Vào cuộc xử lý tình trạng kéo điện ra sông Nghèn đánh bắt thủy sản

(Baohatinh.vn) - Sau khi Báo Hà Tĩnh có bài phản ánh “Nguy cơ mất an toàn từ việc kéo điện ra sông Nghèn đánh bắt thủy sản”, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã phối hợp chính quyền địa phương vào cuộc kiểm tra, tổ chức làm việc, xử lý.

Theo phản ánh, tại các huyện Thạch Hà, Lộc Hà và TP Hà Tĩnh đang tồn tại những đường dây điện tạm bợ kéo ra giữa sông Nghèn để chiếu sáng cho những chiếc vó đánh bắt thủy sản đang cản trở giao thông đường thủy, gây mất an toàn và thất thoát điện năng.

Vào cuộc xử lý tình trạng kéo điện ra sông Nghèn đánh bắt thủy sản

Những bóng đèn điện hàng trăm oát sáng cả ngày lẫn đêm trên sông. (Ảnh chụp đoạn qua địa bàn xã Hộ Độ). Ảnh: Tiến Phúc.

Tiếp nhận thông tin từ Báo Hà Tĩnh, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã chỉ đạo điện lực Thạch Hà, Lộc Hà và TP Hà Tĩnh nhanh chóng vào cuộc xác minh, nắm bắt tình hình và có phương án xử lý phù hợp.

Qua kiểm tra của ngành điện, trên sông Nghèn có 21 hộ gia đình (trong đó có 9 hộ ở xã Thạch Sơn (Thạch Hà), 8 hộ ở xã Hộ Độ (Lộc Hà), 4 hộ ở xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) kéo điện từ sau công tơ của gia đình ra khu vực đánh bắt thủy sản trên sông Nghèn.

Theo ngành chuyên môn, các khách hàng này đã sử dụng điện sai mục đích theo hợp đồng mua bán điện (không được sử dụng điện để đánh bắt thủy hải sản). Ngoài ra, hệ thống cột chống, dây dẫn do các hộ dân tự kéo trên sông Nghèn chưa đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Vào cuộc xử lý tình trạng kéo điện ra sông Nghèn đánh bắt thủy sản

Công nhân Điện lực TP Hà Tĩnh làm việc, yêu cầu khách hàng cắt nguồn điện cung cấp các khu vực đánh bắt thủy sản.

Sau khi cử cán bộ, công nhân xuống kiểm tra thực địa, các điện lực trực thuộc đã tiến hành lập biên bản, giải thích về nguy cơ mất an toàn, đồng thời yêu cầu các khách hàng cắt nguồn điện cung cấp các khu vực đánh bắt thủy sản để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Ông Phạm Việt Thắng - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian qua, Công ty Điện lực Hà Tĩnh và điện lực các huyện, thành phố đã có nhiều văn bản phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến các khách hàng sử dụng điện và đã quyết liệt vào cuộc kiểm tra, yêu cầu các khách hàng xử lý các dây sau công tơ đảm bảo an toàn.

Đối với các khách hàng sử dụng điện sai mục đích, vi phạm an toàn điện, nếu không tuân thủ theo hướng dẫn của ngành điện hoặc tái phạm, chúng tôi sẽ kiên quyết áp dụng các chế tài mạnh như: ngừng cấp điện, phối hợp với địa phương và các cơ quan chức năng xử lý theo quy định... Qua đó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và hệ thống lưới điện trên địa bàn”.

Căn cứ Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí: Hành vi tự ý đấu nối, kéo điện từ sau công tơ của khách hàng sử dụng điện ra ngoài sử dụng vào mục đích khác so với hợp đồng đã ký là hành vi vi phạm, bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Tin liên quan:

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.