Việc Mỹ tạm ngừng tăng thuế rất cao lên nhiều quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý của cả thế giới và giới quan sát. Dưới đây là bài phân tích đáng chú ý của cây bút Jake Werner, quyền Giám đốc Chương trình Đông Á tại Viện Quincy, đăng trên trang tin ResponsibleStateCraft:
"Hôm nay Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đình chỉ cuộc chiến thương mại toàn cầu của mình với hầu hết tất cả các quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc. Điều này khẳng định rằng, ngay cả khi mọi con mắt đang đổ dồn vào sự hỗn loạn trên thị trường tài chính, thì mối đe dọa lớn hơn nhiều từ cái gọi là "Ngày giải phóng" của ông Trump chính là sự leo thang mạnh mẽ trong xung đột Mỹ-Trung Quốc, vấn đề có thể trở nên xấu đi trong vài năm tới.
Trước "Ngày giải phóng" của Trump, hai nước có mối quan hệ không lành mạnh, với áp lực liên tục gia tăng hướng tới xung đột. Chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden không những giữ lại hầu hết các biện pháp hạn chế mà chính quyền Trump đầu tiên áp lên Trung Quốc, mà còn mở rộng và tăng cường chúng. Mặc dù có khôi phục lại các cuộc trao đổi ngoại giao mà chính quyền Trump đầu tiên đã đóng lại, chính quyền Biden vẫn từ chối hợp tác với Trung Quốc để giảm bớt các nguy cơ đẩy hai nước vào thế đối đầu với nhau.
Chính quyền Trump mới nhanh chóng áp đặt mức tăng mạnh đối với mức thuế quan, vốn đã cao, của Trung Quốc. Tuy nhiên cần lưu ý rằng ban đầu, cả hai bên đều sẵn sàng tìm kiếm một thỏa thuận có thể ít nhất là giảm bớt căng thẳng.
Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Bắc Kinh đã cử một loạt phái đoàn đến Washington với hy vọng hiểu được Trump đang tìm kiếm hình thức nhượng bộ nào, và làm thế nào để bắt đầu các cuộc đàm phán. Phía Bắc Kinh đã đề xuất một cách không chính thức một loạt các vấn đề mà họ có thể nhượng bộ, từ định giá tiền tệ, đến đảm bảo về tính trung tâm của đồng USD, cho đến đầu tư công nghiệp tại Mỹ.
Về phần mình, Trump đã dành nhiều lời khen ngợi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình — "ông ấy là một người tuyệt vời" — và liên tục hé lộ thông tin về một cuộc hội kiến giữa hai người. Vào tháng 2, ông thậm chí còn đề xuất rằng Mỹ, Nga và Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân, cuối cùng có thể dẫn đến việc cả ba cắt giảm một nửa chi tiêu quân sự. Như tôi đã lập luận gần đây, tuyên bố của Trump hoàn toàn không phải là lừa dối hay đánh lạc hướng. Toàn bộ thế giới quan và cách lập luận của Trump đều ủng hộ cho một khả năng thiết lập thỏa thuận như vậy.
Nhưng khả năng đó giờ không còn nữa. Thay vào đó, Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu một vòng xoáy leo thang có thể dẫn đến thảm họa cho cả hai bên.
Vào "Ngày giải phóng", Trump tuyên bố rằng hình phạt dành cho Trung Quốc do thực hiện hoạt động thương mại không công bằng sẽ là tăng thêm 34% thuế quan, ngoài mức trung bình hiện tại là 42%. Với mức thuế cao như vậy, ít sản phẩm của Trung Quốc có thể cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Quan trọng hơn, đòn tấn công mới nhất này đã thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc rằng chính quyền Trump chỉ đơn giản là không quan tâm đến đàm phán, và thay vào đó đang tìm cách hạ nhục Trung Quốc, phá hủy nền kinh tế của nước này.
Trái ngược với phản ứng hạn chế đối với việc Mỹ tăng thuế quan trước đó, Trung Quốc đã quyết định phản công. Trung Quốc áp đặt mức tăng 34% toàn diện trên các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, khiến doanh thu của các công ty Mỹ giảm khoảng 143,5 tỷ USD. Trung Quốc cũng áp đặt các hạn chế mới đối với hoạt động xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng về mặt chiến lược, đưa thêm một số công ty Mỹ vào danh sách các doanh nghiệp không đáng tin cậy và tuyên bố điều tra chống độc quyền đối với DuPont.
Trong phản ứng mang tính chính thức, một xã luận mới đây đăng trên trang Tân Hoa Xã cho thấy Chính phủ Trung Quốc tự định vị mình là người bảo vệ nguyên trạng toàn cầu hóa. Bài viết mô tả mục tiêu của Mỹ là "sử dụng thuế quan để lật đổ trật tự kinh tế quốc tế hiện tại, đặt lợi ích của Mỹ lên trên lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và hy sinh lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác để phục vụ cho lợi ích của Mỹ".
Chính phủ Trung Quốc tự coi mình là bình tĩnh và nghiêm túc, nhưng kiên quyết đứng trước một nước Mỹ phi lý và hung hăng: "Chúng tôi không gây ra rắc rối, nhưng chúng tôi cũng không sợ rắc rối", bài viết tuyên bố.
Một bài viết khác được đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo đã trấn an người dân Trung Quốc về khả năng phục hồi của nền kinh tế và hứa sẽ hỗ trợ tài chính đáng kể để mở rộng nhu cầu kinh tế trong nước, cũng như hành động của chính phủ để giúp các doanh nghiệp vượt qua tình trạng hỗn loạn.
Trump đáp trả với quyết tâm tương đương, nhưng không thể hiện sự bình tĩnh hay nghiêm túc, khi đăng một dòng trạng thái với tiêu đề "Trung Quốc đã chơi sai (luật), họ hoảng sợ - một điều mà họ không thể làm" trên mạng xã hội Truth Social của ông.
Sau đó, Trump chọn phương án tiếp theo, tăng thuế đối với Trung Quốc. Trong bài diễn văn dài dòng về việc hoãn "Ngày giải phóng" cho các quốc gia khác, Trump đã tăng tổng cộng thuế áp lên hàng Trung Quốc lên 125% và ở chiều ngược lại, Trung Quốc tăng thuế 84% lên hàng Mỹ.
Quan điểm chung ở Washington, cũng phù hợp với bài đăng của ông Trump, là nền kinh tế Trung Quốc rất mong manh nên không có đòn bẩy trong xung đột kinh tế. Họ nghĩ rằng khi bị cắt đứt khỏi thị trường Mỹ, Trung Quốc sẽ chỉ đơn giản là tung hàng tràn ngập các thị trường xuất khẩu khác và xa lánh châu Âu, Nhật Bản và Nam bán cầu trong quá trình này.
Sự tự tin thái quá như vậy có thể dẫn đến những tính toán sai lầm nghiêm trọng khi cuộc chiến leo thang.
Trung Quốc thực sự đã phải nỗ lực xử lý vấn đề kinh tế kể từ năm 2021, với sự sụp đổ chậm chạp của bong bóng bất động sản khổng lồ và quá trình chuyển đổi không đồng đều sang cơ cấu tăng trưởng mới, dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở thanh niên cao và áp lực giảm phát dai dẳng. Nước này có thặng dư thương mại khổng lồ cần tìm lối thoát.
Nhưng các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc có nhiều không gian để kích thích tài khóa nhằm tăng nhu cầu trong nước nếu họ chọn sử dụng nó. Cho đến thời điểm này, họ đã kiềm chế vì đang cố gắng duy trì động lực cho chương trình nghị sự cải cách kinh tế có cấu trúc của mình. Đối mặt với tình trạng khẩn cấp của xung đột quốc tế, họ có khả năng sẽ mở van.
Ở chiều ngược lại, Trump có thể đã tạm rút lui khỏi cuộc tấn công kinh tế của mình vào toàn thế giới, nhưng ông không từ bỏ nó. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế Mỹ và quan hệ kinh tế với các đối tác thương mại khác phải đối mặt với giai đoạn bất ổn làm suy yếu, có thể gây ra thiệt hại đáng kể. Tăng trưởng của Trung Quốc có thể tăng vọt ngay cả khi Mỹ phải đối mặt với lạm phát gia tăng và tăng trưởng chậm lại.
Mỹ và Trung Quốc hiện thấy mình bị mắc kẹt trong một cuộc đối đầu. Lực lượng chính kiềm chế chiến tranh kinh tế cho đến thời điểm này chỉ đơn giản là sự thất bại của các biện pháp Mỹ thực hiện trong việc làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc. Bây giờ chúng ta đã vượt qua tình trạng đó.
Xung đột có thể đi về đâu từ đây? Kết quả có khả năng xảy ra nhất của sự tách rời cứng rắn giữa nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc là sự gián đoạn cực lớn với chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều công ty sẽ đơn giản là đóng cửa, nhưng các mạng lưới buôn lậu lớn cũng sẽ xuất hiện khi các nhà sản xuất Trung Quốc tìm cách tiếp cận thị trường Mỹ, và ở chiều ngược lại là các nhà sản xuất Mỹ tìm kiếm các đầu vào quan trọng đã đột nhiên biến mất. Một số sản xuất của Trung Quốc sẽ chuyển đến các quốc gia Mỹ Latin, với phần lớn được miễn trừ trừng phạt thuế vào "Ngày giải phóng".
Điều đó sẽ tạo tiền đề cho sự leo thang hơn nữa. Mỹ sẽ tìm cách ngăn chặn nạn buôn lậu. Trung Quốc sẽ nhắm mục tiêu vào các mặt hàng quan trọng về mặt chiến lược để từ chối các nhà sản xuất Mỹ. Cả hai bên sẽ bắt đầu dựa vào các nước thứ ba để duy trì ảnh hưởng của họ, làm nảy sinh khả năng xảy ra xung đột ủy nhiệm. Đáng lo ngại nhất là cả hai bên sẽ ngày càng bị cám dỗ với việc gây đau đớn cho bên kia, bằng cách tấn công trực tiếp hơn vào các vấn đề nhạy cảm về an ninh quốc gia của họ.
Trung Quốc về cơ bản luôn chỉ đáp trả tương xứng với mỗi hành động leo thang từ Mỹ. Họ cũng có động lực mạnh mẽ để tránh những phản ứng mất kiểm soát, vì muốn dùng các biện pháp gây hấn của Mỹ đối với các quốc gia khác để củng cố quan hệ ngoại giao trong khu vực và với Châu Âu.
Nhưng không thể nói như vậy về chính quyền Trump. Bản thân Trump dường như bị ám ảnh bởi việc phải thể hiện sự khuất phục, điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận. Khi sự thất vọng của ông tăng lên — và đặc biệt là nếu nền kinh tế Trung Quốc chứng tỏ khả năng chống chịu trước các đòn tấn công — ông sẽ ngày càng lắng nghe đội ngũ an ninh quốc gia mà bản thân đã xây dựng. Trái ngược với bản năng của chính mình, các cố vấn kinh tế và quân sự hàng đầu của Trump hầu như đều kiên quyết đối đầu với Trung Quốc.
Nội dung được báo cáo trong Hướng dẫn Chiến lược Quốc phòng Tạm thời của Lầu Năm Góc cho thấy chiến tranh kinh tế có thể dễ dàng trượt sang xung đột quân sự như thế nào. Các lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ có thể tận dụng sự sụp đổ trong quan hệ Mỹ – Trung để thúc đẩy việc tăng cường quân sự cấp tốc ở châu Á, điều mà họ đã xác định là “mục tiêu cốt lõi trong chiến lược tổng thể của Mỹ”.
Con đường như vậy đã gây bất ổn, ngay cả khi chính quyền Biden từng theo đuổi nó song song với việc triển khai nỗ lực thiết lập rào chắn, nhằm hạn chế xung đột. Trong bối cảnh cả hai bên ngày càng chịu đau đớn về kinh tế, cùng với chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng và trở thành lực liên kết đối với các nhà lãnh đạo, cả hai chính phủ đều có khả năng sẽ chọn những phản ứng mang tính hủy diệt hơn trước những gì họ coi là hành động khiêu khích từ phía bên kia"./.