Nhận diện bản sắc đất và người Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Địa linh và nhân kiệt Hà Tĩnh có đặc thù, sắc nét độc đáo riêng. Ở đây, “địa linh” sinh “nhân kiệt” và ngược lại, “nhân kiệt” luôn biết bảo tồn, gìn giữ và bồi đắp, “thiêng hóa” cho “Địa linh”.

Nhận diện bản sắc đất và người Hà Tĩnh

Núi Hồng - sông Lam. Ảnh Đậu Hà

1. Hà Tĩnh với tư cách là một tỉnh, có lịch sử chưa đầy 200 năm(1), nhưng sự hiện hữu của đất và người Hà Tĩnh thì đã có tự nghìn xưa. Đấy là một vùng đất phải chịu nhiều thiên tai - hạn hán, lũ lụt, nhất là gió lào: “Kìa gió lào thổi cong sông Lam”, “Gió Ngàn Hống thổi vênh trời Hà Tĩnh”(2)… Vùng đất này thực sự là nơi giang sơn tụ khí, con người tụ nghĩa, một vùng đất ngay từ trong gốc gác đã là đất thiêng - “địa linh”. Vẫn biết, cụm từ “địa linh - nhân kiệt”, lâu nay được dùng dường như trỏ bất cứ vùng nào trên đất Việt, nghe đến mức tưởng như sáo mòn, công thức, dễ dãi. Nhưng, với Hà Tĩnh, đây là sự thực, là cách gọi đích xác, không thể thay thế.

Địa linh và nhân kiệt Hà Tĩnh có đặc thù, sắc nét độc đáo riêng. Ở đây, “địa linh” sinh “nhân kiệt”, và ngược lại, “nhân kiệt” luôn biết bảo tồn, gìn giữ và bồi đắp, “thiêng hóa” cho “địa linh” theo một cách bình dị, dễ làm nhất: tôn trọng, thủy chung, vun xới. Hiếm có vùng nào trên đất Việt như Hà Tĩnh, ở đây dường như không có hiện tượng đất đai bị “xẻ thịt” vô tội vạ vì “công lợi”/ “tư hữu”.

Điều này xuất phát trước hết từ ý thức, cốt cách, khí chất của con người Hà Tĩnh với những nét đẹp mang tính bất biến được hun đúc qua hàng nghìn đời, tựa như núi Hồng sừng sững biểu trưng cho cái bền vững, thủy chung của đất và người nơi đây. Qua bao nhiêu biến thiên, dông bão, bản sắc văn hóa và con người Hà Tĩnh về cơ bản vẫn giữ được, không rơi vào tình trạng lai căng, tha hóa.

Nhận diện bản sắc đất và người Hà Tĩnh

Nguyễn Du - một trong những bậc tuấn kiệt của mảnh đất Hà Tĩnh

2. Cư dân Hà Tĩnh chủ yếu sống bằng nông, lâm, ngư, chính vì thế, người dân nơi đây luôn luôn khao khát mãnh liệt một sự thanh bình, ổn định, bền vững như 99 ngọn núi Hồng. Có thể thấy những đặc điểm cơ bản nói chung của con người Hà Tĩnh: thủy chung, cứng cỏi, can trường, hiếu học, trung thực, thật thà, sống thiên về tình, đa cảm; không chấp nhận sự đảo lộn nền nếp, tôn ty (hiện tượng “cá đối bằng đầu”); giỏi chịu khó, chịu khổ, khổ mấy cũng có thể chịu được, nhưng nhục thì không thể...

Ý thức về “phận sự” của từng con người, từng cá nhân trong các lĩnh vực hoạt động và đời sống cũng là một đặc điểm nổi bật của con người Hà Tĩnh. Con người “phận sự” là con người có ý thức về tư cách, vị thế của mình, xem Vũ trụ chi gian giai phận sự(3) - Mọi việc trong trời đất là phận sự của mình. Làm tròn phận sự, hoàn thành công việc, dĩ nhiên đấy là niềm vui lớn nhất. Trái lại, không làm tròn phận sự, không hoàn thành nhiệm vụ, đấy là nỗi đau, nỗi sợ, nỗi thẹn không gì xoa dịu.

Lời tuyệt mệnh (Lâm chung thời tác) xót xa, bi thiết của Phan Đình Phùng cũng là nỗi niềm của bao lãnh tụ và chiến sĩ trong phong trào Cần Vương chống Pháp, trên đất Hương Khê, cuối thế kỷ XIX: Nhung trường vâng mệnh đã mười đông/ Vũ lược còn chưa báo được công/ Dân đói kêu trời tan tác nhạn/ Quân gian chật đất rộn ràng ong/ Chín trùng xa giá non sông cách/ Bốn bể nhân dân nước lửa nồng/ Trách nhiệm càng cao càng nặng gánh/ Tướng môn riêng thẹn với anh hùng (nguyên văn chữ Hán, Trần Huy Liệu dịch thơ).

Nhận diện bản sắc đất và người Hà Tĩnh

Tưởng nhớ công ơn của tiền nhân, Nhân dân đã lập nhiều đền thờ, xây dựng các khu di tích. Trong ảnh: Đền thờ Vua Mai Hắc Đế (ảnh 1). Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (ảnh 2). Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (ảnh 3). Đền Chợ Củi (ảnh 4). Ảnh: Đồng Anh - Đậu Hà

3. Những đặc điểm nổi bật theo hướng tích cực của con người Hà Tĩnh càng được thể hiện rõ, tập trung ở bậc “nhân kiệt”. Bậc “nhân kiệt” Hà Tĩnh, dẫu ở thành phần nào (quan chức, tướng lĩnh, kẻ sĩ/trí thức…) ở thời nào cũng có những gương mặt nổi trội. Trong chống ngoại xâm, ngoài sự ngoan cường, dũng cảm, điều rất đáng chú ý là ngay cả khi thất cơ, lỡ bước, con người Hà Tĩnh vẫn cứng cỏi, khí tiết, “thà chết, không chịu làm nô lệ”.

