè nuôi trồng thủy sản. Thời tiết bất lợi như hiện nay sẽ khiến người nuôi phát sinh thêm nhiều chi phí xử lý nguồn nước và chi phí để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.

Người dân Hà Tĩnh bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản trước mưa lớn

Thời tiết bất lợi khiến người nuôi phát sinh nhiều chi phí xử lý nguồn nước

Ông Lưu Quang Cần – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh khuyến cáo: “Để bảo vệ thủy sản nuôi, người dân cần tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao. Người nuôi cũng cần kiểm tra, xử lý nước ao, đầm, nơi đặt lồng bè nuôi... nhằm đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép.

Ngoài ra, cần bổ sung vitamin C hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu có thuỷ sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.