Người ta vẫn gọi đùa anh Nguyễn Bằng Tấn ở thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) là "gã liều”, thậm chí là "gã gàn” khi hết lần này đến lần khác “vác” tiền nhà mua máy móc để sản xuất nông nghiệp. Nhưng, sự liều lĩnh ấy hoàn toàn không hề vô định mà bên trong người nông dân “chân lấm tay bùn” là một tư duy đột phá, sự quyết liệt trong cách làm để phát triển nông nghiệp hiện đại.
ĐẦU TƯ CẢ “BỘ SƯU TẬP” MÁY MÓC NÔNG NGHIỆP
Tôi biết anh Nguyễn Bằng Tấn (SN 1977) ở thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn từ khoảng 4 - 5 năm trước, khi TP Hà Tĩnh bắt đầu thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất. Ngoài một số HTX có tiềm lực, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ sẵn sàng bắt tay vào cuộc cải tổ trên đồng ruộng thì anh Tấn là một trong những nông dân đầu tiên ở địa phương háo hức chuyện gom đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Trong suy nghĩ, tôi vừa tò mò về người nông dân dám đánh liều chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống, vừa có chút hoài nghi. Vì thực tế, thời điểm đó, ít có nông dân nào dám bứt phá ra khỏi phương thức thức sản xuất cũ, huống hồ gì anh còn dám đứng ra thuê lại vùng đất rộng 6 ha ở Đập Cu (xã Đồng Môn), là vùng đất hoang hóa cả chục năm không ai “đụng cày”, sâu trũng.
Những ngày san lấp mặt bằng, bùn dày từng lớp, ngập đến cả ngang người; máy móc hễ cứ xuống là “mắc cạn” khiến cho anh mới ngồi yên vị trên chiếc máy cày chưa được bao lâu lại phải nhảy xuống để kéo máy ra khỏi điểm sụt lún. Rồi những ngày xuống giống, khi anh điều khiển chiếc máy cấy mini đi trước, chị vợ lại phải theo sau dắm vá mạ non vào, có những nơi bùn sánh, máy không vào được. Ấy thế nhưng, sau bao lần gặp gỡ, lân la trò chuyện với anh Tấn, tôi mới biết, “máu liều” để đổi mới sản xuất đã có trong anh cả chục năm về trước.
TÔI BỎ RA 350 TRIỆU ĐỒNG MUA MÁY GẶT ĐẬP LIÊN HỢP ĐẦU TIÊN Ở XÃ. LÚC ĐẤY CẢ LÀNG BẢO TÔI LÀ “GÃ ĐIÊN”, VÌ VỚI SỐ TIỀN ĐÓ, TÔI CÓ THỂ MUA ĐƯỢC CẢ MIẾNG ĐẤT.
--------------
Anh Nguyễn Bằng Tấn
Thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh)
Anh Nguyễn Bằng Tấn chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình nông dân, hiểu nỗi cơ cực, tôi cũng đã từng muốn thoát ly để tìm kiếm công việc khác. Năm 2003, tôi đã đi xuất khẩu lao động ở Malaysia nhưng rồi gặp khó khăn nên chỉ được mấy năm lại trở về quê hương. Trải qua đủ nghề, từ lái xe ben, chạy công nông…, rồi tình cờ một lần đi qua vùng Thạch Hà, nhìn thấy máy gặt đập liên hợp đang thu hoạch lúa, trong đầu tôi lóe lên suy nghĩ đầu tư 1 cái, trước để gặt thuê, sau có thể là cơ sở để mình đầu tư gắn bó với nghề nông. Nghĩ tới đó, tôi bỏ ra 350 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp đầu tiên ở xã. Lúc đấy cả làng bảo tôi là “gã điên”, vì với số tiền đó, tôi có thể mua được cả miếng đất. Trong khi thời điểm đó, đã ai nghĩ đến chuyện gặt máy, sản xuất chỉ chủ yếu phục vụ tự cung tự cấp, bà con không tính đến nguồn đầu tư này; rồi mỗi năm, máy chỉ xuống ruộng 2 lần vào 2 vụ thu hoạch vụ xuân và hè thu, mỗi lần khoảng vài ba tuần lễ, đến bao giờ thì lấy lại được vốn liếng…”.