Lịch sử mãi ghi danh những anh hùng, từ Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Dương Chấp Trung, Biện Hoành, Phan Đình Phùng (thời trung đại)… cho đến nhiều anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì nước trong thế kỷ XX (thời hiện đại). Trong xây dựng đất nước và kiến tạo bản sắc dân tộc, bản sắc quê hương, có biết bao tấm gương ngời sáng: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Thiếp, Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ (thời trung đại)…; Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Xuân Hãn, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Tứ (thời hiện đại)…

Thực tế cho thấy, bậc “nhân kiệt” của Hà Tĩnh, dẫu xuất phát từ thành phần nào và đỗ đạt ở cấp nào, hầu hết các vị đều làm tròn “phận sự” của mình. Xét riêng trên phương diện văn hóa - khoa học - giáo dục, các vị, từng vị, đều thực sự trở nên hoặc là hạt nhân trung tâm của một vùng, có sức lan tỏa uy tín và ảnh hưởng tích cực đến nhiều người; hoặc là chủ thể tiên phong mở lối cho một khuynh hướng, trào lưu, học phái tích cực, tiến bộ (Nguyễn Huy Oánh mở trường dạy học, soạn sách, lập Thư viện Phúc Giang, đào tạo nhân tài;

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp tham mưu nhiều việc lớn cho vua Quang Trung, đặc biệt là 3 chủ trương “Quân đức”, “Dân tâm”, “Học pháp”; Lê Hữu Trác - ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam; Nguyễn Du - người mở đường và là đỉnh cao của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX;

Nguyễn Công Trứ tiên phong, dấn thân, mở lối trên nhiều lĩnh vực (chính trị, kinh tế, quân sự…); Hoàng Ngọc Phách - người mở đầu cho tiểu thuyết lãng mạn Việt Nam hiện đại; Hoàng Xuân Hãn - người đặt nền móng cho việc biên soạn tài liệu khoa học bằng tiếng Việt; Xuân Diệu, Huy Cận - những đỉnh cao của Thơ mới 1932-1945; Nguyễn Đình Tứ - người xây dựng nền khoa học vật lý hạt nhân Việt Nam)...

Nhận diện bản sắc đất và người Hà Tĩnh

Nguyễn Công Trứ - một trong những cá tính đậm chất Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh và Nghệ An cùng thuộc văn hóa xứ Nghệ với biểu tượng là núi Hồng - sông Lam, có nhiều điểm chung, khó tách bạch. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, vẫn có thể thấy những nét riêng mang giá trị bản sắc như vừa nêu trên của văn hóa Hà Tĩnh, đất và người, đặc biệt là con người Hà Tĩnh.

Đặc điểm khí chất, cốt cách, tâm hồn, trí tuệ của con người Hà Tĩnh, có thể nói, được kết tinh ở bậc “nhân kiệt”. Bậc “nhân kiệt” Hà Tĩnh vốn trên cơ sở căn tính của kẻ sĩ xứ Nghệ, “thầy đồ Nghệ” nói chung (cá tính, bản lĩnh, tự nhiệm, tự trọng) thường trội hơn ở sự đa cảm, “đa tình”, ở tài gắn chặt với tâm; ở sự khéo léo trong ứng xử với các chủ thể triều đại quân chủ trên cơ sở lấy lẽ phải và lợi ích của nước - của dân làm trọng.

Dõi theo hệ thống ứng xử của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với vua Quang Trung, Lê Hữu Trác với nhà chúa Trịnh, Nguyễn Du với vua Gia Long, Nguyễn Công Trứ với vua Tự Đức, Phan Đình Phùng với vua Hàm Nghi và Chiếu Cần Vương, có thể thấy, mỗi người một kiểu ứng xử nhưng kiểu ứng xử nào cũng rất đáng nể trọng. Đấy là ứng xử của những nhân cách lớn với tầm độ đẳng cấp văn hóa không dễ gì có được.

Con người Hà Tĩnh nói chung, bậc “nhân kiệt” Hà Tĩnh nói riêng, nhìn chung, đều ít cơ mưu, lý sự, nhưng bù lại có những điểm mạnh khác: tâm hồn nghệ sĩ; ý thức làm tròn phận sự; lòng tự trọng, tiết tháo; tinh thần dấn thân, tiên phong sáng tạo, mở hướng; khả năng đảm nhận, chấp nhận nhiều vai khác nhau (quan chức, tướng lĩnh, binh lính, kẻ sĩ, dân tường) vì nghĩa lớn... Đấy là những giá trị văn hóa, tinh thần cần được phát huy hữu hiệu trong thời đại ngày nay.

(1). Hà Tĩnh và Nghệ An trước đây có cùng tên chung là Hoan Châu, Nghệ An châu, xứ Nghệ An, rồi trấn Nghệ An. Đến năm 1831, vua Minh Mạng chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh.

(2). Gió Ngàn Hống, thơ Trần Mạnh Hảo.

(3). Luận kẻ sĩ - Nguyễn Công Trứ.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast