Vũ Quang qua 25 ngày không ghi nhận trâu, bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục

(Baohatinh.vn) - Bằng những giải pháp quyết liệt, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã kiểm soát được dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Đến nay, đã qua 25 ngày trên địa bàn huyện không ghi nhận trâu, bò nhiễm bệnh mới.

Vũ Quang qua 25 ngày không ghi nhận trâu, bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục

3 con bò của gia đình ông Lê Công Định ở thôn 8 (xã Đức Bồng) bị viêm da nổi cục vào ngày 17/3.

Gia đình ông Lê Công Định (thôn 8, xã Đức Bồng) nuôi 9 con bò, ngày 17/3 phát hiện 3 con bò xuất hiện những u cục ngoài da và có dấu hiệu bỏ ăn. Nghi ngờ đàn bò bị bệnh, ông Định đã báo cáo lên chính quyền xã. Kết quả phân tích, xét nghiệm của cơ quan chuyên môn cho thấy, 3 con bò của gia đình ông bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Đây cũng là ổ dịch xuất hiện đầu tiên trên địa bàn Vũ Quang.

Ông Lê Công Định cho biết: "Ngay sau khi đàn bò của gia đình bị nhiễm bệnh, tôi đã chủ động phun hóa chất tiêu độc khu vực nuôi, tập trung chăm sóc đàn bò. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình dịch bệnh để phòng, tránh và tuân thủ các biện pháp mà cán bộ thú y hướng dẫn hằng ngày. Nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch nên hiện tại, 3 con bò bị nhiễm bệnh khỏe mạnh trở lại”.

Vũ Quang qua 25 ngày không ghi nhận trâu, bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục

Người dân xã Đức Bồng chủ động tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi thường xuyên để hạn chế mầm bệnh gây hại cho đàn vật nuôi.

Ông Trần Lê - Bí thư Đảng ủy xã Đức Bồng cho biết: “Ngay khi phát hiện ổ dịch viêm da nổi cục đầu tiên trên địa bàn, chúng tôi đã phun tiêu độc khử trùng tại hộ có gia súc mắc bệnh và vùng có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Cùng với đó, UBND xã đã chủ động sử dụng ngân sách dự phòng mua thêm vôi bột, thuốc diệt côn trùng để phát cho hộ chăn nuôi; đồng thời, tổ chức tiêm phòng cho 1.025 con trâu, bò trong xã. Nhờ thực hiện quyết liệt, kịp thời các giải pháp nên từ ngày 16/6 đến nay, trên địa bàn xã không xuất hiện thêm ổ dịch viêm da nổi cục nào”.

Vũ Quang qua 25 ngày không ghi nhận trâu, bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục

Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng bà Nguyễn Thị Minh ở thôn 3 - Bồng Giang (xã Đức Giang) vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như: không chăn thả bò ở các sườn bãi, vệ sinh chuồng thường xuyên...

Không chỉ ở xã Đức Bồng, mà hầu hết tại các xã, thị trấn trên địa bàn Vũ Quang, cả chính quyền và người dân đều tích cực triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục theo chỉ đạo của UBND huyện và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Bà Nguyễn Thị Minh ở thôn 3 - Bồng Giang (xã Đức Giang) cho biết: “Gia đình tôi nuôi 4 con bò. Mặc dù dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn đã được kiểm soát, tuy nhiên, tôi vẫn chưa chăn thả bò tập trung ở các sườn bãi. Hằng ngày, gia đình vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt theo hướng dẫn của xã như: vệ sinh chuồng trại thường xuyên, tăng khẩu phần ăn cho bò để tăng sức đề kháng... Nhờ chăm sóc tốt nên đàn bò của tôi luôn phát triển khỏe mạnh”.

Vũ Quang qua 25 ngày không ghi nhận trâu, bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục

Dù đã qua 25 ngày không xuất hiện dịch nhưng cán bộ thú y huyện Vũ Quang vẫn thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các hộ chăn nuôi trên địa bàn thực hiện phòng, chống dịch.

Theo ngành chức năng Vũ Quang, dịch viêm da nổi cục xuất hiện trên địa bàn từ ngày 17/3 đến 30/6/2021, với 1.163 con trâu, bò tại 10 xã, thị trấn mắc bệnh. Trong đó, có 186 con chết, tiêu hủy với khối lượng trên 23 tấn.

Nhờ tích cực thực hiện các giải pháp, huyện Vũ Quang đã kiểm soát được dịch viêm da nổi cục trên địa bàn. Từ ngày 30/6 đến nay, trên địa bàn huyện không phát sinh thêm ổ dịch mới, số trâu, bò khỏi bệnh đến thời điểm này là 975 con.

Vũ Quang qua 25 ngày không ghi nhận trâu, bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục

Người chăn nuôi Vũ Quang đã chủ động chăm sóc bò tại nhà, kết hợp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.

Ông Võ Quốc Hội - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Vũ Quang cho biết: "Toàn huyện hiện có hơn 13.000 con trâu, bò. Ngay khi dịch viêm da nổi cục xuất hiện trên địa bàn, chúng tôi đã cấp 800 lít thuốc sát khuẩn và 200 lít hóa chất diệt côn trùng cho các địa phương tổ chức tiêu độc khử trùng tại khu vực có gia súc nhiễm bệnh và những nơi có nguy cơ cao.

Đồng thời, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách ly gia súc nhiễm bệnh, không thả trâu, bò ra các bãi chăn thả chung. Song song với đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc-xin phòng viêm da nổi cục trên đàn gia súc để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đến nay, huyện đã tiêm vắc-xin phòng bệnh cho 10.702 con/kế hoạch 10.267 con, đạt tỷ lệ 104,24%".

Vũ Quang qua 25 ngày không ghi nhận trâu, bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục

Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã kiểm soát tốt dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.

Ông Nguyễn Trường Thọ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết: "Hiện nay, dịch bệnh viêm da nổi cục đã được kiểm soát nhưng tất cả các biện pháp phòng, chống dịch vẫn được huyện thực hiện nghiêm. Bên cạnh tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, thuốc diệt côn trùng thường xuyên tại các thôn, hộ gia đình có bò mắc bệnh, cơ quan chức năng huyện còn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động hành nghề thú y, buôn bán, vận chuyển, giết mổ trên địa bàn.

Tại khu vực ổ dịch cũ, các hố chôn xác trâu, bò, hướng dẫn người dân tiêu độc, khử trùng môi trường khu vực chăn nuôi, khu vực có nguy cơ cao nhằm tránh dịch bệnh tái phát. Đối với các hộ chưa đảm bảo điều kiện về chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, phòng đã khuyến cáo người dân ngừng tái đàn để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại”.

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Đọc thêm

“Quả ngọt” miền đồi Vũ Quang

“Quả ngọt” miền đồi Vũ Quang

Ngắm những đồi cam trĩu quả hay rừng keo nguyên liệu bạt ngàn của người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh), chúng tôi lại nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”...
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Hà Tĩnh phân bổ 169 tỷ đồng thực hiện chính sách nông thôn mới năm 2025

Hà Tĩnh phân bổ 169 tỷ đồng thực hiện chính sách nông thôn mới năm 2025

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa ký ban hành Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 15/01/2025 về việc phê duyệt kế hoạch kinh phí năm 2025 để thực hiện một số cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng thành công tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2022-2025.
Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Thời điểm này, người trồng mai tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc, kích nụ để phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.