Năm đầu tiên, anh chỉ phục vụ được ruộng nhà là chính, thế nhưng, chỉ sau 1 năm, thói quen gặt máy đã phủ rộng khắp toàn tỉnh, trong đó có xã Đồng Môn. Chỉ 2 năm sau, anh đã lấy lại được số vốn bỏ ra, đắt khách đến nỗi có những mùa thu hoạch, anh không về nhà, ăn ngủ trên máy, cứ hết xứ đồng này sang xứ đồng khác. Dần dần, người dân trong vùng cũng có con mắt khác về anh, tin tưởng và giao anh bao thầu công ruộng cày ải của cả xã. Đến vụ, người ta giao ruộng cho anh cày bừa và chịu công thu hoạch cuối vụ. Gắn bó với đồng ruộng, anh thuộc từng bờ thửa; hiểu rõ từng đồng đất để điều chỉnh máy sao cho đường cày sâu hơn; thu được lúa giảm thất thoát nhất... Công việc này đã đưa lại cho anh thu nhập tốt để đầu tư thêm máy móc.
Đáng khâm phục ở người nông dân tân tiến này chính là tư duy không ngừng đổi mới, anh không cho phép mình cũ đi hay chậm tiến ở bất cứ khâu nào trong hành trình hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, liên tục đổi mới công nghệ máy móc, bổ sung và thay mới các loại máy mới. Đến nay, bộ sưu tập của anh đã có 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy cày cỡ lớn trị giá hàng tỉ đồng.
Cuối năm 2023, TP Hà Tĩnh triển khai dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo đảm bảo bền vững, nâng cao hiệu quả trên các vùng có lợi thế. Một lần nữa, anh Nguyễn Bằng Tấn nắm lấy cơ hội, đầu tư dàn máy “khủng” gồm hệ thống khay mạ, máy gieo mạ, máy cấy công suất lớn và nhà xưởng với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng để tham gia dự án.
ANH NGUYỄN BẰNG TẤN LUÔN LÀ NGƯỜI NHANH NHẠY NẮM BẮT CƠ HỘI, ĐI ĐẦU VÀ LUÔN CÓ TƯ DUY ĐỘT PHÁ TRONG ĐỔI MỚI SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP. HIỆN TẠI, HỆ THỐNG MÁY MÓC CỦA ANH TẤN THUỘC VÀO LOẠI HIỆN ĐẠI, QUY MÔ NHẤT CỦA THÀNH PHỐ.
_________________
Ông Nguyễn Văn Đông
Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Môn
Ông Nguyễn Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Môn cho biết: “Anh Nguyễn Bằng Tấn luôn là người nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, đi đầu và luôn có tư duy đột phá trong đổi mới sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, hệ thống máy móc của anh Tấn thuộc vào loại hiện đại, quy mô nhất của thành phố, không chỉ hỗ trợ anh trong phát triển sản xuất mà còn góp phần giúp địa phương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến sản xuất hàng hóa hiện đại, công nghệ cao nhằm phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp đô thị hiện nay".
NHẠY BÉN TƯ DUY, PHÁT TRIỂN LIÊN KẾT SẢN XUẤT BỀN VỮNG
Những ai mới gặp anh Tấn lần đầu đều có cảm nhận chung, khuôn mặt hiền lành, có phần khắc khổ, cử chỉ đến dáng đi đều từ tốn, chậm rãi, khác hẳn hoàn toàn với tư duy nhạy bén khi anh làm kinh tế.
Anh Tấn kể: “Tôi bắt đầu có tư duy làm nông nghiệp một cách bài bản từ năm 2022, khi thành phố bắt đầu có chủ trương khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất. Với 6 ha đất ruộng thuê lại của bà con, cộng với mấy sào ruộng của gia đình, tôi bắt đầu cải tạo mặt ruộng, chất đất, lên kế hoạch sản xuất loại giống chất lượng, được thị trường ưa chuộng để bán. Vụ xuân tôi làm Nếp 98, Lai Thơm 6, Hương Cốm…; vụ hè thu thì chuyên Nếp 98, Lai Thơm 6,… Tất cả đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái đa dạng của các xứ đồng. Cũng may, tôi đã mạnh dạn đầu tư được hệ thống máy móc cơ bản nên các khâu đều được cơ giới hóa, đảm bảo sản xuất đồng bộ từ thời vụ, kỹ thuật đến chất lượng đầu ra. Suốt thời gian đó, tôi vẫn song hành được 2 công việc, vừa sản xuất ruộng nhà, vừa nhận thầu công sản xuất của bà con nông dân và thu mua lại lúa thương phẩm”.
Không dừng lại ở đó, với tư duy làm hàng hóa lớn, anh luôn tìm kiếm giải pháp để mở rộng vùng sản xuất. Khó khăn lớn nhất là diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở khu vực đô thị như TP Hà Tĩnh nhỏ, số thửa/hộ rất ít, vì thể để “gom” đất không phải là chuyện dễ dàng.
Gỡ “nút thắt” này, anh Tấn tiếp tục đi vận động, tìm những nơi đồng khó, đất đai bỏ hoang, đặt vấn đề với người dân để thuê lại hoặc những nơi bà con chỉ làm 1 vụ (vụ xuân) thì anh sẽ xin chủ ruộng canh tác vụ hè thu. “Với cách làm này, tôi đã có thêm 5,5 ha ở vùng đồng Ruộng Cồn. Khó nhất ở những vùng này là đất không canh tác thường xuyên nên chuột, sâu bọ và cỏ rất nhiều, cải tạo mất công sức và thời gian; vào vụ hè thì đất phèn chua… Những lúc như thế này “dàn máy” của tôi phát huy tác dụng, cày bừa sâu thì đất cũng được cải tạo đáng kể; tôi còn mua thêm 200 dụng cụ bắt chuột, mấy chục máy bơm để tạo vùng sản xuất ổn định. Tính bình quân, mỗi vụ tôi cũng sản xuất được 20 - 30 tấn lúa, bán ra thị trường khoảng gần 200 triệu đồng. Nhờ đó, từ hộ sản xuất, tôi đã có đủ lực để thành lập HTX Nông nghiệp Đồng Tiến” - anh Tấn chia sẻ thêm.
Và, dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do UBND thành phố Hà Tĩnh đầu tư trở thành dấu mốc quan trọng đối với anh Nguyễn Bằng Tấn và nhiều nông dân, HTX nông nghiệp khác trên địa bàn, chuyển tiếp sang sản xuất liên kết chuỗi giá trị hàng hóa lúa gạo chất lượng cao.
Dự án góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới vào sản xuất lúa; ứng dụng công nghệ mới về giống, đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào canh tác; liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất. Dự án thành công còn tạo tiền đề mở rộng quy mô liên kết sản xuất, đồng thời góp phần thực hiện cơ giới hóa ở các khâu trên 100% diện tích đất trồng lúa trên địa bàn thành phố. Đặt mục tiêu năng suất bình quân 4,8 tấn/ha/vụ, sản lượng lúa đạt 188 tấn và phụ phẩm sau thu hoạch 9.500 cuộn rơm, dự án còn tạo tiền đề mở rộng quy mô liên kết sản xuất, góp phần thực hiện cơ giới hóa ở các khâu trên 100% diện tích đất trồng lúa.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tiến do anh Nguyễn Bằng Tấn đứng đầu đảm nhiệm vai trò chủ trì, liên kết với 5 hộ dân ở các xã, phường: Thạch Bình, Đại Nài, Đồng Môn để sản xuất sản phẩm lúa chất lượng cao. Diện tích thực hiện dự án là 19,15 ha, HTX cung ứng cây giống thông qua dịch vụ mạ khay cấy máy và các dịch vụ đầu vào, thu hoạch, thu phụ phẩm... Tại cuối chuỗi sẽ có 1 đơn vị thu mua sản phẩm nhằm khép kín quy trình, từng bước xây dựng thương hiệu gạo của thành phố.
Sau 1 năm triển khai, vùng sản xuất đã có diện tích 9 ha, dự kiến vụ xuân 2025 tăng thêm 7 ha. Sản lượng trung bình đạt 60 tạ/ha. Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ và thực hiện cơ giới hóa tất cả các khâu trong sản xuất lúa nên giảm được chi phí đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), giảm công lao động; trong khi giá bán cao hơn nên lợi nhuận tăng, do đó, các hộ dân tiếp tục đăng ký để thực hiện và mở rộng diện tích. Riêng HTX Nông nghiệp Đồng Tiến doanh thu năm 2024 là trên 500 triệu đồng.
ĐỐI VỚI CHÚNG TÔI, DỰ ÁN LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP NHƯ “NGỌN HẢI ĐĂNG” DẪN ĐƯỜNG CHO NGƯỜI SẢN XUẤT. CHÚNG TÔI CÙNG NHAU LIÊN KẾT, CHIA SẺ LỢI ÍCH, CHIA SẺ ĐẦU TƯ.
--------------
Anh Nguyễn Bằng Tấn
Thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh)
Anh Tấn chia sẻ: “Đối với chúng tôi, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như “ngọn hải đăng” dẫn đường cho người sản xuất. Chúng tôi cùng nhau liên kết, chia sẻ lợi ích, chia sẻ đầu tư. Ví như, tôi có máy cày, máy cấy thì cộng sự của tôi sẽ có máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt đập liên hợp, rồi có người lo khâu thị trường, được tham gia trực tiếp sản xuất để cho sản phẩm lúa chất lượng cao… Chúng tôi bổ trợ cho nhau không chỉ tạo sự thống nhất và đồng đều trong sản xuất mà còn giảm rất nhiều chi phí đầu tư cho 1 tổ chức. Hiện, chúng tôi đã có 1 máy phun thuốc không người lái, 5 máy cày, 4 máy gặt đập liên hợp, 1 hệ thống máy cấy, mạ khay”.
Nhóm liên kết sản xuất dự án hiện có 13 người, đều là những đầu chuỗi sản xuất nông nghiệp tại địa phương, thực hiện tích tụ để sản xuất nông nghiệp lớn. Thay vì mạnh ai nấy làm, TP Hà Tĩnh đã sớm có định hướng liên kết những “nông dân lớn”, tạo động lực phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, từng bước xây dựng thương hiệu gạo của địa phương. TP Hà Tĩnh đã thành công xây dựng thương hiệu gạo Liên Nhật đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Liên Nhật (Thạch Hạ) – thành viên của dự án. Các vùng sản xuất trong chuỗi chịu trách nhiệm cung ứng lúa chất lượng cao cho HTX này để đưa ra thị trường.
Anh Đặng Thái Hòa – nông dân xã Thạch Bình - thành viên HTX Nông nghiệp Đồng Tiến cho biết: “Tôi bắt đầu tham gia, trở thành thành viên HTX từ vụ xuân 2024. Tôi đã đầu tư 1 máy bay phun thuốc không người lái, 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy cày. Vào mỗi vụ sản xuất, anh Tấn với vai trò giám đốc HTX chủ trì sẽ điều tiết máy móc đảm bảo phục vụ nhịp nhàng các khâu sản xuất, tuân thủ thời vụ, quy trình. Tham gia dự án, tôi đã giảm được chi phí, áp lực đầu tư máy móc ban đầu. Việc liên kết giữa các thành viên với HTX luôn có sự đồng hành, giám sát, hỗ trợ của phòng chuyên môn của thành phố và chính quyền địa phương nên rất tin tưởng và tự tin cùng anh em tạo ra vùng sản xuất lúa chất lượng cao cho thành phố”.
