Trở về quê lập nghiệp, anh Nguyễn Minh Phong đã thành công với mô hình sản xuất lưỡi cưa cho thu nhập khá.
Tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội), ra trường có công việc ổn định với thu nhập khá nhưng anh Nguyễn Minh Phong (SN 1987, trú thôn Bình Tiến A, xã Thanh Bình Thịnh) vẫn quyết tâm cùng vợ là chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1991) trở về quê lập nghiệp với mô hình sản xuất lưỡi cưa.
Anh Phong cho biết: “Năm 2015, khi về quê lập nghiệp, do không có nhiều vốn và thiếu kinh nghiệm sản xuất lưỡi cưa nên tôi chỉ dám đầu tư một số máy móc đơn giản, nhiều công đoạn vẫn còn phải làm thủ công. Đến năm 2021, sau 6 năm tích lũy vốn và kinh nghiệm, tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua thêm nhiều loại máy móc hiện đại, từ đó sản xuất được số lượng sản phẩm lớn hơn”.
Xưởng sản xuất của anh Phong hiện đang tạo việc làm cho 10 lao động trên địa bàn với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng. (Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Quyên sử dụng máy dập răng cưa để tạo hình răng cưa cho sản phẩm).
Qua gần 7 năm hoạt động, đến nay, Xưởng cơ khí Phong Quế của anh Phong đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động là đoàn viên thanh niên của địa phương, với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng, tùy vào tay nghề.
Làm việc tại xưởng sản xuất của anh Phong đã hơn 3 năm nay, chị Nguyễn Thị Quyên (SN 1993, trú thôn Bình Hà, xã Thanh Bình Thịnh) cho biết: “Tôi làm việc tại xưởng anh Phong từ năm 2019, công việc này không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nên tôi thấy phù hợp với bản thân. Mỗi tháng, tôi có thu nhập 6 triệu đồng, lại được làm việc gần nhà nên tôi thấy rất mừng và sẽ gắn bó lâu dài với nơi này”.
Quá trình khởi nghiệp của anh Phong đã truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên trẻ tại xã Thanh Bình Thịnh.
Là công nhân vào làm việc tại xưởng sản xuất lưỡi cưa của anh Phong từ lúc tốt nghiệp THPT, anh Nguyễn Hữu Long (SN 2002, trú thôn Bình Tiến A, xã Thanh Bình Thịnh) chia sẻ: “Được anh Phong hỗ trợ vào làm việc tại xưởng, tôi rất vui, bởi có việc làm phù hợp ngay tại quê hương.
Thời gian qua, tôi đã học được nhiều điều về quá trình khởi nghiệp, phát triển kinh tế của anh Phong và từ đó giúp tôi có thêm động lực làm việc. Tôi hy vọng, cơ sở sản xuất của anh ngày càng phát triển để có thể giúp đỡ các bạn trẻ trên địa bàn chưa có việc làm ổn định”.
Trung bình mỗi ngày, xưởng của anh Phong sản xuất được từ 200 - 250 sản phẩm lưỡi cưa các loại.
Hiện tại, mỗi ngày, xưởng của anh Phong sản xuất được từ 200 - 250 lưỡi cưa thành phẩm. Các sản phẩm đang được anh bán với giá từ 150 - 200 nghìn đồng, với nhiều loại như: lưỡi cưa gỗ, lưỡi cưa thực phẩm đông lạnh, lưỡi dao cắt giấy công nghiệp...
Đến nay, Xưởng cơ khí Phong Quế đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin tưởng. Anh Phong cho biết, bên cạnh bán lưỡi cưa cho các cơ sở sản xuất ở làng mộc Thái Yên, sản phẩm của xưởng còn được tiêu thụ ở thị trường tỉnh bạn như: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh... Vừa qua, anh cũng đã đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Shopee để quảng bá sản phẩm và kết nối thị trường.
Các sản phẩm của xưởng sản xuất do anh Phong làm chủ được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. (Trong ảnh: Anh Phong sử dụng máy mài bén lưỡi cưa tự động để mài bén sản phẩm).
“Bằng sự uy tín trong sản xuất nên sản phẩm lưỡi cưa của cơ sở làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Mỗi tháng, sau khi trừ hết các chi phí, tôi thu về từ 30 - 35 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập khá giúp tôi có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới” - anh Phong chia sẻ.
Anh Phong vinh dự là 1 trong 57 thanh niên toàn quốc được vinh danh nhận giải thưởng “Lương Định Của” năm 2021.
Với những đóng góp tích cực và thành tích của mình, năm 2021, anh Nguyễn Minh Phong vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Giải thưởng “Lương Định Của”. Đây là giải thưởng nhằm biểu dương, khen thưởng những thanh niên nông thôn tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 và thiên tai, lũ lụt.
“Giải thưởng “Lương Định Của” là động lực to lớn giúp tôi hoàn thiện hơn nữa trên con đường khởi nghiệp, luôn biết vượt qua mọi khó khăn, dám nghĩ, dám làm để mang lại thành quả cho chính mình và xã hội” - anh Phong tâm sự.
Trong thời gian tới, anh Phong dự định sẽ đầu tư thêm các loại máy móc hiện đại để mở rộng sản xuất.
Chia sẻ về định hướng sắp tới, anh Phong cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp một số máy móc hiện đại hơn để có thể tự động vận hành tất cả các công đoạn sản xuất. Bên cạnh đó, tôi dự tính đưa vào sản xuất những sản phẩm mới như: dao vòng cắt giấy, cắt vải... nhằm mở rộng thị trường, giải quyết thêm việc làm cho người lao động tại địa phương”.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho các đoàn viên thanh niên trên địa bàn, anh Nguyễn Minh Phong với vai trò là một Phó Bí thư Chi đoàn đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm lập nghiệp cho những thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp tại quê hương.
Với những đóng góp và thành tích của bản thân, tháng 12/2021, anh Phong vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Đây là một niềm vui không chỉ của riêng anh Phong còn là niềm tự hào và là động lực của những người trẻ của xã Thanh Bình Thịnh trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh Đoàn Ngọc Hường