Thời tiết thuận lợi, nông dân xuống đồng tỉa dặm lúa hè thu
Thời tiết sau đợt nắng cao điểm đã dịu mát, dễ chịu hơn hẳn. Theo kinh nghiệm của người nông dân, đây chính là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Ông Võ Ngôn, thôn Yên (Thuần Thiện - Can Lộc) phấn khởi cho hay: “Vụ hè thu 2020, nhờ chính quyền chỉ đạo gieo cấy tập trung, đúng lịch thời vụ, điều tiết nước kịp thời nên lúa sinh trưởng đồng đều. Điều này đã giúp bà con tiến hành chăm sóc, tỉa dặm đúng quy trình và hạn định".
Thời điểm này, ở các địa phương như: Kỳ Anh, Đức Thọ, Lộc Hà lúa đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ; còn Bắc Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh... cũng bắt đầu bước vào giai đoạn đẻ nhánh. Lúa cần lượng dinh dưỡng để chuyển tiếp sang giai đoạn sinh trưởng mới.
Đây là công đoạn quan trọng giúp lúa đẻ nhánh khỏe, đảm bảo mật độ cho cây phát triển
Nhanh tay tỉa dặm nốt sào ruộng còn lại, bà Nguyễn Thị Hà (tổ dân phố Tân Tiến, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh) đã chuẩn bị sẵn bì đạm để bón luôn cho ruộng.
“Nhà tôi làm 5 sào, đến hôm nay nữa là tỉa dặm xong nên tiến hành thúc đẻ nhánh luôn. Thời tiết này là thời điểm “vàng” để bón thúc, nhiệt độ thấp, dịu mát, cây lúa sẽ hấp thụ tốt nhất lượng đạm trên đồng ruộng”, bà Nguyễn Thị Hà cho biết.
Nước là yếu tố hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp
Còn ông Nguyễn Huân, thôn Trà Dương, xã Quang Lộc (Can Lộc) thì gần như muốn tận dụng hết thời gian “vàng” của thời tiết, vừa chăm sóc, vừa phun thuốc trừ một số loài dịch hại. “Tôi tranh thủ phun thuốc trừ cỏ, dọn sạch ruộng để chúng không “ăn” hết dinh dưỡng của lúa. Cũng là ngăn trú ngụ của chuột và các loại sâu bệnh khác”.
Đối với những nơi đã từng phải đối mặt với cảnh hạn hán mới thấm thía hết giá trị của những ngày thời tiết dịu mát vừa qua. Nước không bị bốc hơi nhanh mà được giữ lại trong chân ruộng giúp cây phục hồi trước đợt bón thúc quan trọng.
Vừa chăm sóc, tỉa dặm, bà con tranh thủ phun thuốc trừ sâu bệnh
Chị Lê Thị Hoa, thôn Hòa Bình, xã Việt Tiến (Thạch Hà) chia sẻ: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, trước đây vụ nào chúng tôi cũng lo thiếu nước. Nhưng nay, nước phủ đồng ruộng, lúa cứ thế “tốt bời bời”. Sau kỳ bón thúc lúa sẽ bén rất nhanh, giúp cây thoát được thời điểm khó khăn nhất về thời tiết".
Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh, giai đoạn đẻ nhánh, cây lúa có nhu cầu cao về nước tưới và dinh dưỡng. Tuy nhiên, bà con cần đảm bảo mực nước hợp lý (2- 3 cm) và bón phân lượng vừa đủ, đảm bảo cung cấp các loại dưỡng chất như N, P, K.
Cánh đồng lúa hè thu vừa lên xanh tại xã Thạch Mỹ - Lộc Hà
Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân cần tiến hành tỉa dặm cho lúa, đảm bảo mật độ phân bố để giúp lúa đẻ nhánh; theo dõi quá trình sinh trưởng để tiến hành bón thúc đẻ nhánh đúng quy trình và phù hợp với từng loại giống.
Đặc biệt, thời điểm này, lúa phát triển mạnh mẽ bộ lá, trở thành đối tượng tấn công của nhiều loại sâu bệnh. Bởi vậy, vừa chăm sóc, tỉa dặm, bà con cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả”.
Nhờ vận hành điều tiết tưới linh hoạt, Hà Tĩnh không có điểm “nóng” hạn hán đầu vụ hè thu