Thiên Tượng - một cõi đi về

(Baohatinh.vn) - Núi Hồng - sông La là miền non thiêng thủy tú của Hoan Châu xưa và Hà Tĩnh ngày nay. Thuở trước, khi con đường thiên lý Bắc Nam chạy sát dưới chân Hồng Lĩnh, khách bộ hành và cư dân ngẩng nhìn mái Tây Hồng Sơn, thấy uy nghi đá dựng. Có hòn đá to lớn hình con voi phục, đầu ngoảnh về phương Nam nên gọi là Thiên Tượng (voi trời). Trên đỉnh Thiên Tượng có ngôi chùa cổ gọi cùng tên núi: Chùa Thiên Tượng.

Các thư tịch cổ đều chép về sự hiện diện của chùa Thiên Tượng gắn với phong thổ của miền Quỳnh Lãng - Bầu Xá xưa (tức phường Trung Lương - thị xã Hồng Lĩnh ngày nay). Các sách “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”, “Đại Nam nhất thống chí” đều ghi rằng: “Chùa được dựng từ thời Trần. Phạm Sư Mạnh khi giữ chức chuyển vận sứ Nghệ An từng đến thăm chùa, để lại bài “Sơn hành” (đi trong núi).

Thuở ấy, Nghệ An - Hà Tĩnh (Hoan Châu) vốn là cương vực của Đại Việt đến tận Hoành Sơn. Như vậy, chùa Thiên Tượng đến nay đã có trên 600 năm tồn tại. Vì rằng, thời Lý - Trần khi Phật giáo trở thành quốc giáo thì hệ thống chùa chiền được khởi dựng khắp nơi trên lãnh thổ Đại Việt. Hơn nữa, Thiên Tượng là thắng cảnh trên đỉnh Hồng Lĩnh.

Thiên Tượng - một cõi đi về

Đường lên chùa Thiên Tượng (Ảnh: Internet)

Theo sách “Thiên Lộc phong thổ ký” thì Thiên Tượng là một trong 7 đỉnh cao nhất dãy Hồng Lĩnh. Sách này chép: “Chùa Thiên Tượng trên núi Thiên Tượng thuộc xã Quỳnh Lâm. Đằng trước có hồ lớn, có khe suối chảy vào hồ, cảnh trí thật u nhã. Đây là danh thắng trong dãy Hồng Lĩnh”. Từ năm 1885, chùa đã bị cháy, đến năm 1901, Quan tổng đốc Nghệ An là Đào Tấn đã cho trùng tu lại. Với độ cao chừng 350m, nằm nơi mái Tây Hồng Lĩnh, sát con đường thiên lý, lại là thắng tích nên chùa Thiên Tượng từng là chốn dừng chân của bao bậc chân tu, chân nhân vác đãy càn khôn, ôm bầu thế sự mà tu hành, thưởng ngoạn trên bước vân du. Họ cắm tích trượng lưu trú nơi chốn Già Lam, để lại chứng tích cho ngôi chùa và cả trong lịch sử Phật giáo.

Sách “Phong thổ ký Can Lộc” viết rằng: “Phả tự chùa Bút Tháp ở Thuận Thành - Bắc Ninh, buổi Trung Hưng đời Lê có thiền sư Thuyết Công từ nước Trung Hoa thuộc phái Thiền Lâm Tế sang Đại Việt khoảng thế kỷ XVII cùng hai môn đệ là Minh Hành, Minh Lương vào Thuận Hóa (Huế) bằng đường biển. Sau một thời gian thực thi Phật pháp, ngài theo đường thiên lý (đường 1A ngày nay) ra Bắc. Qua Hồng Lĩnh, thấy cảnh thanh u, ngài bèn cắm tích trượng ở đó, đặt tên chùa Thiên Tượng, là hạt giống đầu tiên trên đất Nghệ An. Ở lại Thiên Tượng 3 năm, ngài giáo huấn nhiều môn đồ rồi giao lại trụ trì cho Minh Hành mà vân du ra Bắc. Hiện còn nhục thể của ngài tại chùa Phật Tích”.

Như vậy, khi Thuyết Công thiền sư mang Phật pháp Thiền Lâm tế đến mái chùa Thiên Tượng thì trước đó, sự tồn tại của một ngôi cổ tự đã được nhắc đến trên bản đồ Phật giáo nước Việt và cả trong tâm thức người đương thời. Thời điểm lịch sử khoảng năm 1630 là lúc Lê Triều suy vi, nhà Mạc tiếm ngôi, đất nước ly loạn trong cuộc chiến Nam - Bắc triều kéo dài mấy chục năm nên việc các nhà tu hành, các môn đồ đạo hữu và tao nhân mặc khách tìm chốn lâm truyền có cảnh sắc thâm sơn tùng trúc để tránh sự nhiễu nhương thế cuộc là điều tất yếu. Nhiều sử sách cũng ghi lại sự kiện năm Ất Dậu 1885 với cuộc biến loạn kinh thành Huế, Vua Hàm Nghi xuất bôn kêu gọi Cần Vương thì đỉnh Thiên Tượng xuất hiện cờ nghĩa.

Vùng Quỳnh Lâm - Bân Xá vốn là làng rèn nổi tiếng nên nhiều nghĩa binh đã theo tướng Cao Thắng trong cuộc ứng nghĩa của cụ Phan Đình Phùng tại căn cứ Vũ Quang, Hương Khê để rèn đúc vũ khí, súng trường chống giặc. Cũng năm ấy, chùa Thiên Tượng bị đốt cháy hoàn toàn. Cơn binh hỏa tàn khốc thiêu đốt thực thể ngôi chùa, gây cảnh tang thương biến cải. Mãi đến năm 1901, khi lên vãn cảnh Thiên Tượng, Tổng đốc An Tĩnh Đào Tấn mới cảm khái viết rằng:

“Phật đổ chùa nghiêng tòa tam bảo

Hương tàn khói lạnh vị chúng sinh”

Và ông khắc khoải nỗi niềm phục dựng:

“Cây Hồng ráng biếc gửi mô

Ai người gây dựng lại chùa này đây”.

Với tâm huyết của một người trân trọng quá khứ, bởi Đào Tấn là tổ sư nghề tuồng Bình Định, vị nghĩa Phật tử, ông đã cho dựng lại Thiên Tượng tự vào năm 1901, tức năm Thành Thái thứ 13 cách đây gần 120 năm. Điều dễ nhận biết là kiến trúc cổ còn lại của chùa Thiên Tượng là phần thượng tịnh có kết cấu mái vòm vững chãi. Mặt tiền thượng tịnh chừng 10m, cao 6m, được chia 3 phần bằng cửa vòm với tường xây 0,45 cm tạo nên sự vững chãi khá nguyên vẹn trước thời gian. Mặt giữa uyển chuyển, 3 chữ “Thiên Tượng tự” như vút lên giữa thanh thiên.

Đặc biệt, trong khuôn viên chùa còn lưu giữ nhiều tháp cổ vốn là tháp mộ của các nhà tu hành khi viên tịch. Mé Tây có Lưu Đức Tháp và Thạch Sơn Tháp.

Thạch Sơn Tháp cũng là một kiến trúc cổ, nhiều tầng với nét hoa văn, phù điêu trang trí đậm nét trang nghiêm, tỏ sự tôn kính với các bậc cao tăng khi đã được hoằng hóa.

Trên nền cũ bị tàn phá bởi hỏa hoạn và hợp tự, hạ tịnh được tạo dựng đường bệ vững chãi. Bên cạnh là tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát với thiện nguyện: Đạo pháp sáng ngời cùng đất nước/ Tâm từ còn mãi với non sông.

Thể hiện ước vọng chấn hưng mạnh mẽ nét đẹp ngôi cổ tự được lưu danh sử sách và luôn hiện diện trong tâm hồn bao thế hệ người đời. Khuôn viên chùa Thiên Tượng với các cụm kiến trúc như nhà tổ sư Đạt Ma, nhà tăng, tháp chuông mé Tây và tượng phật Di Lạc tạo nên nét hài hòa cân đối, mang dấu ấn của lâm tuyền một cõi. Với thế “tả hữu lưỡng long”, hai ngọn suối bên mái chùa Thiên Tượng càng làm thêm vẻ hoang sơ khi tung bọt trắng xóa dưới rừng cây cổ thụ.

Thiên Tượng - một cõi đi về

Lầu chuông của chùa Thiên Tượng (Ảnh: Internet).

Thế kỷ XVIII, Bá hộ Nguyễn Văn Cơ - một người du sơn ngoạn thủy, khi đặt chân đến chùa Thiên Tượng cũng để lại bút tích của mình:

Nối tiếp nhau, gót chân của các danh nhân sĩ tử còn in trên từng bậc thang mây mà lên Thiên Tượng như Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, Trần Sỹ Dực…

Ngày nay, từ đường cái quan nhìn lên đã thấy thấp thoáng kiến trúc chùa Thiên Tượng ẩn hiện sau voi trời trầm mặc. Con đường “từng bậc thang mây lên đỉnh non Hồng nơi mái Tây” ngày xưa chỉ còn là dấu tích và câu ca:

“Ăn trầu nhớ miếng cau khô

Trèo lên Thiên Tượng nhớ cô bán hàng”

Chùa Thiên Tượng được phục hưng mạnh mẽ vì giá trị chân thiện mỹ từ ngôi tam bảo luôn phát sáng giữa đời thường, ảnh hưởng sâu sắc và bền vững đến đời sống thường nhật của con người. Những biến thiên từ thế cuộc đều vọng tới cửa thiền. Đến nay, người Vân Chàng - Bân Xá vẫn truyền miệng câu ca:

“Sớm chồng mà lại muộn con

Trèo lên Thiên Tượng đã mòn gót chân”.

Tìm về chốn tịnh tâm, tìm về niềm thánh thiện giữa cuộc đời muôn mặt luôn là tâm ý của mọi thế hệ, mọi cuộc đời. Như là nét đẹp tâm hồn khi con người ta rủ bỏ mọi trần tục vướng bận về với sự bao dung của triết lý từ bi hỉ xả. Âu cũng là nhu cầu chính đáng theo dòng chảy cuộc đời.

Chùa và hồ Thiên Tượng đã là di tích danh thắng cấp quốc gia. Mái núi, mái chùa in mặt hồ trong như một tấm gương trời. Mỗi chiều, khi hoàng hôn đổ bóng, lại nghe khoan thai tiếng chuông chùa gửi một nét tao nhã vào mênh mông không gian, gửi một đức tin thánh thiện vào cuộc đời. Như bước sóng của con thuyền Bát Nhã mong có ngày đến bờ Giác Ngộ.

Chủ đề Điểm du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.