THAM GIA DỰ ÁN, TÔI ĐÃ GIẢM ĐƯỢC CHI PHÍ, ÁP LỰC ĐẦU TƯ MÁY MÓC BAN ĐẦU. VIỆC LIÊN KẾT GIỮA CÁC THÀNH VIÊN VỚI HTX LUÔN CÓ SỰ ĐỒNG HÀNH, GIÁM SÁT, HỖ TRỢ CỦA PHÒNG CHUYÊN MÔN CỦA THÀNH PHỐ VÀ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG NÊN RẤT TIN TƯỞNG VÀ TỰ TIN CÙNG ANH EM TẠO RA VÙNG SẢN XUẤT LÚA CHẤT LƯỢNG CAO CHO THÀNH PHỐ.
--------------
Anh Đặng Thái Hòa
Thành viên HTX Nông nghiệp Đồng Tiến
Những đường cày vụ mới đã bắt đầu trên vùng sản xuất của HTX Nông nghiệp Đồng Tiến. Theo kế hoạch, năm nay, anh Tấn tiếp tục định hướng các xã viên sản xuất các loại giống theo đơn đặt hàng như: Lai thơm 6, Hương cốm 4… Theo dự kiến, cuối tháng 11 này, những đợt giống đầu tiên của vụ xuân 2025 sẽ được gieo vào mạ khay để chuẩn bị cho mùa gieo cấy mới.
Ông Trần Quang Hưng - Trưởng phòng Kinh tế (UBND TP Hà Tĩnh) cho biết: "HTX Nông nghiệp Đồng Tiến là nhân tố đi đầu, đảm nhiệm vai trò chủ trì, được hưởng lợi từ ngân sách hỗ trợ, hiệu quả hoạt động sản xuất nhưng cũng phải chịu trách nhiệm trong việc liên kết, chia sẻ lợi ích với các hộ dân, sản xuất lúa chất lượng cao. Các HTX trên địa bàn thành phố là một mắt xích trong chuỗi ngành hàng, được tự chủ liên kết với nhau theo hướng “cộng sinh” nhằm giảm chi phí, áp lực đầu tư, từ đó cùng thu lợi nhuận, nhân rộng dự án phát triển bền vững".
HTX NÔNG NGHIỆP ĐỒNG TIẾN LÀ NHÂN TỐ ĐI ĐẦU, ĐẢM NHIỆM VAI TRÒ CHỦ TRÌ, ĐƯỢC HƯỞNG LỢI TỪ NGÂN SÁCH HỖ TRỢ, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT NHƯNG CŨNG PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC LIÊN KẾT, CHIA SẺ LỢI ÍCH VỚI CÁC HỘ DÂN, SẢN XUẤT LÚA CHẤT LƯỢNG CAO.
--------------
Anh Đặng Thái Hòa
Thành viên HTX Nông nghiệp Đồng Tiến
Chủ trương lớn “mở lối” cũng là lúc trong tư duy mạnh bạo của người "thủ lĩnh" Nguyễn Bằng Tấn xác định tiếp tục tìm kiếm và mở rộng vùng sản xuất bằng hình thức tích tụ để từng bước quy chuẩn hóa quy trình, chất lượng sản phẩm, đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, an toàn. Điều này cũng tạo lực đẩy cho những người nông dân mới có cơ hội bứt phá, mở rộng đầu tư vào sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững và đạt giá trị kinh tế cao.
BÀI, ẢNH: SONG OANH
THIẾT KẾ: XUÂN KHOA