Năm 2023, xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà) là 1 trong 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Với phương châm “Xây dựng NTM không có điểm dừng”, trong 6 tháng đầu năm 2024, cán bộ, Nhân dân xã Thạch Châu đã tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có, nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, chú trọng phát triển kinh tế nông thôn.
Diện tích lúa vụ xuân đạt 120 ha, tăng 44 ha so với cùng kỳ; sản lượng đạt 720 tấn, tăng 1,8 tấn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chú trọng sản xuất nhiều loại cây trồng khác như: lạc (160 ha); khoai (13 ha); ngô (14 ha); rau, dưa, bí xanh (5 ha).
Ông Nguyễn Tiến Hùng (thôn Bằng Châu) cho biết: “Với 2.200 m2 diện tích trồng dưa lưới, dưa lê, hằng năm, gia đình tôi thu hoạch khoảng 1,7 – 1,8 tấn dưa/vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 50 – 55 triệu đồng/vụ. Gia đình tôi đang gieo trồng mùa vụ thứ 2 trong năm, kỳ vọng sẽ tiếp tục cho năng suất cao”.
Không chỉ có lĩnh vực trồng trọt, đối với lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn lợn tại xã Thạch Châu hiện có 360 con (kể cả lợn con xuất chuồng), tăng 40 con so với cùng kỳ năm 2023. Tổng đàn gia cầm có 20.000 con, tăng 2.000 con so với cùng kỳ năm 2023. Đơn vị cũng phát huy tối đa thế mạnh nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 82,39 ha, trong đó diện tích nuôi ngao đạt 67,16 ha, năng suất ước tính 4,2 tấn/ha, sản lượng 282,1 tấn; 15,23 ha nuôi tôm thẻ chân trắng vụ xuân năm 2024.
Ông Lê Văn Thông – Chủ tịch UBND xã Thạch Châu cho biết: “Khi đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chúng tôi xác định nhiệm vụ mới là nâng chất các tiêu chí. Bên cạnh các tiêu chí như văn hoá, giáo dục…, đơn vị còn đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế, tập trung chủ yếu vào việc cải tạo, xây dựng vườn hộ; hỗ trợ bà con tăng gia sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao như: dưa lưới nhà màng, nuôi tôm, ngao…”
Cũng theo ông Thông, trên toàn xã hiện có 62 doanh nghiệp, 36 mô hình sản xuất vừa và nhỏ, 2 mô hình sản xuất lớn, góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động, thu nhập đầu người đạt 56,3 triệu đồng/năm.
Tại huyện Cẩm Xuyên, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Cẩm Bình, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh cũng tận dụng tối đa tiềm năng để phát triển kinh tế nông thôn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, xã Cẩm Bình nỗ lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí mới ban hành. Theo đó, kinh tế tiếp tục phát triển, năng suất lúa bình quân vụ xuân đạt 64,4 tạ/ha.
Mô hình sản xuất lúa theo hướng lúa hữu cơ trên địa bàn thôn Bình Quang có diện tích 15,6 ha, năng suất ước đạt khoảng 3,3 tạ/sào. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/sào, cao hơn sản xuất truyền thống hơn 400.000 đồng/sào. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng cạn cao hơn so với cùng kỳ từ 3-5%; sản xuất trong vườn hộ đã có chuyển biến rõ nét gắn với phong trào xây dựng vườn mẫu và xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
Anh Trần Danh Giáp (thôn Đông Nam Lý, xã Cẩm Bình) - chủ mô hình kinh tế tổng hợp, chăn nuôi tuần hoàn, cho biết: “Với hơn 3 ha sản xuất theo hướng tuần hoàn khép kín, tôi nuôi 60 m2 giun quế, 15 – 20 con bò, 200 con gà, 1 ha ao hồ thả cá, hơn 3.000 ếch, trồng 4.000 m2 lúa hữu cơ, tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp để phát triển kinh tế. Với sự động viên, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, tôi đầu tư, mở rộng thêm nhiều hạng mục, năm 2023 thu về lợi nhuận khoảng 400 - 500 triệu đồng".
Nhằm phát huy tối đa hiệu quả kinh tế trên địa bàn, toàn bộ hệ thống chính trị và Nhân dân xã Cẩm Bình đã vào cuộc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch do Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh và địa phương ban hành. Song song với đó, đơn vị chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, nhằm củng cố, nâng cao các tiêu chí NTM kiểu mẫu. Việc duy trì, phát huy các nguồn lực sẵn có góp phần mang lại diện mạo mới cho quê hương xã Cẩm Bình, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn.
Ông Nguyễn Minh Duyệt – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi đang có kế hoạch xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp, thành lập thêm các tổ hợp tác, hợp tác xã có hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, phấn đấu đến cuối năm 2024, xây dựng ít nhất 10 vườn mẫu đạt chuẩn, xây dựng thương hiệu gạo Cẩm Bình đạt chuẩn OCOP”.
Với tinh thần xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng, không chủ quan, thoả mãn với kết quả đã đạt được, các đơn vị đạt chuẩn NTM kiểu mẫu luôn coi nhiệm vụ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung trọng tâm, cốt lõi. Sự chủ động của từng đơn vị trong việc tận dụng tối đa nguồn lực từ hệ thống vườn mẫu, các mô hình kinh tế, hợp tác xã… sẽ góp phần phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM tại Hà Tĩnh ngày càng đi vào chiều sâu.
Ông Dương Trường Giang - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: Các tiêu chí NTM sẽ không ngừng được nâng cấp, thay đổi theo từng giai đoạn, đặc biệt là tiêu chí thu nhập bình quân đầu người. Do vậy, việc phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân phải thường xuyên, liên tục, đó cũng là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị. Đối với các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, cần duy trì mức độ đạt chuẩn, cập nhật các yêu cầu theo bộ tiêu chí mới. Bên cạnh đó, dựa trên mức độ, khả năng của từng đơn vị, văn phòng NTM tỉnh sẽ định hướng xây dựng xã NTM thông minh hướng đến phát triển xã hội số, kinh tế số.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 15/181 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 8,3%), mục tiêu đến cuối năm 2024, có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành triển khai các nội dung, giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2022-2025. Từ đó, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế nông thôn, đảm bảo tăng trưởng bền vững.