Nơi mưa lũ đi qua...

(Baohatinh.vn) - Đã 1 tuần kể từ khi mưa lũ đi qua, cuộc sống người dân vùng lũ Hà Tĩnh đã bớt bộn bề hơn chút ít. Bà con bắt đầu tính toán gầy dựng lại đàn gà, tìm kiếm thêm thức ăn xanh cho trâu bò, sửa sang lại vườn tược, khôi phục sản xuất...

Nơi mưa lũ đi qua...

Nhiều ngày bị bỏ đói, đây là dịp người dân “tẩm bổ” cho đàn trâu

Từ sáng sớm tinh mơ, vợ chồng anh Trần Đình Hóa (ở thôn Hương Đồng, xã Lộc Yên, Hương Khê) đã trở dậy để dọn dẹp nốt nhà cửa, vườn tược. Trận lũ vừa qua khiến cho ngôi nhà của anh bị ngập sâu 2 m. Nước lên tận hơn phân nửa nhà, nhấn chìm toàn bộ vườn tược, cây cối.

Bây giờ, dù nước đã rút hoàn toàn nhưng nền đất vẫn chưa khô hẳn, trên tán lá của những cây ăn quả vẫn hằn in vết bùn, rong rêu và rác vẫn ngập vườn.

“Đồng ruộng chưa thể trở lại để gieo trỉa được nên tôi ưu tiên trong vườn nhà, thu dọn rác do nước lũ cuốn về, làm sạch tán lá cho cây ăn quả để cây lấy lại dinh dưỡng, sinh trưởng trở lại”, anh Trần Đình Hóa cho biết.

Nơi mưa lũ đi qua...

Vợ chồng anh Hóa vệ sinh lại vườn tược

Vừa rời tay cuốc, vợ anh đã tất tả ra vườn rút thêm rơm đưa vào ràn cho đôi trâu. Cũng may, hôm nước dâng, anh chị đã đưa chúng lên cồn cao tránh an toàn. Ngoài thức ăn khô trữ trong nhà, vợ chồng anh cũng tranh thủ ra đồng tìm thêm thức ăn xanh để bồi bổ, chuẩn bị sức kéo cho vụ đông sắp sửa.

Còn gia đình ông Lê Văn Tỵ (thôn 8, xã Hương Thủy, Hương Khê) lại có phần vất vả hơn. Toàn bộ 200 gốc bưởi đang cho quả và 100 cây mới trồng 3 năm đều bị ngập úng trong những ngày mưa lũ vừa qua.

Ông Tỵ cho biết: “Trước hết phải vệ sinh cây sạch sẽ, quét vôi thân và tưới thuốc để bảo vệ bộ rễ. Những ngày qua, cả gia đình chỉ tập trung vào vườn bưởi này thôi”.

Nơi mưa lũ đi qua...

Gia đình ông Tỵ tập trung vệ sinh cây, quét vôi thân “cứu” bưởi

Cuộc sống sau lũ dẫu bộn bề nhưng đã bắt đầu ổn định trở lại. Nhà cửa chẳng còn tan hoang như mấy ngày lũ mà được kê gác, dọn dẹp ngăn nắp hơn. Giếng nước bị ô nhiễm cũng đã được cơ quan chức năng hướng dẫn bà con xử lý để sử dụng an toàn.

Bà Đoàn Thị Thái (thôn 6, xã Hương Thủy, Hương Khê) cho biết: “Nhờ có cán bộ hướng dẫn mà chúng tôi có đủ nước sử dụng an toàn, mọi sinh hoạt không bị đảo lộn quá nhiều sau lũ”.

Thực tế, tinh thần vì đồng bào vùng lũ đã lan tỏa từ những ngày mưa lớn. Các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên... được huy động hỗ trợ bà con sơ tán người, bảo vệ tài sản.

Sau lũ, các lực lượng lại xuống đồng thu hoạch được 700 ha lúa hè thu; kêu gọi, kết nối tiêu thụ hơn 200.000 quả bưởi Phúc Trạch cho bà con vùng ngập lụt... Nhờ vậy, mất mát giảm xuống, sẻ chia tăng lên, tạo động lực cho vùng lũ hồi sinh.

Nơi mưa lũ đi qua...

Việc đầu tiên của bà Thái sau khi lũ rút là khử trùng cho giếng nước

Dù không ngập sâu, nhưng đợt mưa kéo dài với dung lượng lớn đã khiến không ít vùng rau, lúa của bà con đồng bằng chịu thiệt hại không kém.

Một người làm việc bằng ba, việc khôi phục sản xuất của bà con nông dân sau lũ được tích cực triển khai hơn bao giờ hết. Những cánh đồng tiếp tục rộn vang tiếng máy từ sáng đến đêm khuya, những nhát liềm gấp gáp đẩy sâu xuống nước để vớt những diện tích lúa bị đổ ngã.

Nơi mưa lũ đi qua...

Bà con xã Cẩm Hòa trồng lại rau sau mưa lớn (Ảnh: Văn Chung)

Ở vùng ven biển của Thạch Hà, Cẩm Xuyên, vùng trà sơn Can Lộc, bà con nông dân đã bắt đầu xuống đồng khôi phục lại những diện tích cũ, lên luống trồng mới rau, dưa mùa vụ mới.

Chị Trần Thị Việt Hà - Giám đốc HTX Hà Trung (Cẩm Xuyên) cho biết: “Hiện tại HTX đang tập trung thu hoạch những diện tích củ cải còn lại. Đồng thời, để kịp cho thị trường dịp tết thì chúng tôi gấp rút cải tạo mặt bằng, bồi thêm đất nâng mặt ruộng chống đọng nước để tiếp tục sản xuất mới”.

Mùa lũ đi qua luôn để lại những vất vả, nhọc nhằn. Thế nhưng ở những vùng đất khắc nghiệt nhất này, người ta luôn thấy sự hồi sinh diệu kỳ của con người, vạn vật...

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Chủ đề Bão Podul - Cơn bão số 4

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bão số 6 (bão Tramy) sau khi đổ bộ vào bờ, thay vì suy yếu, sẽ quay trở lại ra biển nên các địa phương, đơn vị cần cảnh báo người dân, nhất là ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan.
Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Để giúp hoa sinh trưởng tốt, đảm bảo khung thời vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp tết, nhiều hộ dân trồng hoa cúc trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung xuống giống.
Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tăng giai đoạn cuối năm đã đẩy dư nợ lĩnh vực này của các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh.
Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Dù năng suất cam năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên các nhà vườn ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phấn khởi, bà con đang nhanh tay thu hoạch những quả chín sớm.