Ghi nhận nhiệt độ tại Hương Khê những ngày qua xuống thấp đến 10 độ C, có nguy cơ đe dọa sự an toàn của đàn vật nuôi.
Ghi nhận nhiệt độ tại huyện miền núi Hương Khê trong những ngày này xuống thấp đến 10-11 độ C. Nhiệt độ thấp sẽ làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và nguy cơ xuất hiện nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm.
Đang sửa lại tấm che cho chuồng bò, ông Nguyễn Văn Nhật (thôn 4, xã Phúc Đồng) cho biết: "Gia đình nuôi 3 con bò lai sind lùn, chuồng bò được dựng rất kiên cố bằng gỗ với diện tích khoảng 30 m2. Từ đầu mùa đông, tôi đã mua thêm bạt về che chắn quanh chuồng để giữ ấm cho bò. Tuy nhiên, trong đợt rét đậm này, ngày nào tôi cũng kiểm tra chuồng trại để buộc lại những múi nối bị tuột. Thay vì chăn thả thì những ngày này, chúng tôi không cho bò ra khỏi chuồng. Thức ăn được gia đình chuẩn bị sẵn từ trước như rơm khô, cám…".
Ông Nguyễn Văn Nhật (xã Phúc Đồng, Hương Khê) thường xuyên kiểm tra, chen chắn chuồng trại chăn nuôi.
Là một trong những địa phương có đàn gia súc lớn nhất ở Hương Khê, để phòng, chống rét hiệu quả nhất cho đàn trâu, bò hơn 1.300 con, xã Phúc Đồng tập trung mạnh vào khâu kiên cố chuồng trại.
Anh Nguyễn Bá Nghiên - cán bộ thú y xã cho hay: “Mấy ngày nay, chúng tôi bám cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân che kín chuồng trại, nuôi nhốt gia súc để chống rét. Đồng thời, rải vôi khu vực chăn nuôi để khử trùng, phòng dịch bệnh phát sinh. Hiện tại, người dân đã nhận thức chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế, nên bà con đã có ý thức chủ động bảo vệ, phối hợp rất tốt với đơn vị chuyên môn. Hầu hết các hộ hộ chăn nuôi trong xã có chuồng trại cho gia súc được che chắn”.
Người dân Hương Khê đã chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc.
Phần lớn các hộ nuôi trâu, bò ở xã Phú Gia theo hình thức thả rông hoặc bán chăn thả. Gia đình ông Lê Văn Ngọc (thôn 4, xã Phú Gia) hiện đang nuôi 5 con bò. Để chủ động thức ăn cho đàn bò vào mùa đông, gia đình ông trồng thêm 2 sào ngô vụ đông, dự trữ thêm rơm rạ.
Ông Ngọc chia sẻ: “Thời gian trước, gia đình tôi cũng như các hộ trong thôn thả bò vào rừng. Riêng đợt rét này, nhận thấy nếu thả rông, đàn bò sẽ không an toàn. Bởi vậy chúng tôi nhốt đàn bò hoàn toàn trong chuồng, ngoài việc cho ăn, uống đầy đủ, gia đình cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, đảm bảo sạch sẽ”.
Người dân Hương Khê đang ngày càng quan tâm xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn kín để giữ ấm cho vật nuôi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết, ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, UBND huyện đã có công điện (ngày 30/12/2020) yêu cầu các địa phương chủ động hướng dẫn hộ chăn nuôi đảm bảo nguồn cung thức ăn không để gia súc bị đói, khát; củng cố, che chắn, giữ ấm chuồng trại; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; không chăn thả khi nhiệt độ xuống thấp dưới 13 độ C. Đồng thời, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, không chủ quan và chủ động phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Tại Hương Khê, diện tích ngô vụ đông đang phát triển rất tốt nên đã tạo nguồn thức ăn dồi dào hơn cho đàn gia súc...
Đặc biệt, đối với các địa phương đang có dịch (dich tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục), huyện yêu cầu các xã phải thành lập đoàn kiểm tra, các chốt kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển tại các trục giao thông chính. Thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi và khu vực liên quan đảm bảo yêu cầu, tần suất theo quy định; khoanh vùng, giám sát chặt chẽ tình hình để phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.