Sâu bệnh đồng loạt “xuất kích” hại lúa hè thu ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong khi sâu cuốn lá nhỏ lứa thứ 3 chuẩn bị “xuất kích” thì các loại sâu bệnh khác như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn… cũng đã xuất hiện trên đồng ruộng Hà Tĩnh, đe dọa sự phát triển lúa hè thu.

Đề phòng sâu cuốn lá lứa 3 xuất hiện

Theo ghi nhận, sâu cuốn lá đang ở giai đoạn tuổi 5, nhộng, trưởng thành; mật độ trung bình khoảng 70 - 10 con/m2, nơi cao 15 - 25 con/m2, tập trung tại huyện Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, TX Hồng Lĩnh… Dự báo, tại các địa phương, sâu non của sâu cuốn lá lứa 3 có thể tiếp tục phát sinh gây hại từ sau ngày 5/8, chủ yếu ở các vùng gieo cấy sau, trổ muộn.

Một số diện tích lúa hè thu ở Đức Thọ bị sâu cuốn lá “ăn” trắng lá.

Tại huyện Đức Thọ - “điểm nóng” của sâu cuốn lá đợt 2, thời điểm này, sâu chủ yếu đã ở tuổi 5 và vào nhộng. Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa xen kẽ cuối chiều, sâu đợt 3 sẽ nở rộ trong những ngày tới. Đặc biệt, các địa phương có nhiều diện tích lúa gieo cấy muộn như xã An Dũng, Bùi La Nhân, Thanh Bình Thịnh có thể tiếp tục xuất hiện với mật độ khá dày.

Ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân cho biết: “Thời điểm này, sâu cuốn lá nhỏ không còn đáng ngại như đợt trước nhưng xã cũng đã tiến hành hướng dẫn người dân chủ động phun phòng trừ, nhất là trên các diện tích ruộng gieo cấy muộn, bước vào quá trình làm đòng non”.

Bà con nông dân huyện Thạch Hà theo dõi đồng ruộng để tập trung phun phòng trừ đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 3.

Còn tại huyện Thạch Hà, những ruộng bón thừa đạm, cây non, xanh hơn là nơi thu hút sâu trưởng thành tập trung đến đẻ trứng, nở sâu non, cắn phá lúa. Bà Nguyễn Thị Mận (thôn Gia Ngãi 1, xã Thạch Long, Thạch Hà) chia sẻ: “Sâu tuổi 4, tuổi 5 đang đợt phát triển, có một số ruộng lúa của gia đình bị ăn trắng lá. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị cho chu kỳ mới của sâu cuốn lá đợt 3 nên càng phải chú ý để tiếp tục phun phòng trừ, hạn chế ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây lúa”.

Nhiều loại sâu bệnh đồng loạt xuất hiện

Trong lúc sâu cuốn nhỏ lứa 3 bắt đầu vào chu kỳ mới thì bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng… đang xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương, đe dọa đến sự phát triển và năng suất lúa hè thu cuối vụ.

Lúa hè thu đang vào thời kỳ làm đòng, mốt số vùng gieo cấy sớm đã ôm đòng.

Chị Trần Thị Vân (thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh) cho biết: “Hiện tại, 8 sào lúa của gia đình tôi đang vào giai đoạn đòng già. Qua theo dõi, bệnh khô vằn bắt đầu gây hại, các bẹ lá sát mặt nước hoặc bẹ lá già ở dưới gốc có các vết đốm tối hình bầu dục. Tôi đã chủ động thăm đồng thường xuyên để thực hiện phun phòng trừ. Bệnh khô vằn thường gây hại nặng giai đoạn trổ đến chín sáp, ngoài việc làm giảm năng suất lúa còn khiến cây lúa yếu, khả năng chống đỡ kém, nếu gặp trời mưa, gió lớn thì rất dễ đổ ngã”.

Ở huyện Kỳ Anh, bệnh khô vằn phát sinh, gây hại với tỷ lệ trung bình từ 10 - 15%, nơi cao từ 20 - 25%, tập trung tai các xã Kỳ Giang, Kỳ Tiến, Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Phong, Kỳ Văn… với diện tích nhiễn khoảng 45 ha.

Theo ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh, bệnh khô vằn có thể tiếp tục phát sinh gây hại mạnh trong điều kiện nóng ẩm, đặc biệt ở những ruộng gieo dày, ẩm độ đồng ruộng cao, bón nhiều đạm. Từ nay đến lúc lúa kết thúc trổ, bệnh có thể gây hại trên diện rộng, làm cho bông lúa trổ không thoát và bị lem lép hạt.

Bà con nông dân huyện Can Lộc phun phòng trừ bệnh khô vằn.

Triệu chứng lúa bị bệnh thường là các bẹ lá sát mặt nước hoặc bẹ lá già ở dưới gốc có vết vằn da hổ, dạng đám mây màu xám nhạt. Trung tâm đã khuyến cáo với bà con khi ruộng bị bệnh cần duy trì mực nước trên ruộng 3 - 5 cm, phun thuốc ướt đều bẹ lá và các tầng lá của cây lúa, có thể sử dụng 1 số loại thuốc như: Tilt super 300EC, Nativo 750WG…

Tại huyện Can Lộc, nhiều trà lúa cũng đã bắt đầu xuất hiện rải rác các đối tượng gây hại trên lúa hè thu như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá... Mặc dù tỷ lệ nhiễm bệnh còn ít, bệnh khô vằn trung bình từ 5 - 10%, nơi cao từ 20 - 25%; rầy nây, rầy lưng trắng mật độ thấp, tuy nhiên đây chính là nguồn sâu hại nguy hiểm cho giai đoạn sinh trưởng tiếp theo của lúa hè thu.

Ông Phan Xuân Hồng (thị trấn Nghèn, Can Lộc) chia sẻ: “Theo kinh nghiệm, thời tiết chuẩn bị bước vào tiết lập thu, oi nóng và có mưa rào xen kẽ là điều kiện cho dịch hại phát sinh, gây hại diện rộng nếu không tiến hành theo dõi, chủ động phòng trừ”.

Bệnh khô vằn gây hại trên lúa hè thu, đặc biệt là giai đoạn làm đòng - trổ bông - chín sáp.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh, cây lúa đang vào thời kỳ làm đòng già, một số vùng gieo cấy sớm đã bắt đầu trổ với diện tích nhỏ; dự kiến, lúa sẽ trổ bông tập trung từ ngày 10 - 15/8. Đây là giai đoạn phát triển có ý nghĩa quyết định đến năng suất cuối vụ.

Cùng lúc đó, nhiều đối tượng dịch bệnh xuất hiện trên đồng ruộng như: sâu cuốn lá giai đoạn tuổi 5, nhộng trưởng thành với diện tích 60 ha. Chuột gây hại ở vùng gò đồi tỉ lệ 3 - 5%, nơi cao 7 - 10%, diện tích 55 ha phân bố hầu hết các địa phương. Các đối tượng như bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng... đã xuất hiện rải rác.

Trong giai đoạn này, các địa phương cần tập trung điều tiết, duy trì đủ nước tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ bông. Đồng thời, chủ động cảnh báo, hướng dẫn các địa phương và bà con tiến hành phun trừ sớm đối với sâu cuốn lá lứa 3 ở các trà trổ muộn. Đặc biệt, các địa phương, bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng...; chú trọng ở các vùng thấp trũng, vùng sâu, bệnh thường phát sinh, gây hại nhiều.
Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói