17 cụ ông Hà Tĩnh tự nguyện trồng cây đa cho làng vì... nhớ “hồn xưa”!

(Baohatinh.vn) - Không chọn một loại cây nào khác để tạo cảnh quan mà là cây đa, bởi theo các cụ cao niên trong tổ tình nguyện trồng cây ở phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), cây đa là “hồn quê làng Việt”.

17 cụ ông Hà Tĩnh tự nguyện trồng cây đa cho làng vì... nhớ “hồn xưa”!

Những cây đa đầu làng được các cụ ở tổ tình nguyện trồng cây phường Đậu Liêu trồng lại đang trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa của bà con nhân dân. (Trong ảnh: Cây đa ở khối phố 7, phường Đậu Liêu)

Cụ Phan Đa (84 tuổi, khu phố 3, phường Đậu Liêu) tổ trưởng, tổ tình nguyện trồng cây cho biết: “Trước đây, làng Đậu Liêu (nay là phường Đậu Liêu - PV) có khoảng vài chục cây đa trăm tuổi. Nhiều cây đa nổi tiếng gắn liền với câu chuyện lịch sử, văn hóa không chỉ trong tỉnh mà cả nước như cây đa Điếm Mọ, cây đa chợ Treo, cây đa đền Bùi Cầm Hổ…

Hình ảnh cây đa giếng nước đầu làng đã đi vào tuổi thơ của chúng tôi với những ký ức lịch sử của làng, chứng nhân thăng trầm của đất nước. Nhưng nay, những cây đa cổ thụ ấy đã không còn. Vì thế, tôi rất khát khao phục hồi lại chúng”.

17 cụ ông Hà Tĩnh tự nguyện trồng cây đa cho làng vì... nhớ “hồn xưa”!

Cụ Phan Đa (84 tuổi, khối phố 3, phường Đậu Liêu) - người khởi xướng thành lập tổ tình nguyện trồng cây đa phục hồi nét đẹp truyền thống

Được biết, ý tưởng trồng lại những cây đa làng được cụ Phan Đa ấp ủ từ những năm còn làm hiệu trưởng một trường học ở thành phố Uông Bí (Quảng Ninh). Phải đợi đến lúc nghỉ hưu trở về quê, cụ mới bắt đầu thực hiện.

Vào khoảng năm 2009, cụ Đa một mình lặn lội khắp nơi “săn” những cây đa con về ươm và trồng lên những cồn đất hoang ngoài rìa làng. Nhưng, kết quả không được như kỳ vọng. Cây thì bị trâu, bò thả rông phá hại, cây thì bị kẻ xấu đào trộm…

Buồn bã, cụ Đa đem chuyện tâm sự với các bạn cao niên trong làng. Ông Trần Trọng Phúc (71 tuổi, khối phố 3, phường Đậu Liêu) cho biết: “Từ nhỏ, chúng tôi đã lớn lên dưới gốc đa làng, thường nghe ông bà, cha mẹ kể về những giai thoại lịch sử gắn liền với mỗi cây đa. Vì thế, khi nghe ông Đa trình bày ý tưởng, chúng tôi tán thành ngay”.

Ngay sau đó, ý tưởng thành lập một tổ trồng cây tình nguyện của người cao tuổi đã hình thành.

17 cụ ông Hà Tĩnh tự nguyện trồng cây đa cho làng vì... nhớ “hồn xưa”!

Tháng 8/1945, nhà sử học Trần Huy Liệu, trên đường vào kinh đô Huế nhận nhiệm vụ chấp nhận sự thoái vị và nhận ấn tín của vua Bảo Đại, đã dừng lại tại cây đa Điếm Mọ (phường Đậu Liêu) diễn thuyết cho nhân dân. (Trong ảnh: từ trái qua, ông Lê Văn Tuệ, Trần Trọng Phúc, Phan Đa bên gốc đa Điếm Mọ cũ đã chết và cây đa mới trồng lại phía sau).

Sau nhiều suy tính, nhóm đã giao nhiệm vụ cho cụ Phan Đa viết thư ngỏ kèm theo tờ trình về nội dung thành lập tổ lên UBND phường.

Trong lúc chờ đợi, 3 thành viên trong tổ chia nhau đi vận động các cụ cao tuổi khác cùng tham gia. Hiểu được nhiệt tình và tình yêu cho việc phục dựng, bảo tồn giá trị văn hóa của làng, chính quyền, các đoàn thể phường và các bậc cao niên ủng hộ.

Tổ không chỉ nhận được sự ủng hộ về mặt tinh thần mà còn nhận được đóng góp tích cực của bà con, nhất là con em xa quê.

17 cụ ông Hà Tĩnh tự nguyện trồng cây đa cho làng vì... nhớ “hồn xưa”!

Sắp tới, tổ tình nguyện trồng cây của các cụ cao tuổi phường Đậu Liêu sẽ tiếp tục trồng lại và trồng mới cây đa ở những vị trí công cộng khắp phường. (Trong ảnh: vườn ươm của tổ được chính quyền cấp đất).

Đến nay, sau 6 năm với 17 thành viên, các cụ ở tổ tình nguyện trồng cây phường Đậu Liêu đã huy động được hơn 50 triệu đồng tiền mua cây giống, trồng được 19 cây đa và nhiều cây có giá trị văn hóa khác ở khắp các khu phố trong phường.

Đặc biệt, tại vị trí cây đa cũ ở nhiều địa danh lịch sử, văn hóa như Điếm Mọ, Chợ Treo… đã được trồng lại. Nhiều cây đa được các gia đình ở gần nhận chăm sóc, đang phát triển tươi tốt trở thành địa chỉ sinh hoạt vui chơi của người dân.

17 cụ ông Hà Tĩnh tự nguyện trồng cây đa cho làng vì... nhớ “hồn xưa”!

"Cây đa đầu làng là một biểu tượng của làng quê hồn Việt" (Trong ảnh: Một cây đa ở xã Hồng Lộc - Lộc Hà những năm 1990).

Cụ Phan Đa cho biết: Hiện nay, nhiều cây đa khác do các cụ mua hoặc được người khác tặng đang được ươm tại vườn ươm do chính quyền cấp đất. Tới đây, tổ sẽ trồng tại những vị trí công cộng ở tất cả các khu phố, các làng trước đây từng có cây đa…

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast