Hương ước làng ở Hà Tĩnh, từ văn bản đến thực tiễn

(Baohatinh.vn) - Ra đời cách đây hàng trăm năm, ngày nay, hương ước làng đang được các cấp chính quyền ở Hà Tĩnh khôi phục lại, bổ sung các nội dung phù hợp với bối cảnh mới để ứng dụng vào thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa tại các địa phương.

Tích cực khôi phục hương ước, quy ước

Các nghiên cứu chưa có sự khẳng định chính xác thời điểm ra đời của hương ước tại các làng, thôn ở Việt Nam nhưng qua những thư tịch cổ cho thấy, vào triều đại vua Lê Thánh Tông (1442-1497), triều đình đã ra sắc lệnh thể chế hóa hương ước. Bộ luật Hồng Đức đã ghi lại chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông về việc biên soạn và thi hành hương ước.

Hương ước làng ở Hà Tĩnh, từ văn bản đến thực tiễn

Một bản hương ước có từ thời Nhà Nguyễn được Bảo tàng Hà Tĩnh sưu tầm ở xã Thiên Lộc (Can Lộc).

Từ xưa, hương ước đã có một vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân cư ở các làng, thôn Việt Nam nói chung. Trong đó, dưới thời phong kiến, hương ước được xem là những luật lệ của làng, thực hiện song song với luật pháp của Nhà nước. Ở Hà Tĩnh, hương ước cũng ra đời từ rất sớm, có nhiều văn bản về hương ước các làng xã hàng trăm năm tuổi, hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Hà Tĩnh.

Sau Cách mạng tháng Tám, hương ước bị bãi bỏ như một sản phẩm văn hóa cổ hủ của chế độ cũ. Tuy nhiên, năm 1958, khi tiếp và trò chuyện với đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã đề cập đến vấn đề quan tâm hương ước như một loại di sản văn hóa tích cực của làng xã và giải thích: “Hương ước là những khoán ước trong làng, người ta quy định với nhau không để trâu bò phá hoại lúa, gà qué ăn rau, mạ, không được trộm cắp của nhau. Đó là những phong tục đẹp trong nông thôn nước ta trước đây. Từ sau cách mạng, các chú bỏ hết tất cả, thế là không đúng. Cách mạng chỉ xóa đi cái dở, cái xấu, còn cái tốt, cái hay cần giữ gìn và phát huy chứ”.

Hương ước làng ở Hà Tĩnh, từ văn bản đến thực tiễn

Bác Hồ thăm Viện Bảo tàng Việt Bắc (năm 1964). Ảnh tư liệu

Trải qua thời gian dài của các cuộc chiến tranh, tái thiết đất nước nên việc khôi phục lại di sản văn hóa này chưa thực hiện được. Mãi đến năm 1993, vấn đề hương ước mới được Đảng, Nhà nước ta đề cập và chỉ đạo phục hồi.

Tại Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa VII) ngày 10/6/1993 về tiếp tục đổi mới và phát triển KT-XH ở nông thôn đã đề ra nhiệm vụ: “Phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp, thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, phát huy tình làng nghĩa xóm, khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước về nếp sống văn minh thôn, xã”.

Hương ước làng ở Hà Tĩnh, từ văn bản đến thực tiễn

Nhà văn hóa cộng đồng góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Trong ảnh: Người dân vui chơi tại Nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ thôn Phan Chu Trinh (xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên).

Từ đó đến nay, đã có nhiều văn bản hướng dẫn về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, trong đó, văn bản pháp quy mới nhất của Chính phủ là Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Văn bản này nêu rõ: “Hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận”.

Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-UBND ngày 29/7/2021 về định hướng xây dựng hương ước trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 19/2022/QĐ-UBND ngày 15/7/2022 bổ sung tại điểm a, khoản 1, Điều 2 Quyết định số 33 về quy định, định hướng nội dung hương ước, quy ước thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg; thông qua Đề án tăng cường thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Hương ước làng ở Hà Tĩnh, từ văn bản đến thực tiễn

Nhiều địa phương Hà Tĩnh đã xây dựng hương ước thành công và áp dụng vào đời sống ở các thôn, tổ dân phố. Trong ảnh: Bộ hương ước của 5 thôn ở xã Thạch Văn (Thạch Hà).

Đến nay, toàn tỉnh đã có tổng số 1.817/1.977 thôn, tổ dân phố được thẩm định, phê duyệt hương ước, quy ước theo Quyết định 22/2018/QĐ-TTg, đạt 92%. Một số địa phương đi đầu trong khôi phục, thực hiện hương ước thành công, như: Thạch Hà 206/206 thôn, tổ dân phố có hương ước; Cẩm Xuyên 203/203 thôn; Nghi Xuân 175/175 thôn; Đức Thọ 155/155 thôn...

Đưa hương ước, quy ước vào cuộc sống

Việc thực hiện hương ước, quy ước kết hợp với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng NTM ở Hà Tĩnh đã mang lại hiệu quả tích cực trong đời sống ở nông thôn, góp phần hạn chế, loại bỏ các tập tục lạc hậu, đồng thời phát huy những truyền thống tốt đẹp và hình thành các giá trị văn hóa mới.

Hương ước làng ở Hà Tĩnh, từ văn bản đến thực tiễn

Vẻ khang trang, sạch đẹp của khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Tân Văn (Thạch Văn, Thạch Hà).

Ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Thạch Văn (Thạch Hà) cho biết: “Ngay khi có văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành, chúng tôi đã tổ chức các cuộc họp, quán triệt đến đội ngũ cán bộ xã, thôn về thực hiện khôi phục, xây dựng hương ước, đồng thời tiến hành thành lập ban chỉ đạo, tổ tư vấn tại các thôn. Đến đầu năm 2019, đã có 5/5 thôn thực hiện thành công việc kiện toàn hương ước và được UBND huyện thông qua quyết định ban hành”.

Sau khi hương ước các thôn được cơ quan chức năng thông qua, UBND xã Thạch Văn đã tiến hành công tác tuyên truyền để người dân thực hiện. Đến nay, sau 4 năm triển khai, hương ước đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp đời sống văn hóa của địa phương ngày một tốt đẹp hơn.

Hương ước làng ở Hà Tĩnh, từ văn bản đến thực tiễn

Hương ước giúp người dân xã Thạch Văn tăng tình đoàn kết, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Bà Lê Thị Lan (70 tuổi, thôn Nam Văn, xã Thạch Văn) cho biết: “Từ khi thực hiện hương ước, đời sống văn hóa của người dân thôn chúng tôi đã thay đổi rõ rệt. Rất nhiều tệ nạn, hủ tục được bài trừ, như: cờ bạc, rượu chè, bạo hành gia đình, nói tục… Các đám cưới, đám tang, đám giỗ tổ chức gọn nhẹ, văn minh, tiết kiệm, không mở loa đài gây ồn ào, không thả rông trâu bò phá hại cảnh quan, vườn tược.

Đặc biệt, nhờ thực hiện hương ước, tình làng nghĩa xóm trở nên gắn kết hơn, tất cả mọi người đều cùng nâng cao tinh thần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chung tay xây dựng các tiêu chí NTM…”.

Hương ước làng ở Hà Tĩnh, từ văn bản đến thực tiễn

Hương ước cũng góp phần vun đắp các mối quan hệ tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng.

Nhiều năm qua, nhờ xây dựng thành công hương ước và áp dụng vào thực tiễn, xã Xuân Viên (Nghi Xuân) đã khơi dậy được sức mạnh đoàn kết, thi đua của Nhân dân trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng NTM. Bắt đầu tiến hành xây dựng NTM vào năm 2012 với xuất phát điểm gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, đến năm 2014, Xuân Viên đã về đích và năm 2019 được công nhận xã NTM nâng cao. Hiện, xã đang phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu vào năm 2023.

Hương ước làng ở Hà Tĩnh, từ văn bản đến thực tiễn

Sớm đưa hương ước vào xây dựng nông thôn mới, thôn Khang Thịnh (Xuân Viên, Nghi Xuân) trở thành 1 trong những thôn đầu tiên của tỉnh thí điểm xây dựng khu dân cư thông minh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Viên cho biết: “Có được những thành công trong phong trào xây dựng NTM là nhờ sớm triển khai việc xây dựng và áp dụng hương ước vào đời sống. Từ cuối năm 2018, ngay khi có các văn bản chỉ đạo của tỉnh và huyện, 7/7 thôn của xã đã tiến hành kiện toàn lại hương ước đáp ứng các tiêu chí mới, đồng thời sau khi được phê duyệt, tất cả các thôn đều thực hiện nghiêm. Hương ước đã giúp địa phương chúng tôi khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực trong toàn thể Nhân dân, thực hiện các phong trào”.

Cần sớm khắc phục các tồn tại

Bên cạnh những thành công, việc khôi phục, xây dựng và đưa hương ước vào đời sống vẫn còn nhiều hạn chế. Nội dung một số hương ước được xây dựng sơ sài, quy định chung chung; có hương ước còn lặp lại các quy định của pháp luật một cách không cần thiết.

Dù gần 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã xây dựng hương ước nhưng việc tuyên truyền, triển khai thực hiện có nơi còn hời hợt; hương ước chỉ mang tính tự nguyện dẫn đến nhiều hộ chưa nghiêm túc thực hiện. Nhiều địa phương dù đã xây dựng, triển khai thực hiện hương ước nhưng các tập quán, nếp sống còn thiếu văn minh như: tình trạng trâu bò thả rông phá hại hoa màu, cây cối; nhiều nơi tổ chức ma chay, cưới hỏi còn rườm rà, lãng phí; nhiều hộ hát karaoke mở âm thanh lớn vào những giờ cao điểm; ô nhiễm môi trường ở khu dân cư; săn bắt động vật hoang dã…

Hương ước làng ở Hà Tĩnh, từ văn bản đến thực tiễn

Dù đã xây dựng hương ước nhưng một số địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm. Trong ảnh: Tình trạng trâu bò thả rông trên đường gây ảnh hưởng giao thông, phá hại cây xanh vẫn còn diễn ra thường xuyên ở xã Hộ Độ (Lộc Hà).

Bà Nguyễn Thị Hệ - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VH-TT&DL) cho biết: “Để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở, Sở VH-TT&DL đã có văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, rà soát việc xây dựng, thực hiện hương ước, đảm bảo các nguyên tắc. Gắn việc thực hiện hương ước vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng NTM, đô thị văn minh trên địa bàn toàn tỉnh; chỉ đạo các địa phương tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ xây dựng hương ước, nhằm nâng cao chất lượng và quy chuẩn phù hợp cho loại văn bản này.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm hương ước; các địa phương hằng năm cần tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện hương ước để kịp thời khắc phục hạn chế cũng như khen thưởng cá nhân, tập thể thực hiện tốt hương ước tại địa phương mình”.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast