Nhiều địa phương Hà Tĩnh điều tiết máy gặt hợp lý, giúp nông dân đẩy nhanh thu hoạch lúa xuân

(Baohatinh.vn) - Giữa áp lực “chạy đua” với tiến độ, máy gặt không đáp ứng đủ nhu cầu, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã vào cuộc điều tiết vận hành, giám sát nhằm giúp bà con đẩy nhanh thu hoạch lúa xuân.

Nhiều địa phương Hà Tĩnh điều tiết máy gặt hợp lý, giúp nông dân đẩy nhanh thu hoạch lúa xuân

Nông dân xã Tượng Sơn (Thạch Hà) có một mùa thu hoạch lúa đặc biệt do ảnh hưởng Covid-19.

Vụ lúa xuân 2021 có lẽ là vụ mùa đặc biệt nhất của bà con nông dân xã Tượng Sơn (Thạch Hà) khi vào đầu mùa gặt, các cánh đồng bị ngăn cách bởi lệnh phong tỏa do dịch bệnh Covid-19, thu hoạch gặp khó khăn vì thiếu nhân lực, máy móc…

Ông Bùi Đức Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho biết: “Vụ mùa này, chúng tôi ưu tiên máy gặt, huy động lực lượng giúp các gia đình đang thực hiện cách ly y tế hoàn thành thu hoạch. Cùng đó là hỗ trợ 100.000 đồng/sào tiền thuê máy gặt cho bà con vùng bị phong tỏa. Đối với các chủ máy gặt và người quản lý máy gặt, bắt buộc phải đăng ký tạm trú khi về trên địa bàn để đảm bảo an ninh, trật tự cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, ban nông nghiệp xã và các đơn vị thôn trực tiếp điều hành sản xuất, quản lý hoạt động của máy gặt trên đồng ruộng. Nếu chủ máy hoặc người quản lý máy không chấp hành thì UBND xã và công an xã sẽ vào cuộc xử lý ngay, không để phát sinh tình hình phức tạp. Đến nay, toàn xã đã thu hoạch được hơn 80% diện tích lúa xuân”.

Nhiều địa phương Hà Tĩnh điều tiết máy gặt hợp lý, giúp nông dân đẩy nhanh thu hoạch lúa xuân

Ban nông nghiệp xã Tượng Sơn điều hành công tác thu hoạch, chỉ đạo chủ máy gặt tuân thủ các cam kết về giá thuê, quy trình chất lượng...

Tại xã Tượng Sơn, mức giá gặt bằng máy khá bình ổn từ 130.000 đồng - 150.000 đồng/sào. Trên đồng ruộng lúc nào cũng có cán bộ thôn, ban nông nghiệp xã theo sát, nhắc nhở các chủ máy từ việc không làm rơi vãi lúa trong khi thu hoạch đến phân vùng, điều tiết máy để phù hợp với tiến độ và phân bổ đều ở các thôn.

Chị Trần Thị Mỹ - thôn Hà Thanh (xã Tượng Sơn) cho biết: “Hằng ngày, loa phát thanh của xã thông báo máy gặt ở vùng nào thì chúng tôi chỉ việc mang bì đóng lúa vào thôi. Không phải chạy theo gọi máy, thỏa thuận giá hay chờ đợi như trước đây nữa”.

Các xã Thạch Lạc (Thạch Hà), Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, số lượng máy thuê từ ngoại tỉnh khó khăn nên đã chọn phương án liên kết với các xã cận kề, điều tiết máy gặt theo vùng.

Ông Bùi Quốc Sơn - Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc cho biết: “Trước vụ thu hoạch, xã đã đứng ra làm việc và thỏa thuận mức giá thuê với chủ máy để tránh “làm giá”. Đồng thời, phối hợp với các xã: Thạch Văn, Thạch Trị, Thạch Thắng để điều tiết máy gặt theo vùng. Từ ngày 15/5, chúng tôi nhận được 3 máy từ các xã đã đưa tổng số máy hoạt động trên địa bàn lên 8 máy, hỗ trợ hiệu quả cho bà con đẩy tiến độ thu hoạch đạt gần 80% diện tích”.

