Tỏa rạng mạch nguồn sông núi

(Baohatinh.vn) - Người quê tôi, mỗi khi nhắc đến cội nguồn, ngoài tên gọi trên bản đồ hành chính thường tự hào xướng lên: Miền đất núi Hồng - sông La. Ấy là cách nói “hàm ngôn”, biểu thị cho sự hội tụ, tích lũy những giá trị văn hóa từ các ngọn núi, con sông khác trên gần 6.000 km2 của Hà Tĩnh.

Tuy không cao và rộng dài như nhiều ngọn núi, dòng sông ở những vùng quê khác nhưng trải qua nhiều biến chuyển của địa chất cũng như đời sống, núi Hồng và sông La đã hội tụ được những giá trị từ những dòng mạch xung quanh để lắng lại trong đó nhiều vỉa tầng văn hóa. Từ đó, tạo nên biểu tượng văn hóa Hà Tĩnh, đắp bồi cho miền quê nghèo những giá trị bất biến, độc đáo, ít nơi nào có được.

Trên các dãy núi, dòng sông của mảnh đất Hà Tĩnh đã hình thành nên nhiều vùng địa linh với những dòng họ danh giá từ đời này sang đời khác. Ảnh: Đậu Hà

Chẳng những thế mà khắp các miền quê Hà Tĩnh, từ miền núi xuôi miền trung du, xuống đồng bằng và miền biển đều đã hấp thu được những tinh túy từ mạch nguồn văn hóa đặc sắc ấy, tạo nên những truyền thống vừa riêng biệt, vừa hòa quyện trong mạch nguồn chung của quê hương Hà Tĩnh. Và, một trong những truyền thống quý báu, tạo nên thương hiệu của Hà Tĩnh chính là truyền thống hiếu học.

Hà Tĩnh là miền đất nghèo, thổ nhưỡng, khí hậu đều không có được sự ưu đãi của thiên nhiên. Mặc dù địa hình khí hậu không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại tạo nên tính cách, khí chất của con người Hà Tĩnh với những đặc trưng như: can trường, quả cảm, chính trực, đầy ý chí và đặc biệt là hiếu học.

Hà Tĩnh là miền đất nghèo, thổ nhưỡng, khí hậu đều không có được sự ưu đãi của thiên nhiên nhưng con người đã biết vươn lên không ngừng. Ảnh: Huy Tùng

Từ thuở hồng hoang cho đến thời kỳ phong kiến, trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc cho đến nay, các thế hệ người Hà Tĩnh luôn xác định xây dựng quê hương bằng con đường học hành, khoa bảng. Từ một người hiếu học mà làm nên những dòng họ hiếu học, làm nên những ngôi làng khoa bảng, đóng góp cho các thời kỳ lịch sử của đất nước những danh nhân, tuấn kiệt trên nhiều lĩnh vực.

Trên các dãy núi, dòng sông “vệ tinh” của núi Hồng - sông La như: Thiên Nhẫn, Trường Sơn, Trà Sơn, Hoành Sơn, Tùng Lĩnh, Ngàn Phố, Ngàn Sâu, sông Lam… đã hình thành nên nhiều vùng địa linh. Ở đó có những dòng họ danh giá từ đời này sang đời khác mà bất kỳ người dân Hà Tĩnh nào cũng đầy tự hào mỗi lần nhắc đến như: Nguyễn Khắc, Đinh Nho (Hương Sơn); Phan Tùng Mai (Đức Thọ); Nguyễn Huy (Can Lộc); Phan Huy (Lộc Hà); họ Nguyễn (Tiên Điền, Nghi Xuân)…

Trên các dãy núi, dòng sông “vệ tinh” của núi Hồng - sông La đã hình thành nên nhiều vùng địa linh. Trong ảnh - theo chiều kim đồng hồ: Đền thờ Vua Mai Hắc Đế; Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du; Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; Đền Chợ Củi . Ảnh: Đồng Anh - Đậu Hà

Những dòng họ này đã đóng góp cho đất nước nhiều bậc nhân tài trên các lĩnh vực như: Nguyễn Công Trứ, Bùi Cầm Hổ có tài kinh bang tế thế; Lê Hữu Trác - bậc đại danh y; Sử Hy Nhan, Nguyễn Nghiễm, Phan Huy Ích tinh thông sử học; Đặng Dung, Phan Đình Phùng xả thân cứu nước; Nguyễn Huy Oánh, Bùi Dương Lịch - những nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa xuất sắc; Đại thi hào Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới...

