Sáng 9/11 vừa qua, xã Lâm Trung Thuỷ ra quân phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn.
Là huyện thuần nông, Đức Thọ xác định mũi đột phá trong sản xuất lúa là xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cơ cấu một loại giống có năng suất, chất lượng cao và đưa sản xuất lúa trở thành hàng hoá. Trước đây, Đức Thọ đã xây dựng thành công một số vùng sản xuất tập trung nhưng chưa thực hiện phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn.
Ông Nghiêm Sỹ Đông – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết, vụ xuân 2022, Đức Thọ tập trung chỉ đạo phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn với tổng diện tích trên 200 ha tại 4 xã: Bùi La Nhân (1.000 ô thửa nhỏ còn 73 thửa lớn), Lâm Trung Thủy (từ 653 ô thửa nhỏ còn 87 thửa lớn), Thanh Bình Thịnh (105 ô thửa nhỏ còn 10 thửa lớn), Trường Sơn (170 ô thửa nhỏ còn 10 thửa lớn).
Trên những ô thửa lớn này sẽ sản xuất cùng 1 loại giống, cùng quy trình canh tác, cùng liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Để khuyến khích, hỗ trợ người dân, Đức Thọ đã ban hành chính sách hỗ trợ cải tạo ruộng đồng 20 triệu đồng/ha.
Trên diện tích hơn 55 ha của 5 thôn ở xã Lâm Trung Thuỷ có 485 thửa, sau khi chuyển đổi lại còn 87 thửa, diện tích thửa từ 0,7 - 1,3 ha.
Thực hiện đề án sản xuất vụ xuân 2022 của huyện, xã Lâm Trung Thuỷ là địa phương tiên phong triển khai phá bờ thửa nhỏ với tổng diện tích hơn 55 ha trên địa bàn 5 thôn.
Ông Đinh Văn Nam – Bí thư Đảng uỷ xã Lâm Trung Thuỷ cho biết, trước đây, trên diện tích hơn 55 ha này có 485 thửa, đến nay, sau khi chuyển đổi lại còn 87 thửa, diện tích từ 0,7 - 1,3 ha/thửa. Ngoài chính sách của huyện, xã còn hỗ trợ vật liệu để xây dựng kênh mương, đường nội đồng và 50% giá giống. Vụ xuân 2022 này, địa phương sẽ sản xuất đồng nhất 1 loại giống chất lượng cao và sản xuất theo hướng hữu cơ.
Cùng với Lâm Trung Thuỷ, thời gian này, người dân xã Bùi La Nhân cũng đang tập trung ra đồng thực hiện phá bờ thửa, san lấp, cải tạo mặt bằng đồng ruộng. Vụ xuân 2022, địa phương đăng kí kế hoạch phá bờ thửa nhỏ với tổng diện tích 120 ha, chuyển đổi từ gần 1.000 ô thửa nhỏ xuống còn 73 thửa lớn. Chủ trương, kế hoạch đưa ra được bàn bạc công khai, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Vụ xuân 2022, xã Bùi La Nhân đăng kí kế hoạch phá bờ thửa nhỏ với tổng diện tích 120 ha
Những ngày này, trên xứ đồng của xã Bùi La Nhân cũng rộn ràng không khí làm đất phục vụ sản xuất cho vụ xuân sắp tới. Được biết, trong đợt phá bờ thửa này, địa phương đồng thời thực hiện việc dồn điền đổi thửa, tiến tới tích tụ ruộng đất.
Ông Phạm Hải Thăng – Trưởng thôn Phúc Lộc (xã Bùi La Nhân) cho biết, trước khi thực hiện phá bờ thửa, cán bộ thôn đã được đi tham quan tại Can Lộc, Cẩm Xuyên và nhận thấy chủ trương này là tiền đề để tổ chức sản xuất lúa hàng hoá; đặc biệt là rất thuận lợi trong việc cơ giới hoá trong khâu sản xuất, thu hoạch. Qua đó, việc tuyên truyền vận động người dân hiểu và đồng thuận rất nhanh.
Chỉ trong 2 ngày, toàn bộ diện tích 17 ha của thôn đã hoàn thành việc làm đất. Riêng gia đình tôi có 1 ha với 8 thửa nằm rải rác thì nay đã nằm 1 vùng liền nhau với 4 thửa lớn hơn".
Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Trần Quang Tuấn trực tiếp ra đồng chỉ đạo các địa phương ra quân phá bờ thửa nhỏ.
Cũng phấn khởi thực hiện chủ trương phá bờ thửa nhỏ, bà Lê Thị Hải (thôn Phúc Lộc, xã Bùi La Nhân) chia sẻ: “Gia đình tôi có 10 sào ruộng với 8 thửa ở 2 xứ đồng khác nhau, nay còn 4 thửa trên 1 xứ đồng. Qua đợt ra quân làm đất này chúng tôi đã thấy sự tiện lợi hơn hẳn trước đây khi cũng với diện tích đó, tôi phải mất 2 ngày mới làm đất xong, còn nay thì chỉ trong 1 buổi”.
Xã Thanh Bình Thịnh phá bỏ 105 thửa nhỏ hình thành 10 thửa lớn.
Cùng với 4 xã điểm: Lâm Trung Thủy, Bùi La Nhân, Thanh Bình Thịnh, Trường Sơn đang tích cực triển khai chủ trương phá bờ thửa nhỏ phấn đấu vượt kế hoạch đăng kí, trên cơ sở các khu vực có bình địa tương đồng tại các xã như: Yên Hồ, An Dũng, Liên Minh… cũng đang tích cực triển khai việc phá bờ thửa nhỏ.
Phá bờ thửa, hình thành những cánh đồng lớn gắn với chuyển đổi, tích tụ ruộng đất trên đồng ruộng Đức Thọ là bước khởi khởi đầu quan trọng, tạo tiền đề cho sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số vào sản xuất.