Nhiều địa phương Hà Tĩnh điều tiết máy gặt hợp lý, giúp nông dân đẩy nhanh thu hoạch lúa xuân

Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, bà con nông dân chấp hành các quy định y tế và tự nguyện hỗ trợ các gia đình thiếu nhân lực để đáp ứng tiến độ thu hoạch.

Ngoài ra, địa phương cũng chủ trương huy động các lực lượng hỗ trợ các gia đình đang thực hiện cách ly thu hoạch lúa với tinh thần tương trợ cao nhất.

Anh Dương Kim Hùng - thôn Quyết Tiến, xã Thạch Lạc (Thạch Hà) cho biết: “Vợ tôi là các F1 nên gia đình phải tự cách ly y tế tại nhà theo quy định. Vợ chồng tôi đã được chi hội phụ nữ và chi hội nông dân thôn giúp thu hoạch toàn bộ 7 sào lúa, trau phơi và đóng bì cẩn thận. Ít hôm nữa, hết thời gian cách ly, chúng tôi chỉ cần đưa lúa về nhà nữa thôi. Tôi vui và cảm động lắm”.

Đến hết ngày 16/5, toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 30.000 ha lúa xuân, đạt hơn 50% diện tích. Ngoài Thạch Hà, Cẩm Xuyên, các địa phương như: Kỳ Anh, Can Lộc, Đức Thọ… cũng thực hiện việc công khai giá “sàn” thuê máy gặt, dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/sào (ruộng lúa bình thường) và từ 150.000 - 170.000 đồng/sào (ruộng lúa bị đổ ngã) để hạn chế việc “làm giá”, “bao sân”.

Nhiều địa phương Hà Tĩnh điều tiết máy gặt hợp lý, giúp nông dân đẩy nhanh thu hoạch lúa xuân

Thực tế, vụ lúa năm nay chịu áp lực rất lớn vì thiếu máy gặt đập do nguồn máy ngoài tỉnh giảm

Tuy nhiên, trong những ngày qua, điều mà các địa phương phải đối mặt chính là sự thiếu hụt máy gặt đập liên hợp. Nhiều nơi, số lượng máy chỉ đáp ứng khoảng 50 - 70% so với nhu cầu.

Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Nguyên nhân chính là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc hợp đồng thuê các máy gặt từ tỉnh khác về gặp khó khăn. Trong khi, thời vụ thu hoạch lúa khá tập trung, đồng loạt khắp toàn tỉnh nên đã tạo ra áp lực rất lớn. Tại Cẩm Xuyên, vào cao điểm, địa bàn thường xuyên có khoảng 180 - 190 máy hoạt động nhưng vẫn có thời điểm không đáp ứng hết nhu cầu".

Việc thiếu hụt máy gặt đã gây sức ép không nhỏ cho các địa phương và bà con nông dân. Đáng nói hơn, hiện tượng thời tiết xấu như lốc, tố bất thường vẫn có nguy cơ tiếp tục gây ảnh hưởng đến thời gian thu hoạch lúa xuân và đe dọa thành quả của bà con nông dân.

Việc cần thiết nhất chính là sự điều hành nhất quán của các địa phương, một mặt xử lý nghiêm tình trạng một số đối tượng thu tiền “phần trăm” từ máy gặt mà người dân gọi về; mặt khác có sự phối hợp điều tiết linh hoạt trên đồng ruộng để vụ xuân 2021 hoàn thành thu hoạch đúng hạn định - 20/5.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bão số 6 (bão Tramy) sau khi đổ bộ vào bờ, thay vì suy yếu, sẽ quay trở lại ra biển nên các địa phương, đơn vị cần cảnh báo người dân, nhất là ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan.
Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Để giúp hoa sinh trưởng tốt, đảm bảo khung thời vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp tết, nhiều hộ dân trồng hoa cúc trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung xuống giống.
Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tăng giai đoạn cuối năm đã đẩy dư nợ lĩnh vực này của các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh.
Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Dù năng suất cam năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên các nhà vườn ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phấn khởi, bà con đang nhanh tay thu hoạch những quả chín sớm.