Hai trận lũ kéo dài vừa qua đã khiến gần 200 ha ngô vụ đông trên địa bàn Vũ Quang bị hư hại, đổ ngã.
Mưa lớn nhiều ngày qua đã khiến gần 200 ha ngô vụ đông trên địa bàn Vũ Quang bị đổ ngã, hư hại. Để kịp thời vụ, nông dân các địa phương trên địa bàn đang tập trung vét rãnh tiêu úng, làm đất...
Không khí lao động diễn ra sôi nổi, khẩn trương trên khắp nhiều cánh đồng, nhất là ở những địa phương có diện tích canh tác lớn như: Đức Hương, Đức Lĩnh, Quang Thọ, Hương Minh...
Bà Nguyễn Thị Nhàn (thôn Hương Thọ, xã Đức Hương) tập trung dắm trỉa những diện tích ngô bị hư hại do mưa lũ.
Bà Nguyễn Thị Nhàn ở thôn Hương Thọ, xã Đức Hương cho biết, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, vụ hè thu nắng nóng “bức tử” đồng ruộng, vụ đông mưa lũ kéo dài, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất của địa phương. Riêng gia đình bà, hai đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã khiến 3 ha ngô bị hư hại trên 60%.
"Ngay sau khi đợt mưa lũ kết thúc, gia đình tôi đã huy động nhân lực, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tập trung gieo trỉa bổ sung những diện tích bị hư hại, đổ ngã. Hiện tại, gia đình đã khôi phục được 80% diện tích, nếu thời tiết những ngày tới nắng ấm, chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện 100% diện tích vụ đông”, bà Nhàn chia sẻ.
Việc gieo trỉa đúng thời vụ sẽ hạn chế được ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh, giúp cây ngô phát triển tốt và đạt năng suất cao. Trong ảnh: Gia đình ông Nguyễn Văn Nam (thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh) tập trung làm đất gieo trỉa 2 ha ngô vụ đông.
Ông Nguyễn Văn Nam ở thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh cho biết, vụ đông năm nay, gia đình ông canh tác hơn 2 ha ngô, tuy nhiên đợt mưa lũ kéo dài vừa qua khiến việc gieo trỉa bị gián đoạn nhiều lần.
"Tính đến thời điểm này, gia đình tôi đã làm đất lần thứ 3. Những lần trước, cứ làm xong là lại gặp mưa lớn kéo dài nên việc gieo trỉa gần như không thể thực hiện. Hiện tại, chúng tôi đang huy động nhân lực làm đất, chuẩn bị giống, phân bón để trong những ngày tới sẽ dồn lực phủ kín diện tích ngô theo đúng kế hoạch”.
Cũng theo ông Nam, vụ đông năm ngoái, nhờ gieo trỉa đúng thời vụ, chăm sóc tốt nên diện tích ngô của ông cho năng suất cao, đạt gần 4 tấn/ha.
Để đảm bảo tiến độ sản xuất và lịch thời vụ, người dân Vũ Quang đang gấp rút xuống đồng để hoàn thành diện tích gieo trỉa.
Không chỉ gia đình ông Nam mà 100% hộ dân ở các vùng sản xuất tập trung như Quang Thọ, Đức Hương.... cũng đều đang “chạy đua” với thời tiết, huy động máy móc, nhân lực, tranh thủ những lúc trời nắng ấm để làm đất, gieo trỉa đảm bảo khung lịch thời vụ.
Người dân thôn 6 (xã Quang Thọ) tập trung làm đất sau khi đợt mưa lũ kéo dài vừa qua kết thúc.
Ông Nguyễn Võ Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho biết: “Để đảm bảo vụ mùa thắng lợi, chính quyền địa phương đang tập trung đôn đốc, chỉ đạo người dân tranh thủ thời tiết tập trung làm đất, lựa chọn các bộ giống thích hợp, tích cực bám đồng để thực hiện sản xuất theo đúng lịch thời vụ. Đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc ngô để hạn chế thiệt hại do thời tiết bất thường gây ra".
Cũng theo ông Thịnh, vụ đông năm nay, toàn xã gieo trỉa 70 ha, hiện đã hoàn thiện được 30 ha, phấn đấu đến ngày 20/11 sẽ hoàn thành theo đúng lịch thời vụ.
Đối với những diện tích ngô không bị hư hại, người dân tập trung vun gốc, làm cỏ, bón phân để ngô sinh trưởng tốt. Trong ảnh: Cánh đồng ngô ở thôn 1 (xã Ân Phú) được người dân vun gốc sau mưa lũ.
Theo số liệu tổng hợp, đến thời điểm này, toàn huyện Vũ Quang đã gieo trỉa được 230, đạt hơn 50% kế hoạch sản xuất vụ đông, trong đó ngô lấy hạt đạt 150 ha, ngô sinh khối 80 ha; những diện tích trồng sớm đã đạt 5-7 lá. Tuy nhiên, đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã khiến gần 200 ha ngô bị hư hại, đổ gãy.
Ông Nguyễn Trường Thọ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết: “Vụ đông năm nay, toàn huyện phấn đấu xuống giống 450 ha ngô. Để kịp thời vụ và đảm bảo vụ mùa bội thu, ngay khi mưa lũ kết thúc, phòng đã chỉ đạo các địa phương tập trung hướng dẫn người dân tranh thủ thời tiết, tập trung ra đồng gieo trỉa ngô vụ đông, quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất trước ngày 20/11/2020.
Đặc biệt, Phòng NN&PTNT đã hỗ trợ các địa phương 700 kg ngô giống để người dân kịp thời khôi phục những diện tích bị mưa lũ làm hư hại".
Một số diện tích ngô ở xã Ân Phú gieo trỉa sớm đã phát triển 5-7 lá.
Cũng theo ông Thọ, về cơ cấu giống ngô lấy hạt, Phòng NN&PTNT đã hướng dẫn các xã gieo trỉa các giống cho năng suất cao như: P4199, CP3Q, CP111, CP511, PAC669, PAC558, NK7328, NK4300...
Đối với ngô sinh khối thì khuyến cáo bà con nên ưu tiên lựa chọn những nhóm giống sinh trưởng khỏe, thân lá phát triển mạnh, khối lượng chất xanh cao, từ gieo đến thu hoạch 80-85 ngày như: P4199, NK7328, NK4300, VN5885.