Hay những tên tuổi chói sáng trên các lĩnh vực chính trị, khoa học, nghệ thuật ở thế kỷ XX như: Trần Phú, Hà Huy Tập, Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đổng Chi, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Phan Chánh...

Trong đó, dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu được sử sách lưu danh bởi đóng góp của 3 cha con ông cháu là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, danh sĩ Nguyễn Huy Tự, thi sĩ Nguyễn Huy Hổ. Các bậc tuấn kiệt của dòng họ này đã lưu danh vào lịch sử quê hương, đất nước bằng những đóng góp to lớn cho sự học nước nhà ở thế kỷ XVIII bằng “Trường Lưu học hiệu” và “Phúc Giang thư viện” với hàng nghìn bản sách gỗ mà ngày nay đã trở thành di sản văn hóa của thế giới. Ngôi làng Trường Lưu (cũ) - quê hương của các danh nhân cũng trở thành địa danh độc đáo của Việt Nam với 3 di sản được UNESCO vinh danh.

Đại diện đoàn Việt Nam nhận chứng nhận Di sản tư liệu ký ức thế giới châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO dành cho Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (11/2022).

Truyền thống hiếu học của người Hà Tĩnh chính là sự kết tinh của các truyền thống đẹp đẽ trong văn hóa bao đời của người Hà Tĩnh. Theo bước cha ông, người Hà Tĩnh hôm nay đã và đang ra sức học tập, cống hiến trên nhiều lĩnh vực. Từ năm 1945 đến nay, có gần 750 người con Hà Tĩnh được phong tặng học hàm giáo sư, phó giáo sư, có nhiều công trình khoa học, đóng góp lớn cho thành tựu của đất nước và thế giới.

Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ, các sĩ tử của Hà Tĩnh đã mạnh dạn “đem chuông đi đánh xứ người” và trở về với những thành tích vẻ vang như: Trịnh Kim Chi - HCV Olympic Toán Đông Nam Á năm 1998; Lê Nam Trường - HCB Olympic Toán quốc tế năm 2006; Võ Anh Đức - HCV Olympic Toán quốc tế năm 2013; Nguyễn Thị Việt Hà - HCĐ Olympic Toán quốc tế năm 2015; Phan Nhật Duy - HCV Olympic Toán quốc tế năm 2017; Nguyễn Đình Đại - HCB Olympic Tin học châu Á năm 2017; Phan Xuân Hành - HCV Olympic Hóa học quốc tế 2022. Những tấm gương trong thời đại mới đã tạo nên nguồn năng lượng tích cực cho đất học Hà Tĩnh. Để sau mỗi kỳ thi, người Hà Tĩnh lại phấn chấn, tự hào với những thành quả mới, khát vọng mới.

Phan Xuân Hành (áo đỏ) - HCV Olympic Hóa học quốc tế 2022. Ảnh: Đình Nhất.

Như cố thi sỹ Xuân Hoài từng đúc kết: “Núi cao cho dáng đứng, sông dài cho bước đi”, những mạch nguồn của quê hương đã thấm quyện vào linh khí núi sông để đời nối đời, con cháu được bồi đắp, nuôi dưỡng, phát triển. Thời đại mới với rất nhiều cánh cửa lớn đã mở, tin rằng, các thế hệ người Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nỗ lực trên hành trình vươn tới, làm tỏa rạng mạch nguồn sông núi quê hương, không ngừng góp sức kiến thiết đất nước.

Chủ đề Di sản văn hóa làng Trường Lưu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói