Thời tiết "đỏng đảnh", người nuôi tôm thấp thỏm lo dịch bệnh

(Baohatinh.vn) - Mưa nắng thất thường, môi trường thay đổi đột ngột đang khiến người nuôi tôm trên địa bàn Hà Tĩnh như “ngồi trên đống lửa” vì lo lắng dịch bệnh xảy ra.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, thay vì tiến hành theo dõi, chăm sóc để chuẩn bị thu hoạch lứa tôm xuân hè thì ông Trương Văn Tùng (thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ, Lộc Hà) lại phải ngậm ngùi xử lý ao nuôi, nguồn nước sau khi hơn 20 vạn tôm bị chết hàng loạt.

Theo chia sẻ của ông Tùng, vào giữa tháng 5, ông bắt đầu phát hiện tôm bỏ ăn, lỏng ruột, ngay sau đó chết nổi đỏ cả ao nuôi chỉ trong vòng 2 - 3 ngày. Tôm chết nhanh, không kịp trở tay nên gia đình ông chỉ đành mất trắng, vớt đem đi tiêu hủy và tiến hành xử lý ao để chuẩn bị điều kiện nuôi lứa mới.

z5494021866089_cb29d096e2a333102f0572ca61d3e443.jpg
Cán bộ chuyên môn lấy mẫu tôm bị dịch bệnh tại huyện Lộc Hà.

Sau khi có thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Lộc Hà đã xuống lấy mẫu xét nghiệm, đưa ra kết luận tôm chết là do bệnh đốm trắng - một trong những loại bệnh nguy hiểm gây chết ở tôm rất nhanh. Ngoài hộ ông Trương Văn Tùng, trên địa bàn xã Hộ Độ có 4 hộ có tôm bị nhiễm bệnh trên diện tích hơn 4,5 ha. Để hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại, huyện Lộc Hà đã hỗ trợ cung ứng 1,5 tấn hóa chất chlorine cho người dân khử khuẩn nước ao nuôi.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Phan Văn Thanh cho biết: “Thực tiễn cho thấy, nhiều loại dịch bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy, đường ruột... rất dễ xẩy ra trong giai đoạn thời tiết, môi trường nuôi có nhiều thay đổi. Trong khi đó, diện tích nuôi tôm trên địa bàn vẫn chủ yếu là nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến; hệ thống hạ tầng cấp thoát nước còn hạn chế, đầu tư cải tạo ao đầm chưa thật sự bài bản... Người dân thường phát hiện dịch muộn, chậm báo cáo lên ngành chuyên môn dẫn đến xử lý không kịp thời, rất dễ lây lan mầm bệnh sang các vùng nuôi khác”.

z5494020917246_4f1d16e79be6e0bf77d0fbc24a9aa7e8.jpg
Huyện Lộc Hà cấp phát hóa chất để xử lý môi trường nuôi tại vùng có dịch đốm trắng.

Tại các vùng nuôi khác trên địa bàn tỉnh, người nuôi tôm cũng chung tâm trạng lo lắng vì thời tiết “ẩm ương”, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của tôm nuôi.

Anh Trương Xuân Thuận - hộ nuôi tôm tại xã Kỳ Hải (Kỳ Anh) chia sẻ: "Cách đây vài ngày, trời đang nắng nóng gay gắt, không khí oi bức thì ngay sau đó đổ mưa dông vào chiều tối khiến nhiều hộ nuôi tại vùng này "mất ăn, mất ngủ". Dịch đốm trắng đã xuất hiện trên địa bàn huyện nên chúng tôi càng thêm lo lắng. Tôm đang ở giai đoạn phát triển nhanh, nếu xẩy ra vấn đề gì sẽ thiệt hại rất lớn nêncác hộ nuôi phải thường xuyên túc trực, kiểm tra độ mặn, độ pH; quan sát hình dáng bên ngoài, màu sắc… để điều chỉnh kịp thời nhiệt độ, môi trường nước, lượng thức ăn cho thích hợp”.

Có kinh nghiệm nhiều năm theo nghề nuôi tôm, anh Tiến Hùng (thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên) nhận định, thời tiết năm nay “làm khó” người nuôi tôm. Ở giai đoạn sinh trưởng mạnh của tôm, mưa xuất hiện nhiều, hình thái thời tiết nắng gắt xen kẽ mưa dông liên tục xuất hiện. Việc mưa bất chợt làm cho oxy hòa tan trong nước giảm thấp, các khí độc trong ao tăng cao khiến độ pH giảm mạnh, xuất hiện hiện tượng ao nuôi bị sụp tảo đột ngột, sản sinh ra lượng CO2 lớn… làm môi trường ao nuôi bị xáo động, tôm giảm sức đề kháng, dễ bị vi khuẩn, vi-rút tấn công.

z5494170362674_565949cf68da663d9a4d1b9bd229431a.jpg
Toàn tỉnh đã xuống giống được trên 1.450 ha (trong đó có 1.200 ha tôm thẻ chân trắng, 250 ha tôm sú).

Hiện nay, toàn tỉnh đã xuống giống trên 1.450 ha (trong đó có 1.200 ha tôm thẻ chân trắng, 250 ha tôm sú) với khoảng trên 700 triệu con giống. Tôm nuôi đang trong giai đoạn phát triển quan trọng, một số vùng chuẩn bị bước vào thu hoạch trong thời gian tới. Trong khi đó, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, thời gian tới, tình hình thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp.

Vì vậy, người nuôi tôm cần nắm rõ kỹ thuật nuôi và xử lý nguồn nước ổn định trong ao đầm; đồng thời tăng cường nguồn thức ăn giàu Vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho tôm. Những vùng đã xuống giống tôm, thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh tình trạng dư thừa, gây ô nhiễm môi trường nước. Ngoài ra, cần định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường vi khuẩn có lợi và ổn định môi trường.

z5376623754668_708f4848fe11d955797766dd677e0266.jpg
Người nuôi tôm cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm, chất lượng môi trường nuôi.

Đối với các địa phương như: thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, huyện Lộc Hà đã xuất hiện dịch đốm trắng trên tôm, chính quyền địa phương, người nuôi cần triển khai kịp thời, đầy đủ các giải pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh lây lan theo quy định; thực hiện “3 không”: không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường... Khi phát hiện tôm nuôi có hiện tượng bất thường phải báo ngay với cơ quan chuyên môn để xử lý, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh lan ra diện rộng.

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast