Văn hóa Việt trong nghề làm hương ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dâng nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp tết đến xuân về là nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó cũng là điều kiện để nghề làm hương ở làng Báo Ân (xã Thạch Mỹ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) được duy trì và phát triển trong thời gian qua.

Hầu hết người già, trẻ em trong thôn đều biết làm hương

Vệt nắng hiếm hoi của những ngày cuối đông đã tạo cơ hội cho những người làm nghề thôn Báo Ân hong nốt mẻ hương cuối cùng để chuẩn bị cho kịp những đơn hàng tết. Cách đây hơn 30 năm, nghề làm hương đã bén duyên với vùng quê Thạch Mỹ bởi một người dân có nhiều năm sinh sống, theo làm nghề hương ở miền Bắc.

Mặc dù được coi là nghề phụ nhưng suốt một thời gian dài, thu nhập từ nghề hương lại trở thành nguồn thu chính của người dân. Hơn nữa, trong quá trình sản xuất, người dân cũng đã biết sáng tạo về mẫu mã, chất lượng, tạo nên thương hiệu riêng của hương Thạch Mỹ.

Chuẩn bị hàng cho dịp tết

Bà Lê Thị Dung, một người làm hương lâu năm ở thôn Báo Ân cho biết: “Bố chồng tôi là một trong 3 người đầu tiên trong thôn gắn bó với nghề làm hương. Tôi được ông truyền nghề từ khi 15 tuổi. Bố tôi thường bảo, dâng hương là nét đẹp trong tín ngưỡng, văn hóa của người Việt. Thế nên, để làm được những nén hương thơm không chỉ đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo mà cần cả cái tâm của người thợ. Phải là người có tâm mới gắn bó lâu dài với nghề. Chính lời chỉ bảo ấy đã giúp tôi gắn bó, duy trì và phát triển nghề truyền thống trong suốt hơn 30 năm qua”.

Cũng chính cái tâm với nghề đã giúp bà Dung đứng vững trong cơ chế thị trường để giữ nghề và phát triển quy mô sản xuất. Lấy chất lượng làm đầu và không ngừng tìm hiểu, mở rộng thị trường tiêu thụ, đến nay, mỗi ngày, gia đình bà Dung sản xuất khoảng 10 vạn cây hương với nguồn thu mỗi tháng từ 30 - 40 triệu đồng, riêng tháng tết lên tới 60 - 70 triệu đồng.

Việc làm hương giờ đây đã trở nên đơn giản, nhanh chóng hơn bởi sự hỗ trợ của máy móc

Nghề làm hương không bị gò bó về thời gian, kỹ thuật cũng không quá khó nên độ tuổi nào cũng có thể học được. Và, điều mà người dân thôn Báo Ân luôn tự hào, đó là truyền thống văn hóa chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau của dân làng. Trong sản xuất và tiêu thụ hương, nhà nào cũng sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với hàng xóm, láng giềng về nguồn nguyên liệu, kinh nghiệm và thậm chí cả đầu ra sản phẩm. Mối quan hệ cố kết cộng đồng, làng xóm như càng gần gũi hơn trong những trăn trở chung về việc duy trì, phát triển nghề truyền thống.

Hiện nay, toàn thôn Báo Ân có khoảng 40 hộ làm nghề này.

Chị Phan Thị Thắm cho biết: “Tôi về làm dâu ở làng 8 năm thì cũng chừng ấy thời gian gắn bó với nghề. Những búp hương nhỏ ấy với chúng tôi, trên hết là sự thành kính, nên người thợ phải có cái tâm. Trong các bước làm hương đều phải cẩn thận, đều phải kính cẩn. Trong việc bán hàng cũng chú trọng sự hòa hiếu”.

Mỗi nén hương được thắp lên để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên hay gửi gắm những ước nguyện của mọi người đến với cõi tâm linh đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Vì thế, người dân thôn Báo Ân gìn giữ, duy trì và phát triển nghề làm hương không chỉ để cải thiện kinh tế mà còn góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của truyền thống ấy. Hiện nay, toàn thôn có khoảng 40 hộ theo làm nghề.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói