CCB huyện Kỳ Anh tay trắng biến đất hoang thành “vàng”

(Baohatinh.vn) - Từ hai bàn tay trắng, sau bao năm cần mẫn “lấy ngắn nuôi dài”, CCB Trần Văn Phúc (1960) ở xã Kỳ Bắc (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã biến vùng đất hoang hóa thành nơi hái ra tiền tỷ mỗi năm.

Năm 1986, sau 6 năm tham gia quân đội, xuất ngũ trở về quê với hai bàn tay trắng, CCB Trần Văn Phúc đã trăn trở, lăn lộn với nhiều thứ nghề, nhiều lĩnh vực để phát triển kinh tế gia đình. Với sức khỏe và nghị lực của một CCB, anh đã thành công trong việc nâng dần quy mô phát triển kinh tế gia đình bằng hình thức “lấy ngắn nuôi dài”.

“Nuôi vịt đẻ là cách kiếm sống đầu tiên của vợ chồng tôi và cũng chính là những viên gạch đầu tiên để tôi từng bước có được cơ ngơi sau này. Ngày đó, còn ít người nuôi vịt nên thu nhập từ vịt lấy trứng rất cao” - Anh Phúc cho biết.

CCB huyện Kỳ Anh tay trắng biến đất hoang thành “vàng”

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của CCB Trần Văn Phúc, hiện là một trong các mô hình kinh tế cho thu nhập cao ở huyện Kỳ Anh

Với đàn vịt trên từ 2 - 3 nghìn con, nhờ chịu khó và biết tìm tòi, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, ấp trứng, đàn vịt đem lại cho anh thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.

Khi có nguồn vốn kha khá, anh bắt đầu đầu tư mua sắm các loại máy nông cụ như: máy cày các loại, máy tuốt lúa để chuyển sang làm làm thuê. Ngày đó, máy móc, nông cụ còn hiếm nên địa bàn hoạt động của anh không chỉ trong xã, mà còn vươn ra nhiều địa phương trong và ngoài huyện.

Không chỉ cho thu nhập cao, nhờ có máy móc trong tay, anh đã khai khẩn, cải tạo được nhiều diện tích đất hoang hóa trên địa bàn xã để sản xuất nâng cao thu nhập.

Năm 2002, anh Trần Văn Phúc chính thức trở thành ông chủ trang trại khi gia đình nhận thầu gần 4 ha đất thấp trũng hoang hóa ở thôn 6, xã Kỳ Bắc để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp.

CCB huyện Kỳ Anh tay trắng biến đất hoang thành “vàng”

Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Phúc đã phải trải qua không ít khó khăn

Sau gần 1 năm bỏ ra hàng tỷ đồng thuê máy móc, kỹ thuật, nhân công tiến hành cải tạo đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, tập trung đầu tư xây dựng cơ nghiệp, gia đình đã có một khu trang trại rộng rãi, bề thế, sản xuất đa lĩnh vực và cho thu nhập cao.

Với 2 ha ao nuôi cá, từ chỗ nuôi các loại cá truyền thống như: cá chép, cá trắm, anh từng bước mở rộng thả nuôi thêm nhiều loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như: cá diêu hồng, cá leo, cá chim trắng…

CCB huyện Kỳ Anh tay trắng biến đất hoang thành “vàng”

Nhờ được đầu tư nuôi theo hướng bán thâm canh, các loại vật nuôi của anh phát triển nhanh và ít dịch bệnh

3 năm gần đây, các ao cá của anh đều được đầu tư hệ thống máy sục nước tạo ô xi. Để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, anh đã mày mò tìm hiểu và làm chủ quy trình kỹ thuật chăm sóc, đồng thời học hỏi và chế thành công men vi sinh để ủ thức ăn cho cá.

Vì vậy cá của anh hạn chế tối đa hao hụt sau thả nuôi và phát triển nhanh, trọng lượng đều. Tổng sản lượng cá hàng năm của anh đạt từ 15 - 16 tấn, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng.

Video: Cá diêu hồng của anh Phúc dự kiến sẽ xuất bán trong dịp Tết Tân Sửu với trọng lượng đạt từ 1 - 1,2kg/con

Cùng với ao cá, trang trại còn duy trì 1 - 2 nghìn con vịt đẻ, gà đẻ và một số vật nuôi khác với doanh thu trên 500 triệu đồng. Tổng doanh thu của trang trại hiện nay đạt trên 1,5 tỷ đồng/năm; lợi nhuận đạt trên 500 triệu đồng/năm.

Có điều kiện về kinh tế, hàng năm ngoài việc tham gia tích cực vào các phong trào, các cuộc vận động, gia đình anh Phúc còn đóng góp hàng chục triệu đồng giúp địa phương xây dựng NTM. Anh cũng là hội viên tích cực và có nhiều đóng góp trong hoạt động của tổ chức Hội doanh nhân CCB huyện Kỳ Anh.

CCB huyện Kỳ Anh tay trắng biến đất hoang thành “vàng”

Trong quá trình phát triển sản xuất, anh Phúc luôn có sự đồng hành hỗ trợ của Hội CCB xã.....

Hiện nay anh Phúc vừa mới thả nuôi lứa chồn hôi 300 con đầu tiên. Thời gian tới anh đang chuẩn bị kết nối để thả nuôi khoảng 3.000 con gà ri giống mới, hiện đang được ưa chuộng trên thị trường.

Anh cũng cho biết, sắp tới gia đình sẽ đầu tư bê tông hóa hệ thống bờ bao của các ao nuôi cá; đồng thời triển khai xây dựng lại hệ thống chuồng trại để nâng cao một bước quy mô sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

CCB huyện Kỳ Anh tay trắng biến đất hoang thành “vàng”

... và Hội Doanh nhân CCB huyện Kỳ Anh

Ông Trần Đài Loan, Chủ tịch Hội CCB xã Kỳ Bắc phấn khởi cho biết: “Tổ chức Hội CCB xã Kỳ Bắc đánh giá rất cao sự đóng góp tích cực của hội viên Trần Văn Phúc trong đóng góp cho phong trào phát triển kinh tế của địa phương cũng như các phong trào của Hội.

Nhờ có sức khỏe, dám nghĩ dám làm và đặc biệt là có nghị lực vượt khó của anh bộ đội Cụ Hồ, từ hai bàn tay trắng, CCB Trần Văn Phúc đã vươn lên biến đất đai hoang hóa trở thành đất “vàng”, cho hiệu quả kinh tế vượt trội”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast