Trồng rau, củ, quả đưa lại hiệu quả cao gấp 10 lần trồng lúa.
Cùng chúng tôi đi thăm những cánh đồng rau xanh, bầu, bí, mướp, dưa chuột… bạt ngàn khắp làng trên xóm dưới, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn Dương Kim Huy phấn khởi: “Chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, củ, quả là bước đi thành công lớn của chúng tôi trong những năm gần đây. Bắt đầu chỉ một vài ha từ gần 10 năm trước, đến nay, nhà nhà trồng rau, người người trồng rau, tạo thành một vùng chuyên canh rau thực sự. Chúng tôi sản xuất theo quy trình rau an toàn nên được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận. Rau, củ, quả đưa lại hiệu quả cao gấp cả chục lần sản xuất lúa nên người trồng rau Tượng Sơn đang có cuộc sống no đủ, ổn định”.
Theo ông Huy, đất Tượng Sơn không thật thuận lợi cho sản xuất lúa và cây lương thực nên từ rất sớm, Đảng ủy, chính quyền và bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vào khoảng những năm 2004-2005, một số diện tích đất màu kém hiệu quả, đất lúa cao cưỡng được tiến hành chuyển đổi sang trồng rau, củ, quả và rau xanh các loại. Vừa sản xuất, vừa học hỏi kinh nghiệm và du nhập các loại giống mới, dần dần, người dân đã chọn lựa được những loại cây phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng địa phương.
Toàn xã Tượng Sơn hiện có 275 hộ sản xuất rau củ
Giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích chuyển đổi đưa lại cao gấp nhiều lần trồng lúa đã khiến phong trào chuyển đổi đất lúa, đất màu sang trồng rau, củ, quả phát triển mạnh. Các loại rau, củ, quả giống mới gồm bầu, bí, mướp, cà, dưa chuột đã trở thành cây chủ lực trên đồng đất Tượng Sơn. Đến nay, toàn xã có đến trên 50 ha được chuyển đổi sang trồng rau, củ, quả và rau xanh các loại. Trong đó, tập trung chính ở các vùng như Phú Cầu, Nương Cộ, Đội Rai, Cánh Hàn, Hà Thanh.
Ông Nguyễn Viết Sơn - Trưởng ban Khuyến nông xã Tượng Sơn cho biết: “Nhiều năm lại đây, mùa nào rau nấy, gần như nhân dân chúng tôi không cho đất nghỉ. Mùa đông, mùa xuân, tập trung rau xanh; mùa hè, tập trung rau, củ, quả chịu nhiệt. Đặc biệt, người dân đã du nhập các giống mới như bí xanh Tre Việt, Trang Nông, mướp hương, dưa chuột Thái Lan… về trồng và cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật nên các loại rau, củ đều cho năng suất cao. Bên cạnh đó, sản phẩm chất lượng ngon, đảm bảo an toàn nên được người dân rất ưa chuộng. Ngoài thị trường chính là TP Hà Tĩnh, chúng tôi còn xuất ra các thị trường Kỳ Anh, Vinh, Thanh Hóa... Về hiệu quả thì quá rõ. Một ha đất trồng rau, mỗi vụ đạt trung bình 370-400 triệu đồng, trong khi trồng lúa chỉ đạt 40 triệu đồng”.
Chị Nguyễn Thị Hoa, hộ sản xuất rau ở thôn Bắc Bình, nói: “Việc chuyển từ trồng lúa sang trồng rau thực sự đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Trung bình mỗi sào, thu nhập 20 triệu đồng mỗi vụ. Vụ này, gia đình tôi trồng 1,5 sào bí, thu được 4,5 tấn, bán với giá trung bình 6.000 đồng/kg, thu nhập gần 30 triệu đồng; 1 sào đất trồng 2 lứa dưa chuột/vụ, thu 3,4 tấn, giá trung bình 8.000 kg, thu nhập 27 triệu đồng. Cũng nhờ chuyển đất lúa sang trồng rau nên kinh tế gia đình ổn định, khá giả hơn trước”.
Được biết, toàn xã Tượng Sơn hiện có 275 hộ sản xuất rau; mỗi năm, thu nhập từ rau lên đến 50 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 tổng thu nhập của xã. Hiện tại, còn khoảng 80 ha đất có thể chuyển sang sản xuất rau đang được địa phương đưa vào kế hoạch dự kiến chuyển đổi. Trong tương lai gần, xã sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi, lấy rau, củ, quả làm nguồn thu nhập chính của người dân.
Từ đất lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng rau đã thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho người dân địa phương nơi đây. Dám nghĩ, dám làm, dám mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất là bài học thành công của Tượng Sơn mà nhiều địa phương có thể học tập.