“Lão làng” một đời say mê với các vở tuồng bội

(Baohatinh.vn) - Ông Phan Đăng Kiên (65 tuổi, thôn Bình Định, xã Thái Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh), người có niềm đam mê bất tận với hát bội (hay còn gọi là tuồng bội).

Ông Phan Đăng Kiên say mê với các vở tuồng

Ông ngồi xuống, khẽ lắng giọng rồi chậm rãi kể lại câu chuyện đến với hát bội, hay gọi là hát tuồng. Mái tóc hoa râm lưu vết tích thời gian, đôi mắt vẫn lóe lên những tia sáng mỗi khi ông tâm đắc một điều gì đó trong quá khứ.

“Lão làng” một đời say mê với các vở tuồng bội

Tuồng bội với ông Kiên không chỉ là nơi lưu giữ tuổi trẻ, mà còn là niềm vui bình dị khi tuổi đã xế chiều.

Ông kể: “Ngày ấy, sau những buổi lam lũ trên đồng ruộng, khi đêm về, dẫu thiếu thốn đủ bề, cái ăn, cái mặc còn chưa có, nhưng khi nghe những làn điệu tuồng vang lên ở sân đình, sân chùa hay một ngôi nhà đủ rộng của các cụ trong làng, lòng tôi lại như cháy lên mà ngân nga theo câu được, câu mất. Niềm đam mê hát bội cũng bắt đầu từ đó”.

Hơn 50 năm trước, ở làng quê Bình Định (Đức Thọ), khi vừa hoàn thành bậc tiểu học, những đêm làng có gánh hát bội biểu diễn, ông lại theo chân cha mẹ đi xem. Trong cái nhìn của cậu bé thơ ngây ngày đó, hát bội là một cái gì còn cao xa lắm, nhưng chính những giản đơn từ trang phục, điệu đi cho đến hơi hát, làn trống... đã in sâu vào trong tâm khảm rồi khiến ông trở thành một người “say tuồng” sau này.

“Lão làng” một đời say mê với các vở tuồng bội

Ông thuộc lòng từng vở diễn, từng tích lớp, tính cách nhân vật.

Hát tuồng không phải ai cũng hát được, phải có đam mê thì những điệu tuồng khi cất lên mới có hồn.

“Ngày ấy, giữa cái đói nghèo, những người nghệ sĩ không “danh” vẫn say mê bên gánh hát, họ luôn cháy hết mình trong từng đêm diễn mà tiền công chỉ là những củ khoai, củ sắn hay bình dị là những đêm hát cho “thỏa” đam mê. Còn bây giờ, tôi chỉ muốn hơi thở của mình qua mỗi điệu tuồng có thể níu giữ được một ít lớp trẻ đam mê mà truyền giữ, vậy cũng đủ làm lòng tôi bớt suy tư”, ông Kiên trăn trở.

“Lão làng” một đời say mê với các vở tuồng bội

Ông Kiên luôn tranh thủ thời gian, cùng những người nghệ sĩ không “danh” trong xã ôn lại các vở tuồng.

Giọng hát trĩu nặng như một người vì trót nặng nợ với nét đẹp văn hóa của cha ông để lại. Đôi mắt hấp háy như chừng từng con chữ gợi lên trong ông điều gì đó trong miền ký ức, giọng ông chùng xuống nói: “Tôi muốn đem hết tâm huyết một đời để gìn giữ chiếc nôi của tuồng, sợ mai kia khuất bóng, những vở tuồng sẽ bị lãng quên”.

“Ăn tuồng, ngủ tuồng” đó là những gì người nghệ sĩ không “danh” Phan Đăng Kiên đang trầm tư từng đêm. Ông ấp ủ dự định xây dựng một đoàn tuồng dành cho mọi lứa tuổi, để qua mỗi tiếng hát, họ có thể truyền cho con cháu lưu giữ qua các thê hệ.

“Lão làng” một đời say mê với các vở tuồng bội

Với ông Kiên, tuồng bội là nét đẹp của cha ông để lại cần được lưu giữ cho thế hệ sau, để cho con cháu nhớ đến tìm về. Trong ảnh: Ông Kiên đang hát vở tuồng "Ngọn lửa Diên Hồng".

“Ông Kiên là một trong số ít “lão làng” còn say mê với các điệu tuồng, luôn dốc lòng gìn giữ. Bởi hiện nay, số người biết hát tuồng ở làng còn rất ít, hầu hết đang ở độ tuổi “xế chiều” nên nguy cơ mai một là rất cao”, bà Nguyễn Thị Lan (58 tuổi, thôn Bình Hà, xã Yên Hồ) chia sẻ.

Ông Nguyễn Viết Báu - Chủ tịch UBND xã Thái Yên cho biết: “Hát tuồng đã gắn bó với người dân trong xã từ bao đời nay. Những năm 60 của thế kỷ trước, các làn điệu dân ca như ăn sâu vào “máu thịt” người dân trong làng. Tuy nhiên những năm gần đây, hát tuồng đang dần bị lãng quên, khó có thể tìm ra một “mái đầu xanh” có thể hát được các điệu tuồng. Ông Phan Đăng Kiên là người duy nhất trong làng còn giữ được niềm say mê với hát tuồng cho đến thời điểm hiện tại".

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast