Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị các địa phương quan tâm, tuyên truyền đến tận người dân về tình hình sâu bệnh.
Thời vụ hè thu 2018 chậm 7 - 10 ngày
Đánh giá vụ hè thu 2017, năng suất các loại cây trồng, vật nuôi đạt thấp. Ngoại trừ lúa đạt tương đương cùng kỳ (44,88 tạ/ha), tất cả các đối tượng cây trồng khác đều thấp hơn từ 1,7 - gần 3 tạ/ha. Sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên diện rộng, diện tích tăng đột biến. Chăn nuôi lợn, bò gặp khó khăn, nông dân thua lỗ, tình hình chăn nuôi giảm đàn, giảm quy mô…
Năm nay, đạo ôn trên lúa xuân đang tiềm ẩn ở các diện tích đã nhiễm trên lá và các loại giống mẫn cảm. Cùng với đó, dự báo sẽ có đợt không khí lạnh, gây mưa ẩm suốt những ngày cuối tháng 4, trùng với thời gian lúa xuân trổ tập trung.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh: “Đỉnh trổ tập trung của lúa xuân từ 25 - 30/4, trùng với thời điểm thời tiết chuyển không khí lạnh, sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình trổ bông cũng như diễn biến sâu bệnh.
Lấy phương châm “ăn chắc”, né tránh thiên tai, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trong sản xuất vụ hè thu 2018, Sở NN&PTNT định hướng sản xuất trên diện tích hơn 59.200 ha, trong đó 44.369 ha lúa hè thu, 790 ha lúa mùa, còn lại các loại cây trồng cạn.
Trưởng phòng NN&PTNT Đức Thọ Nghiêm Sỹ Đông: Hiện huyện vẫn còn khoảng 300 ha bỏ hoang và để lúa chét, tập trung tại thị trấn Đức Thọ, Tùng Ảnh và Thái Yên.
Theo đó, cơ cấu sử dụng nhóm giống lúa chủ lực có thời gian sinh trưởng dưới 115 ngày, gồm: PC6, TH3-3, XM12, VTNA2, TH3-5, KD ĐB, KD18, HT1, Nếp 98, Nếp 87. Ngoài ra, tiếp tục sản xuất khu vực hóa một số giống (SV181, Kim cương 111, VTNA6), sản xuất thử giống BQ, Lam sơm 8…
Giành thế chủ động sản xuất hè thu
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn lưu ý: Trong diễn biến bất thường của tình hình biến đổi khí hậu, ngành phải thường xuyên đặt tinh thần cảnh báo cao trong sản xuất. Đặc biệt, đợt không khí lạnh gây mưa từ 24/4 tới, các địa phương cần nâng cao tuyên truyền, cập nhật tình hình dự báo đến bà con nông dân. Hỗ trợ nông dân thực hiện phun thuốc phòng trừ có hiệu quả; rà soát các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp các địa chỉ chính thống cho bà con.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra tình hình sâu bệnh tại xã Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) vào ngày 20/4
Liên quan đến thời vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải dùng các giải pháp kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ xuân. Thu hoạch vụ xuân tới đâu, làm đất gieo cấy vụ hè thu tới đó. Phấn đấu đảm bảo kế hoạch đề ra, cơ cấu giống hợp lý, phù hợp với thời vụ gieo cấy của từng địa phương. Cân nhắc sử dụng giống dài ngày trong hè thu, nhất thiết không được làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch cuối vụ. Đồng thời, có giải pháp xử lý tình trạng bỏ hoang ruộng đồng ở một số địa phương.
Tình hình sâu bệnh vẫn tiềm ẩn trên đồng ruộng, đe dọa năng suất lúa xuân và ảnh hưởng đến hè thu 2018
Đối với “kich bản” tưới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở: Nước tưới vụ hè thu phải cân đối đầu vụ. Không có chuyện “nhờ trời” để sản xuất, nếu vùng nào, diện tích nào không có khả năng cân đối nguồn tưới thì phải bàn đến phương án chuyển đổi cơ cấu. Cùng với đó, chủ động điều tiết phương tiện, máy móc, giành thế chủ động trong sản xuất hè thu...