Việc tổ chức “Tết trồng cây” tại các địa phương phải thiết thực, hiệu quả

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành công văn về việc thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.

Việc tổ chức “Tết trồng cây” tại các địa phương phải thiết thực, hiệu quả

Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia và đáp ứng đầy đủ nhu cầu cây giống cho các địa phương theo kế hoạch.

Để triển khai kịp thời Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021; Văn bản số 273/VPCP-NN ngày 12/01/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng dịp tết Nguyên đán 2021; Văn bản số 50/BNN-TCLN ngày 06/01/2021 của Bộ NN&PTNT về thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan thực hiện tốt các nội dung sau:

Tổ chức “Tết trồng cây” xuân Tân Sửu năm 2021

UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh; qua đó thấy rõ vai trò của việc trồng cây đối với sự phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu; tham gia tích cực trồng cây xanh, trồng rừng, phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng là hành động thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Việc tổ chức “Tết trồng cây” tại các địa phương phải thiết thực, hiệu quả

Loài cây trồng thuộc danh mục các loài cây chủ yếu trồng rừng theo các vùng sinh thái lâm nghiệp, cây xanh bóng mát, cây phân tán và các loài cây bản địa khác phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương.

Xây dựng kế hoạch “Tết trồng cây” nhân dịp xuân Tân Sửu năm 2021 với chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần so với năm 2020, báo cáo bằng văn bản về UBND tỉnh, Sở NN&PTNT trước ngày 26/01/2021 để tổng hợp, theo dõi.

Việc tổ chức phát động “Tết trồng cây” phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây” tiến hành vào dịp trước và sau tết Nguyên đán năm 2021; về thời gian tổ chức lễ phát động ra quân “Tếttrồng cây” đề nghị các địa phương thống nhất với các đồng chí lãnh đạo đoàn công tác của Tỉnh ủy theo dõi, phụ trách địa bàn.

Loài cây trồng thuộc danh mục các loài cây chủ yếu trồng rừng theo các vùng sinh thái lâm nghiệp (tại Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/11/2014 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT), cây xanh bóng mát, cây phân tán và các loài cây bản địa khác phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương. Tiêu chuẩn cây giống phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về cây giống đã được ban hành.

Sau khi trồng, thực hiện chăm sóc, bảo vệ rừng và cây xanh trồng phân tán, chú ý phòng trừ sâu bệnh hại đối với cây trồng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng và nhân rộng điển hình những tổ chức, cá nhân làm tốt.

Việc tổ chức “Tết trồng cây” tại các địa phương phải thiết thực, hiệu quả

Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2020.

Các sở, ban ngành, lực lượng vũ trang: Tổ chức phát động trồng cây trong khuôn viên công sở, cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời chỉ đạo, phân công cán bộ, chiến sỹ, công chức, người lao động tham gia, hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây” tại các địa phương, đơn vị.

Sở NN&PTNT: Chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức tốt phong trào “Tết trồng cây” đầu xuân năm 2021; theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện của các địa phương, báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia và đáp ứng đầy đủ nhu cầu cây giống cho các địa phương theo kế hoạch.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh và các cơ quan thông tin đại chúng: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của phong trào trồng cây gây rừng và “Tết trồng cây”; phối hợp với ngành NN&PTNT, các địa phương và cơ quan liên quan thường xuyên đưa tin, bài về gương người tốt, việc tốt trong việc trồng cây gây rừng, phòng trừ sâu bệnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trước, trong và sau tết Nguyên đán; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh cử phóng viên trực tiếp đến các địa phương để ghi hình và đưa tin tuyên truyền kịp thời.

Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị: Vận động các đoàn viên, hội viên và Nhân dân hưởng ứng, tham gia tích cực kế hoạch “Tết trồng cây” nhân dịp xuân Tân Sửu năm 2021 một cách thiết thực, có hiệu quả; phối hợp với các địa phương, đơn vị ra quân thực hiện tốt kế hoạch “Tết trồng cây” năm 2021.

Triển khai Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025

Việc tổ chức “Tết trồng cây” tại các địa phương phải thiết thực, hiệu quả

Tại một số nơi trên địa bàn Vũ Quang, người dân đã bắt đầu có ý thức trồng rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị sản xuất.

Các địa phương chủ động xây dựng các chương trình, dự án nhằm triển khai Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào các nội dung chính sau:

Trồng các loài cây thân gỗ, cây lâu năm, cây đa mục tiêu, ưu tiên các loài cây bản địa. Đối tượng thực hiện chủ yếu là trồng cây xanh phân tán và một phần diện tích trồng rừng tập trung (gồm trồng rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất là rừng gỗ lớn, không tính diện tích trồng rừng thay thế và trồng lại rừng sản xuất sau khai thác gỗ).

Để triển khai các chương trình, dự án trồng cây xanh, các địa phương tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất gỗ lớn; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị và nông thôn...; xây dựng kế hoạch trồng rừng, cây xanh phân tán hằng năm và cả giai đoạn 2021-2025 để huy động nguồn vốn.

Căn cứ kết quả huy động nguồn vốn, bố trí nguồn lực, các huyện, thành phố, thị xã xây dựng chương trình, dự án do chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã phê duyệt để triển khai thực hiện. Huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh. Trong đó, tăng cường huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, trồng cây xanh; kết hợp thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư công của Nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Tích cực huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Phát động phong trào thi đua như “Ngày chủ nhật xanh”, “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường”, “Màu xanh cho tương lai”... để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xãhội. Đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, ngành và mọi người dân.

Tăng cường công tác bảo vệ rừng

UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Văn bản số 70/UBND-NL5 ngày 06/01/2021 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Tuyên truyền, vân động các tổ chức, cá nhân không sử dụng, trưng bày sản phẩm khai thác trái pháp luật từ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, các hoạt động: khai thác, mua bán, vận chuyển, sử dụng, tiêu thụ các loài thực vật rừng khai thác trái pháp luật từ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên; săn, bắt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng trái pháp luật... trong dịp tết Nguyên đán 2021.

Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng và cây xanh; tuyên truyền và ngăn chặn các hoạt động “bẻ cành, hái lộc” đầu xuân, hành vi chặt cành, đào cây trong rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng tự nhiên, nhất là để chơi dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; xử lý nghiêm các hành vi phá hoại rừng, cây xanh theo quy định.

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.