Trên cánh đồng tập trung của thôn Thượng Nguyên (xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà), hàng chục chiếc máy làm đất cỡ lớn đang mải miết chạy ầm ù từ sáng đến chiều muộn để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ xuân 2025.
Bà Nguyễn Thị Lý, thôn Thượng Nguyên phấn khởi: “Sau khi thực hiện chuyển đổi, 6 sào lúa của gia đình tôi được tập trung về 1 thửa, việc gieo cấy vì thế trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Chúng tôi huy động tối đa nhân lực để đẩy nhanh tiến độ xuống giống, đảm bảo lịch thời vụ mà ngành chuyên môn khuyến cáo”.
Ngay từ sáng sớm, chị Trần Thị Mai (thôn Thượng Nguyên) cũng đã ra đồng tập trung hoàn thành khâu làm đất, chuẩn bị gieo thẳng hơn 6 sào lúa của gia đình. Chị Mai chia sẻ: “Đồng ruộng sau chuyển đổi như được “thay da đổi thịt”, hệ thống hạ tầng đồng bộ nên trong 2 ngày tới là tôi sẽ xong hơn 6 sào. Chúng tôi sẽ tập trung chăm sóc đồng ruộng với hi vọng đây tiếp tục là vụ sản xuất bội thu”.
Được biết, vụ xuân 2025 là vụ sản xuất đầu tiên của bà con nông dân xã Thạch Kênh trên cánh đồng mới sau thực hiện chuyển đổi, tích tụ ruộng đất trên quy mô toàn xã. Ông Nguyễn Thiện Chung - Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh (Thạch Hà) cho biết: “Chỉ trong thời gian ngắn, Thạch Kênh đã chỉ đạo, hoàn thành việc giao đất thực địa cho bà con nông dân, tổng diện tích chuyển đổi toàn xã là 372 ha, 100% số hộ nhận 1 thửa để sản xuất nông nghiệp. Bà con đang bước vào vụ sản xuất với khí thế sôi nổi, phấn khởi. Đến nay, toàn xã đã xuống giống được hơn 150 ha”.
Cùng với xã Thạch Kênh, hiện nay nông dân các xã, thị trấn của huyện Thạch Hà cũng đang hồ hởi bước vào vụ sản xuất chính.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Duy thông tin: “Thạch Hà là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lớn của tỉnh. Vì thế, ngay từ đầu vụ, huyện tập trung cao cho công tác chỉ đạo để bà con nông dân tiến hành gieo cấy lúa đúng lịch thời vụ. Huyện đã thực hiện chuyển đổi, tích tụ ruộng đất với tổng diện tích 2.459 ha, đạt trên 30% diện tích đất trồng lúa toàn huyện. Đây là điều kiện thuận lợi để ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, HTX sản xuất quy mô lớn thực hiện liên kết với doanh nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã xuống giống được trên 2.000 ha lúa”.
Vụ xuân này, gia đình bà Trần Thị Cường (thôn Tiến Hòa, xã Yên Hồ, Đức Thọ) sản xuất 5 sào lúa Bắc Thịnh và Nếp 98. Bà Cường chia sẻ: “Nhờ khâu làm đất được thực hiện hoàn toàn bằng máy và nước về ruộng đầy đủ đã tạo điều kiện thuận lợi trong gieo cấy. Chúng tôi cũng tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, giăng bao ni lông khắp chân ruộng để hạn chế sự phá hoại của chuột”.
Để hỗ trợ bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ, thời điểm này, các “tay máy” cũng đang tập trung hoàn thành khâu làm đất. Anh Phan Xuân Mại - chủ máy cày tại xã Yên Hồ cho biết: “Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày tới đây chúng tôi sẽ làm việc cả ngày, tăng thời gian chạy máy. Làm đất xong tới đâu bà con sẽ tiến hành xuống giống đến đó. Năm nay nguồn nước dồi dào nên quá trình chạy máy cũng dễ dàng, đỡ tốn thời gian và chi phí xăng dầu. Quá trình chuyển đổi, tích tụ ruộng đất cũng giúp chúng tôi rút ngắn thời gian hơn trước rất nhiều”.
Vụ xuân 2025, huyện Đức Thọ phấn đấu gieo cấy 6.355 ha, cơ cấu 7 giống chủ lực gồm: Nếp 98, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, HaNa 7, Hương Bình, Thái Xuyên 111, VNR20 và giống đặc thù DT39 Quế Lâm sản xuất hữu cơ theo quy trình và liên kết theo chuỗi với Tập đoàn Quế Lâm. Thời vụ gieo cấy tập trung từ ngày 10/1 đến 5/2/2025.
Huyện đã khuyến cáo 100% diện tích mạ phải được phủ ni lông đúng kỹ thuật, đồng thời căn cứ vào dự báo thời tiết ngắn hạn để chỉ đạo thời điểm ngâm ủ giống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra. Đối với các diện tích gieo thẳng phải bắc mạ dự phòng ở góc ruộng. Yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc về lịch thời vụ, cơ cấu bộ giống của UBND huyện.
Trong vụ xuân 2025, các địa phương có diện tích gieo cấy lớn là huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ,… Từ nay đến ngày 5/2/2025 sẽ là thời vụ gieo cấy tập trung của hơn 80% diện tích toàn tỉnh. Trong đó, tập trung lớn nhất là nhóm giống chủ lực, nhóm giống có tiềm năng năng suất, chất lượng và triển vọng cao, thời gian sinh trưởng từ 120 - 135 ngày như: Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Nếp 98, Nếp 87, ADI168, VNR20, VNR 10, Hương Bình, Hà Phát 3,…
Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống được gần 20.000/59.097 ha lúa
Vụ xuân 2025, thời vụ xuống giống các trà lúa chính của toàn tỉnh cơ bản trùng với tiết Tiểu Hàn - Lập Xuân cũng là thời điểm có tần suất rét cao nhất trong năm nên các địa phương, bà con nông dân cần chủ động các giải pháp chống rét cho cây lúa.
Căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống để bắc mạ tập trung trong khung thời vụ từ 10/01 5/2/2025. Đối với những vùng có tập quán gieo thẳng, lịch gieo thẳng theo thời vụ bắc mạ. Trong cùng một nhóm giống, giống có thời gian sinh trưởng dài hơn bố trí gieo cấy đầu khung thời vụ, giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn bố trí cuối khung thời vụ.
Khuyến cáo 100% diện tích mạ phải được phủ ni lông đúng kỹ thuật, đồng thời căn cứ vào dự báo thời tiết ngắn hạn để chỉ đạo thời điểm ngâm ủ giống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.